74.000 năm trước, ngọn núi lửa Toba ở Indonesia phun trào tạo thành những dòng thác dung nham nóng chảy mà cho đến nay nó vẫn còn để lại những dấu ấn rõ nét trong sự biến đổi địa chất. Tuy nhiên, đó vẫn chưa phải là vụ nổ khủng khiếp nhất từng xảy ra trên trái đất.
Dưới đây là những vụ nổ khủng khiếp nhất trong lịch sử trái đất theo một bình chọn của tạp chí New Scientist.
1. Vụ nổ Tunguska
Vào 30/06/1908, bên bờ sông Tunguska thuộc rừng rậm Siberi nước Nga đã xảy ra một tai họa khủng khiếp. Sức mạnh của sóng va chạm được tạo thành từ một vụ nổ bất ngờ đã khiến cho hơn 2.000 km2 cây cối bị san thành bình địa.
Vụ nổ này tạo ra do một sao băng có đường kính khoảng vài chục mét rơi xuống trái đất. Theo tính toán, sức công phá của nó tương đương với 15 triệu tấn TNT.
2. Vụ nổ “bom Sa hoàng”
Vào tháng 10/1961, Liên Xô chế tạo và nổ thử nghiệm “bom Sa hoàng” tại quần đảo Novaya Zemlya tạo nên vụ nổ nhân tạo có sức sát thương lớn nhất trong lịch sử. Cho đến nay, “bom Sa hoàng” là vũ khí hạt nhân lớn nhất được cho nổ.
Từ cách xa 1.000 km, người ta vẫn có thể nhìn rất rõ ánh sáng được tạo ra từ vụ nổ khủng khiếp này. Đồng thời, những cửa sổ bằng kính trong phạm vi 900 km đều bị phá vỡ. Vụ nổ này cũng tạo thành một cột khói có chiều cao lên tới 64 km.
Ban đầu, các nhà khoa học cho rằng sức công phá của vụ nổ này tương đương khoảng 100 triệu tấn TNT. Tuy nhiên, trên thực tế nó chỉ tạo nên sức công phá tương đương với 57 triệu tấn, gấp 4 lần so với vụ nổ Tunguska.
3. Núi lửa Krakatoa phun trào
Vào năm 1883, sự phun trào của ngọn núi lửa Krakatoa có thể coi là vụ nổ có quy mô lớn nhất trong lịch sử cận đại. Ngọn núi lửa này nằm trên eo biển Sunda, giữa đảo Sumatra và đảo Java.
Sau nhiều tháng có những biểu hiện hoạt động, ngọn núi lửa này chính thức phun trào vào tháng 8. Tổng cộng phun trào 4 lần. Từ khoảng cách 4.000 km vẫn có thể nhìn thấy rất rõ.
Lần phun trào này, ngọn núi lửa Krakatoa đã cướp đi sinh mạng của hàng chục ngàn người. Theo tính toán, sự phun trào của núi lửa Krakatoa đạt tới cấp 6 trong chỉ số VEI (chỉ số về các cấp độ phun trào núi lửa) tương đương với 200 triệu tấn TNT. Sức công phá của vụ nổ do núi lửa Krakatoa tạo ra cao gấp 3 lần do với vụ thử bom Sa hoàng.
4. Phun trào núi lửa Tambora
Vào tháng 4/1815, ngọn núi lửa Tambora phun trào, tạo nên một trong những hoạt động phun trào của núi lửa mạnh nhất trong lịch sử cận đại. Trong chỉ số VEI, đợt phun trào của núi lửa Tambora vào năm 1815 đạt đến cấp 7, lực công phá của nó cao gấp 10 lần so với núi lửa Krakatoa.
Núi lửa Tambora phun trào còn tạo nên một lượng khói bụi khổng lồ lẫn vào tầng khí quyển khiến cho nhiệt độ toàn cầu nhiều tháng sau đó giảm xuống. Đồng thời, năm 1816 cũng là năm duy nhất “không có mùa hè” mà con người từng biết tới.
