Đến 17g20 chiều nay 26/42010, hơn 550 người đã được huy động chữa cháy Vườn quốc gia Tràm Chim (Đồng Tháp), dập tắt lửa tại rừng A2, tuy nhiên những khu vực khác trong rừng A1 bốc cháy trở lại.
Trước đó, khoảng 13g trưa, cháy lớn gần như thiêu rụi một phần khu rừng A1 và lan rộng sang các khu vực xung quanh.
Ngọn lửa khởi cháy từ sáng hôm qua 25/4/2010, do cây và thảm thực vật khô khốc, nước cạn kiệt. Mũi lửa theo gió mạnh tiếp tục cháy lan qua các khu vực lân cận sau khi bùng phát tại khu rừng A1 thuộc xã Phú Đức, huyện Tam Nông.
Trao đổi với phóng viên Tuổi Trẻ đầu giờ chiều 26/4/2010, ông Nguyễn Văn Hùng, phó giám đốc Vườn quốc gia Tràm Chim, cho biết hiện mũi lửa đã cháy sang khu A2 và diễn ra hết sức phức tạp. Lực lượng tại chỗ đã được tăng cường trên 350 người nhưng vẫn chưa thể khống chế được ngọn lửa, từng lớp biểu bì cháy ngùn ngụt và theo gió cháy lan qua các khu vực lân cận.
Lực lượng chữa cháy hiện rất bị động do nguồn nước cung ứng rất khó khăn. Việc chữa cháy vẫn được tiến hành bằng những thiết bị tại chỗ, chưa có tiếp ứng từ các lực lượng tuyến trên.
Thạc sĩ Nguyễn Hữu Thiện, cố vấn bảo tồn của dự án Phục hồi sinh cảnh đất ngập nước Đồng Tháp Mười, người gắn bó và am hiểu về Tràm Chim cho biết: Khu rừng A1 mấy năm gần đây được điều tiết nước hai mùa nên phân hủy được lớp hữu cơ. Còn Khu A2 tích nước lâu năm nên lớp hữu cơ tích lũy sẽ rất dày, vì thế cháy sẽ nghiêm trọng hơn. Việc cháy rừng Tràm Chim rõ ràng sẽ ảnh hướng rất lớn đến môi trường sinh thái, cũng như môi trường sống của một số loài động, thực vật nơi đây.
Ông Hùng nói đến thời điểm này chưa thể ước tính được diện tích đã thiệt hại cũng như chưa thể dự báo được đến bao giờ mới có thể khống chế được ngọn lửa. Tại hiện trường nắng vẫn rất khốc liệt, lửa cháy lớn nên công việc chữa cháy rất hạn chế.
Khoảng 15g chiều, ông Nguyễn Văn Hùng, phó giám đốc Vườn quốc gia Tràm Chim cho biết cơ quan chức năng bước đầu đã xác định được danh tính của người nghi làm cháy rừng và đang tiếp tục các bước nghiệp vụ cần thiết.
Đến 17g, trao đổi với phóng viên Tuổi Trẻ, Thượng tá Tống Duy Sử, trưởng phòng Cảnh sát Phòng Cháy chữa cháy Công an tỉnh Đồng Tháp cho biết, lực lượng chữa cháy được huy động lên đến 550 người, bao gồm các lực lượng vũ trang, người dân… 15 máy bơm công suất lớn cùng hàng ngàn mét ống chuyên dụng từ các nơi đã được huy động về để tập trung cứu rừng. Do địa hình phức tạp, nhiều kênh mương nên xe chữa cháy chuyên dụng không thể tiếp cận được hiện trường.
Theo thượng tá Sử, đến cuối buổi chiều ngọn lửa cơ bản đã được khống chế. Tại hiện trường, các lực lượng chữa cháy vẫn đang tiếp tục bơm nước để dập tắt hoàn toàn những nơi còn cháy ngún dưới chân rừng. Nếu không dập tắt hoàn toàn, khi có gió mạnh, ngọn lửa sẽ lại bùng phát dữ dội.
