Cập nhật lúc 09:55, Thứ Hai, 19/10/2009 (GMT+7)
Mục tiêu đến năm 2015, 100% các cơ quan nhà nước đã kết nối mạng diện rộng của Đảng và Nhà nước sẽ được cung cấp dịch vụ chữ ký số và xác thực quốc gia.
Một lớp học về CNTT cho các nhân viên cơ quan nhà nước, doanh nghiệp. (Ảnh: H.S) |
Những mục tiêu rất cụ thể khác cũng đã được đặt ra trong chương trình, như: đến năm 2015, 80% người dân và doanh nghiệp nộp hồ sơ khai thuế qua mạng, 90% Cục Hải quan các tỉnh, thành phố triển khai thủ tục hải quan điện tử, 30% các đấu thầu mua sắm hàng hóa, xây lắp và dịch vụ tư vấn cho các cơ quan nhà nước được thực hiện qua mạng, 100% hộ chiếu được cấp cho công dân Việt Nam phục vụ công tác xuất, nhập cảnh là hộ chiếu điện tử, 30% công dân Việt Nam trên 14 tuổi được cấp chứng minh nhân dân sản xuất trên dây truyền hiện đại, với một số chứng minh nhân dân duy nhất không trùng lặp, chống được làm giả…
Theo Bộ TT&TT, ý nghĩa quan trọng của chương trình quốc gia về ứng dụng CNTT là làm tăng tính minh bạch trong hoạt động của các cơ quan nhà nước, làm cho các cơ quan nhà nước gần dân hơn, phục vụ người dân và doanh nghiệp tốt hơn, đồng thời tăng cường sự hợp tác giữa cơ quan nhà nước các cấp và với các tổ chức, cá nhân trong xã hội.
Để đạt được yêu cầu 100% cơ quan nhà nước sử dụng được dịch vụ chữ ký số, mục tiêu đến năm 2015 cũng phải đồng thời đưa ra nhiệm vụ: 100% các cơ quan Bộ, ngang Bộ, Chính phủ, các tổ chức cấp xã, phường, tỉnh, thành phố…phải kết nối hoàn toàn vào mạng truyền dẫn tốc độ cao, an toàn, bảo mật của Đảng và Nhà nước.
Nhiệm vụ ứng dụng CNTT cũng đề ra việc cần thiết phải thiết lập một môi trường làm việc điện tử giữa các cơ quan nhà nước, trong đó: 70% các văn bản, tài liệu chính thức trao đổi giữa các cơ quan nhà nước được trao đổi hoàn toàn dưới dạng điện tử; bảo đảm 100% các cuộc họp của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ với các Bộ, các UBND tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương có thể được thực hiện trên môi trường mạng; đảm bảo 100% hồ sơ quản lý cán bộ công chức các cấp có thể được quản lý chung trên mạng với quy mô quốc gia…
Dự thảo chương trình cũng cho rằng, đến năm 2015, sẽ cung cấp rộng rãi các dịch vụ công trực tuyến mức độ 3 hoặc 4 cho người dân và doanh nghiệp.
Định hướng về ứng dụng CNTT đến năm 2020, Việt Nam sẽ tạo lập được môi trường mạng rộng khắp phục vụ đa số các hoạt động của các cơ quan chính phủ. Cán bộ, công chức có thể làm việc mọi lúc, mọi nơi dựa trên nhiều phương tiện khác nhau. Các dịch vụ hành chính công cũng sẽ được cung cấp trực tuyến rộng khắp…đóng góp của nhân dân và chờ Thủ tướng phê duyệt.
Theo VietNamNet