5. Phun trào của núi lửa hồ Taupo
Hiện tại, hồ Taupo New Zealand vẫn là hồ nước yên ắng thanh bình. Tuy nhiên vào 26.500 năm trước, hồ Taupo xuất hiện một đợt phun trào núi lửa khủng khiếp. Khói bụi được tạo thành từ đợt phun trào này che phủ toàn bộ miền bắc của hòn đảo này với chiều dày lên đến 200 km.
Đợt phun trào này được xếp vào cấp độ 8, cấp độ cao nhất trong chỉ số VEI. Sức công phá của nó cao gấp 10 lần so với núi lửa Tambora, nghĩa là cao gấp 100 lần so với sự phun trào của núi lửa Krakatoa.
6. Phun trào của núi lửa hồ Toba
Những năm gần đây, nhiều nhà khoa học đã bỏ nhiều công sức để nghiên cứu hiện tượng phun trào dị thường của các núi lửa. Chẳng hạn, một ngọn núi lửa “siêu cấp” có thể tạo ra 1.000 m3 vật chất.
Ngọn núi lửa ở hồ Taupo chính là một trong những ngọn núi lửa như vậy. Tuy nhiên, so với ngọn núi lửa ở hồ Toba thuộc đảo Sumatra, Indonesia thì nó vẫn chưa thấm tháp vào đâu.
Cách ngày nay khoảng 74 ngàn năm, sự phun trào của ngọn núi lửa hồ Toba đã tạo ra 2.800 m3 dung nham và khói bụi.
Theo dự đoán, sự phun trào khủng khiếp của ngọn núi lửa này có thể đã tạo nên ảnh hưởng to lớn đối với sự cấu thành bầu khí quyển của trái đất, đồng thời dẫn tới sự suy giảm của số lượng người cổ đại.
7. Phun trào núi lửa Yellowstone
Dưới mặt đất của công viên tráng lệ Yellowstone ở Mỹ luôn tiềm ẩn một nguy cơ khủng khiếp. Những cột khí nóng từ những cột dung nham nóng chảy vẫn thường xuyên phun trào.
Trong vài triệu năm trở lại đây, công viên Yellowstone từng xảy ra 3 lần phun trào núi lửa. Khoảng 2,1 triệu năm trước, một ngọn núi lửa phun trào có quy mô tương đương với đợt phun trào của núi lửa Taupo. Chính sự phun trào này đã tạo thành công viên hõm chảo Caldera.
Vào 1,3 triệu năm trước, một đợt phun trào núi lửa nhỏ hơn đã hình thành nên công viên hõm chảo Henry’s Fork. Và lần thứ ba xảy ra cách ngày nay 640 ngàn năm. Chính lần phun trào thứ 3 này dã tạo nên công viên Yellowstone. Lần phun trào thứ nhất và thứ 3, khói bụi tạo thành từ sự phun trào núi lửa đã gần như bao phủ toàn bộ Bắc Mỹ.
8. Vụ va chạm tạo nên mặt trăng
Cú va chạm bi thảm nhất của trái đất có thể diễn ra vào khoảng 4,5 tỉ năm trước. Khi đó, hệ mặt trời vừa hình thành chưa lâu, bề mặt trái đất vẫn đang trong quá trình từ trạng thái nóng chảy chuyển sang nguội dần.
Đúng lúc đó, một tiểu hành tinh có khối lượng bằng 1/10 khối lượng trái đất đã đâm vào hành tinh của chúng ta. Sự va chạm giữa hai hành tinh khiến cho dung nham và lớp vỏ trái đất văng vào không trung. Cuối cùng, chính những vật chất này đã hình thành nên mặt trăng.
Những kết quả nghiên cứu mặt trăng gần đây của các nhà khoa học đều chứng tỏ rằng, mặt trăng có thể được hình thành từ vụ va chạm giữa tiểu hành tinh và trái đất.
ST.(Theo VietNamNet).