Theo thượng tá Sử, thiệt hại đến thời điểm này ước tính sơ bộ khoảng trên 200ha, trong đó có trên 50ha rừng tràm, còn lại là các lớp biểu bì, cỏ.
Đến 17g20 cùng ngày, ông Nguyễn Văn Dương, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Tháp, người có mặt trực tiếp tại hiện trường chỉ đạo chữa cháy cho biết: ngọn lửa cơ bản được dập tắt tại khu A2, tuy nhiên 7 khu vực phát cháy này vẫn còn ngún khói. “Chúng tôi tiếp tục cho bơm nước vào những khu vực này và duy trì đến ba ngày sau, nếu thấy tình hình yên ổn mới cho lực lượng rút quân”, ông Dương nói.
Trong khi đó, theo nguồn tin của Tuổi Trẻ, bốn mũi lửa khác ở khu vực A1 lại bốc cháy trở lại, lực lượng chữa cháy đang tiếp cận hiện trường để dập tắt. Do nguồn nước cung ứng cho việc chữa cháy xa 1km nên lực lượng chữa cháy gặp rất nhiều khó khăn. Mặc dù Tràm Chim thuộc vùng trũng của vùng Đồng Tháp Mười nhưng tình trạng thiếu nước vẫn xảy ra. Một cán bộ có trách nhiệm nói, sau vụ cháy này tỉnh sẽ tiến hành hội thảo việc việc qui hoạch nguồn nước, giữ nước cho vùng trũng Đồng Tháp Mười này.
Anh Ngô Văn Hạnh, đội trưởng dân phòng của ấp Cà Dâm, xã Tân Công Sính, huyện Tam Nông nói, trước khi rừng phát cháy, có 20 chiến sĩ trinh sát của tỉnh đội Đồng Tháp về bảo vệ rừng. Cách đây hai ngày, khi lực lượng này rút đi thì vụ cháy rừng xảy ra.
Trước khi xảy ra cháy, tại Vườn quốc gia Tràm Chim có 85 con sếu đầu đỏ đang sinh sống tại tại hai khu A1 và A5. Việc cháy rừng sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến môi trường sống của loài sếu nằm trong sách đỏ này.
Vườn quốc gia Tràm Chim thuộc tỉnh Đồng Tháp là một khu đất ngập nước, được xếp trong hệ thống rừng đặc dụng của Việt Nam.
Với diện tích 7.588 ha, vườn quốc gia Tràm Chim chia làm nhiều khu, trong đó khu A1 diện tích trên 5.000ha và khu A2 diện tích khoảng 1.700ha. Còn lại các khu A3, A4, A5 thì diện tích nhỏ hơn. Nơi đây có nhiều loài chim quý, đặc biệt là sếu đầu đỏ, một loài chim cực kỳ quý hiếm, có tên trong sách đỏ.
Hệ sinh thái động vật ở đây rất phong phú với trên 100 loài động vật có xương sống, 40 loài cá và 147 loài chim nước. Trong đó, có 13 loài chim quý hiếm của thế giới. Về thực vật, khảo sát gần đây cho thấy có 130 loài thực vật, phân bố đơn thuần cũng như xen kẽ nhau tạo thành những quần xã thực vật đặc trưng.
Tràm Chim là khu vực được bảo vệ nghiêm ngặt nhằm bảo tồn hệ sinh thái đất ngập nước đặc trưng của vùng Đồng Tháp Mười, bảo vệ khu vực di trú cho các loài chim di cư, đặc biệt là loài sếu; bảo tồn các loài động – thực vật bản địa, các nguồn gen quý hiếm và duy trì những điều kiện thích hợp cho việc nghiên cứu môi trường tự nhiên, bảo vệ tài nguyên thiên nhiên.
ST.(Theo TTO)