1. Hội nghị cấp cao Đông Á với sự hiện diện của Mỹ, Nga
Thủ tướng Việt Nam Nguyễn Tấn Dũng phát biểu khai mạc Hội nghị cấp cao Đông Á tại Hà Nội, 30/10/2010
Sự tham dự của hai Ngoại trưởng Hillary Clinton và Serguei Lavrov tại cuộc họp ở Hà Nội lần này càng có ý nghĩa quan trọng, nhất là vì kể từ năm 2011, hai tổng thống Mỹ và Nga sẽ chính thức được mời tham dự hội nghị thượng đỉnh Đông Á. Việc tham gia của 2 nước này vào EAS sẽ dựa trên cơ sở tôn trọng các mục tiêu, nguyên tắc, thể thức, ưu tiên của EAS và ủng hộ vai trò chủ đạo của ASEAN.
2. Người Việt Nam đầu tiên đoạt Huy chương Fields danh giá
Ngô Bảo Châu đã đưa ra sự chứng minh sáng sủa về “bổ đề cơ bản”, là phần quan trọng trong tầm nhìn về toán học mà Robert Langlands – công tác tại viện nghiên cứu Princeton, New Jersey, đưa ra từ những năm 1960. Chương trình Langlands kết nối mọi lĩnh vực của toán học hiện đại. Như chính tên gọi của nó, bổ đề cơ bản tuy chỉ là vấn đề kỹ thuật, nhưng nó đã gây lúng túng cho nhiều nhà toán học suốt nhiều thập kỷ qua. Thành tựu đột phá của Ngô Bảo Châu đã giúp các nhà khoa học khác tiến lên trong việc chứng minh cả Chương trình Langlands.
3. Va chạm trên biển giữa Nhật Bản và Trung Quốc
Thuyền trưởng trên tàu cá Trung Quốc được trao cho các công tố Nhật vào ngày 09/9/2010
Khủng hoảng ngoại giao Nhật-Trung khiến giới doanh nhân Nhật Bản, nhất là các công ty lữ hành và doanh nghiệp đang đầu tư tại Trung Quốc, lo ngại về những ảnh hưởng tiêu cực của vụ việc. Cuộc khủng hoảng cũng đẩy Mỹ vào thế khó xử. Mặc dù thuyền trưởng Trung Quốc đã được phía Nhật trả tự do, nhưng nguyên nhân chính của căng thẳng vẫn còn đó, tức là vấn đề tranh chấp chủ quyền quần đảo Senkaku/Điếu Ngư. Trung Quốc nhiều lần cử tàu ngư chính đến khu vực đảo tranh chấp, trong khi Mỹ và Nhật Bản đã quyết định tiến hành tập trận chung quy mô lớn “tác chiến chiếm lại Senkaku”. Tuy nhiên, hai bên đều không muốn làm nóng thêm tình hình, vì sau va chạm này là những lợi ích qua lại sống còn.
4. Tình hình bán đảo Triều Tiên
Hình ảnh đảo Yeonpyeong sau vụ giao tranh giữa hai miền
Diễn biến mới nhất là vụ giao tranh giữa hai miền qua vùng ranh giới biển ở Hoàng Hải ngày 23/11, được coi là diễn biến nghiêm trọng nhất kể từ năm 1953. Hàn Quốc cáo buộc Triều Tiên bắn pháo vào một hòn đảo của nước này, làm ít nhất 4 người thiệt mạng và nhiều người bị thương. Phía Bình Nhưỡng khẳng định vụ pháo kích là nhằm trả đũa lại hành động khiêu khích vũ trang của Seoul. Tình hình trên bán đảo Triều Tiên ngày càng trở nên căng thẳng. Triều Tiên gọi cuộc tập trận chung Mỹ-Hàn là sự khiêu khích qui mô lớn, đẩy khu vực tới "bờ vực chiến tranh". Bình Nhưỡng đã ra lệnh triển khai tên lửa đất đối đất gần sát biên giới với Hàn Quốc và tuyên bố sẽ nã pháo nếu tàu chiến Mỹ và Hàn Quốc vi phạm hải giới khi tập trận.
5. Khủng hoảng chính trị ở Thái Lan
“Áo đỏ” xây "chiến lũy" bằng tre và lốp xe cũ cạnh khu phố tài chính của Bangkok
Phe “áo đỏ” chống chính phủ muốn Thủ tướng từ chức, giải tán quốc hội và tổ chức bầu cử. Lệnh tình trạng khẩn cấp được áp dụng từ ngày 7/4 trên 24 trong tổng số 76 tỉnh của Thái Lan, theo đó trao thêm quyền cho cảnh sát và quân đội để kiểm soát phong trào biểu tình của những người chống chính phủ khi đó. Cuối cùng, ngày 19/5, quân đội đã đẩy bật được những người biểu tình "áo đỏ" chống chính phủ ra khỏi khu vực trung tâm Bangkok, nơi họ đã chiếm lĩnh suốt 6 tuần, nhưng các đám đông giận dữ bạo loạn đốt phá các tòa nhà ở thủ đô và các thị trấn tại Đông Bắc Thái Lan. Đã có hơn 80 người thiệt mạng và hàng trăm người bị thương trong hàng loạt vụ đụng độ giữa quân đội và người biểu tình "áo đỏ" từ ngày 14-20/5.
