Ngày 30/9/2009, Bộ trưởng Bộ Công an đã ban hành Thông tư số 53/TT-BCA quy định về thực hiện dân chủ trong công tác của lực lượng Cảnh sát PCCC. Thông tư có hiệu lực thi hành kể từ ngày 14/11/2009, có nội dung cơ bản quy định về quyền, lợi ích, nghĩa vụ của cơ quan, tổ chức, cơ sở và cá nhân trong công tác PCCC.
Theo Thông tư, nguyên tắc thực hiện dân chủ trong công tác của Cảnh sát PCCC trước hết phải tuân thủ hiến pháp, pháp luật và các quy định của Bộ Công an về công tác PCCC; bảo đảm quyền, lợi ích hợp pháp của cơ quan, tổ chức, cơ sở và cá nhân trong lĩnh vực PCCC. Nghiêm cấm mọi hành vi lợi dụng dân chủ cản trở hoạt động theo pháp luật của Cảnh sát PCCC, cơ quan, tổ chức, cơ sở và cá nhân thực hiện công tác PCCC. Xử lý nghiêm minh hành vi vi phạm pháp luật về PCCC.
Thực hiện dân chủ trong công tác của Cảnh sát PCCC trước hết bắt đầu từ tác phong, thái độ, lề lối làm việc của Cảnh sát PCCC; về những việc Cảnh sát PCCC không được làm; nơi tiếp công dân của đơn vị Cảnh sát PCCC; nhiệm vụ, quyền hạn của cán bộ được phân công tiếp công dân đến làm thủ tục liên quan đến PCCC; các quy định, biểu mẫu, thủ tục, thời hạn giải quyết đối với từng loại việc về PCCC; các loại phí, lệ phí theo quy định của pháp luật; các nội dung liên quan đến giải quyết thủ tục về PCCC phải thông báo công khai. Đặc biệt, Thông tư quy định rất rõ việc tổ chức thực hiện quy chế dân chủ như trình tự, thủ tục, thời gian tiến hành; việc giải quyết khiếu nại, tố cáo; việc từ chối tiếp những người sử dụng rượu, bia, chất kích thích khác hoặc có lời nói, hành vi khác vi phạm nếp sống văn minh ở nơi công cộng; xử lý những người có hành vi gây rối trật tự trong đơn vị Cảnh sát PCCC; không xem xét, giải quyết những đơn, thư nặc danh, mạo danh.
Thông tư cũng quy định những việc cơ quan, tổ chức, cơ sở và cá nhân được bàn, quyết định; những việc cơ quan, tổ chức, cơ sở và cá nhân được làm; những việc các cơ quan, tổ chức và cá nhân được giám sát, góp ý kiến với Cảnh sát PCCC. Những nội dung cơ bản về vấn đề này như việc chấp hành quy định của pháp luật về PCCC; việc thực hiện theo nội quy công sở và chỉ dẫn của cán bộ, chiến sĩ Cảnh sát PCCC; không được khiếu nại, tố cáo sai sự thật; xâm hại phương tiện PCCC và phương tiện phục vụ thông tin báo cháy, các panô, áp phích tuyên truyền về PCCC; phát hiện, tố cáo, đấu tranh, ngăn chặn những hành vi vi phạm quy định về PCCC, hành vi cản trở, chống lại Cảnh sát PCCC thi hành công vụ; giải tỏa những chướng ngại vật gây cản trở hoạt động của lực lượng và phương tiện chữa cháy; tích cực giúp đỡ, phối hợp với lực lượng Cảnh sát PCCC trong khi thi hành công vụ.
Cơ quan, tổ chức và cá nhân có quyền giám sát, góp ý kiến về việc thực hiện các quy định của pháp luật và của Bộ Công an trong giải quyết các thủ tục và các công việc khác có liên quan đến công tác PCCC; việc chấp hành Điều lệnh Công an nhân dân; về tác phong, thái độ, lề lối làm việc của Cảnh sát PCCC; Đề nghị biểu dương, khen thưởng những đơn vị, cá nhân thực hiện tốt nhiệm vụ của mình; phát hiện, tố cáo các trường hợp cán bộ chiến sĩ Cảnh sát PCCC có hành vi tiêu cực hoặc vi phạm cần phải xử lý.
Ngoài những nội dung trên, Thông tư còn quy định việc thực hiện dân chủ trong nội bộ đơn vị Cảnh sát PCCC như trách nhiệm của Thủ trưởng đơn vị Cảnh sát PCCC, những nội dung Thủ trưởng đơn vị Cảnh sát PCCC công khai đối với cán bộ, chiến sĩ, hình thức công khai đến cán bộ, chiến sĩ và nội dung cán bộ, chiến sĩ tham gia ý kiến, giám sát, kiểm tra.
Thông tư cũng quy định các đơn vị Cảnh sát PCCC cần thực hiện tốt công tác tuyên truyền và phối hợp với các cơ quan thông tin đại chúng tuyên truyền, phổ biến công khai những nội dung của Thông tư liên quan đến quyền, lợi ích hợp pháp và trách nhiệm của cơ quan, tổ chức, cơ sở và cá nhân để phát huy quyền làm chủ của nhân dân, huy động cơ quan, tổ chức, cơ sở và cá nhân tích cực tham gia công tác PCCC, bảo đảm tốt công tác phòng ngừa cháy, nổ, kịp thời dập cháy khi xảy ra, hạn chế thấp nhất hậu quả do cháy, nổ gây ra.
Lương Khắc Vọng