Vỏn vẹn chỉ 3 tháng, bốn chàng sinh viên Trường ĐH Sư phạm Kỹ thuật TPHCM đã hoàn thành Đồ án tốt nghiệp. Điều lý thú là chính đồ án của 4 chàng trai này đã đặt nền móng cho việc nghiên cứu và ứng dụng năng lượng Mặt Trời vào lĩnh vực giao thông vận tải.
Chiếc xe Mặt Trời
Bắt tay vào nghiên cứu, 4 chàng trai phân công nhau lên mạng tìm kiếm tài liệu và nhận thấy ở Việt Nam việc ứng dụng năng lượng Mặt Trời vào cuộc sống còn rất hạn chế. Tài liệu trên mạng hầu hết đều bằng tiếng Anh. Các bạn tìm đến các cửa hàng bán các thiết bị sử dụng năng lượng Mặt Trời ở trung tâm thành phố để tìm hiểu thành phần, công suất, nguyên lý hoạt động của pin để thiết kế khung xe.
Thời gian này cũng là lúc 4 thành viên đang đi thực tập tại xưởng cơ khí trong trường. Tranh thủ thời gian rảnh, các bạn ra tiệm ve chai tìm mua sắt, tôn… để giảm chi phí. Vượt hơn 100 cây số, Nguyễn Tấn Hùng về tận Vũng Tàu mượn máy cắt, máy hàn, máy mài mang lên phòng trọ để chế tạo khung xe.
Khó nhất trong việc chế tạo là công đoạn lắp đặt bộ điều chỉnh tốc độ động cơ điện một chiều. Lên chợ Nhật Tảo (quận 10, TPHCM) mua các mạch điện về lắp ráp nhưng xe hoạt động không như ý, Tấn Hùng kể: "Vừa lắp bộ điều chỉnh tốc độ vào là xe chạy liền, không cần bật chìa khóa và bỏ số. Sau khi tham khảo ý kiến của các thầy bên khoa Điện – Điện tử, tụi mình mua thêm một bộ biến thế gắn vào mạch điện, xe mới hoạt động bình thường".
Xe không ồn
Chiếc xe nặng 60 ký, chở được 1 người. Kinh phí chế tạo là 16 triệu đồng. Năng lượng để duy trì hoạt động của xe là do tấm pin sử dụng năng lượng Mặt Trời có kích thước 650mm – 600mm với công suất 50Wb. Trên xe sử dụng động cơ 150w, 2 bình ắc quy 12V – 30 ampe để tích điện do pin Mặt Trời cung cấp. Nếu trời nắng tốt, nạp trong vòng 8 giờ, xe sẽ chạy được 40km.
Nguyên tắc hoạt động của xe dựa trên sự chuyển hóa của điện năng thành cơ năng. Sau khi bật khóa, dòng điện từ bình ắc quy sẽ qua bộ điều khiển xe và đến bộ điều khiển tốc độ động cơ. Từ động cơ, dòng điện sẽ được chuyển hóa thành năng lượng và chạy qua bộ truyền xích để đến các bánh xe khiến xe chuyển động. Vận tốc tối đa của xe là 30km/h. Xe chạy được ở độ dốc 10 độ. Thú vị nhất là trong quá trình chuyển động, xe hoàn toàn không có tiếng ồn và không gây ô nhiễm.
Đề tài xe chạy bằng năng lượng Mặt Trời là do các thầy bên khoa Cơ khí chế tạo máy đặt hàng 4 chàng sinh viên. Nhưng càng tìm hiểu, các bạn càng đam mê công việc. Tấn Hùng chia sẻ: "Việt Nam cũng như thế giới đang đối mặt với nạn ô nhiễm môi trường. Nếu ứng dụng nguồn năng lượng Mặt Trời vào cuộc sống sẽ giảm tải được sức ép lên tài nguyên thiên nhiên". Đồ án của các bạn chỉ được 8,5 điểm nhưng đã được nhiều lời khen từ Ban giám hiệu và các bạn sinh viên trong khoa.
Sẽ tiếp tục nghiên cứu xe hơi
Theo nghiên cứu của 4 thành viên, số giờ nắng ở nước ta khá lớn: miền Bắc khoảng 1.500 – 1.700 giờ, trong khi ở miền Nam con số này đạt 2.200 – 2.600 giờ/năm. Trên khắp nước ta đều nhận được nguồn năng lượng khá lớn từ Mặt Trời. Nắng nóng từ 220C trở lên là điều kiện nạp điện lý tưởng đối với pin Mặt Trời. Đây là nguồn năng lượng vô tận, không phải trả tiền nên rất tiện ích.
Tấn Hùng cho biết: "Nếu lắp pin sử dụng năng lượng Mặt Trời công suất lớn phủ kín toàn thân xe hơi, đồng thời giảm trọng lượng xe, thay động cơ xăng bằng động cơ điện, thiết kế lại hộp tốc độ thì khả năng thay thế nguồn năng lượng xăng đang dần cạn kiệt là điều hoàn toàn khả thi với xe sạch made in Vietnam".