Các cuộc đối đầu giữa quân chính phủ và người “áo đỏ” đã biến trung tâm Bangkok thành vùng hạn chế đi lại đối với du khách ngoại quốc. Nhiều nước cảnh báo công dân du lịch đến Thái Lan. Bất ổn chính trị đã ít nhiều làm giảm tốc độ tăng trưởng kinh tế của Thái Lan, gây tổn thất cho ngành du lịch trong khi giới đầu tư nước ngoài hoang mang.
6. Cuộc bầu cử đầu tiên trong 20 năm qua ở Myanmar
Cuộc bầu cử được coi là giai đoạn 5, giai đoạn then chốt trong tiến trình 7 bước hướng tới dân chủ của chính quyền quân sự và mang đến hy vọng về một cơ hội “cải cách thật sự” sẽ hé mở trong những năm tới. Một số nhà phân tích cho rằng cuộc bầu cử này tạo ra khuôn khổ cho một hệ thống dân chủ, mà sẽ dẫn tới thay đổi trong những năm tới.
7. Động thái lịch sử của Mỹ ở Iraq
Tổng thống Mỹ Barack Obama đã ấn định ngày 31/8 chấm dứt sứ mệnh chiến đấu của các lực lượng Mỹ tại Iraq. Lầu Năm Góc cho biết sau khi sứ mệnh chiến đấu chính thức kết thúc, số binh sĩ Mỹ tại Iraq sẽ còn khoảng 50.000 người để hỗ trợ và huấn luyện lực lượng Iraq. Đây là giai đoạn chuyển tiếp từ các hoạt động tác chiến sang ổn định tình hình. Cuộc chiến kéo dài hơn 7 năm đã làm ít nhất 4.413 lính Mỹ thiệt mạng, 31.897 người bị thương với mức chi phí 737 tỷ USD.
Tuy nhiên, động thái lịch sử của Mỹ đã đẩy Iraq chìm sâu vào tình trạng bạo lực và 8 tháng bế tắc không thể thành lập chính phủ mới.
8. Thiên tai, tai nạn cướp đi sinh mạng hàng nghìn người
Trận động đất 7,1 độ Ríchte tại huyện Ngọc Thụ (thuộc tỉnh Thanh Hải) trung tuần tháng 4 đã để lại hậu quả quá lớn, làm hơn 2.000 người thiệt mạng và làm hàng chục nghìn người bị thương.
Trận lụt dữ dội nhất trong lịch sử Pakistan hồi tháng 8 đã tàn phá nước này trên diện rộng, từ vùng Tây Bắc đến miền Nam, cướp đi sinh mạng của 1.600 người, ảnh hưởng tới 20 triệu người, gây thiệt hại vật chất ít nhất 43 tỷ USD.
Thủ tướng Hun Sen nói đây là một thảm kịch lớn nhất từ thời Khmer Đỏ
Vụ giẫm đạp kinh hoàng trong lễ hội nước ở thủ đô Campuchia đêm 22/11, làm 456 người chết, trong đó có nhiều người Việt, và hàng trăm người bị thương. Thủ tướng Campuchia Hun Sen tuyên bố sự kiện này là “tai họa lớn nhất tại Campuchia kể từ thời diệt chủng Pol Pot”. Hầu hết các nạn nhân đã bị giẫm đạp hoặc chết đuối trong lúc tình trạng hoảng loạn đã lên cao khi một đám đông xô nhau băng qua cầu bắc ngang sông Tonle Sap, khiến cho nhiều người bị rơi xuống sông.
9. Trung Quốc vượt Nhật Bản, trở thành nền kinh tế thứ 2 thế giới
Bên ngoài tổ hợp cao ốc thương mại tại Bắc Kinh
Theo các nhà kinh tế, việc Trung Quốc vượt Nhật Bản trở thành nền kinh tế lớn thứ hai thế giới hầu như không có ý nghĩa gì, vì xét về sức mua – một chỉ số kinh tế quan trọng hơn – Trung Quốc đã vượt Nhật Bản cách đây gần 1 thập kỷ. GDP danh nghĩa của Trung Quốc (tính bằng đồng USD) được xác định là vượt Nhật Bản chủ yếu nhờ yếu tố tỷ giá và sự điều chỉnh các số liệu thống kê. Tuy nhiên, đối với những người không phải là chuyên gia kinh tế, việc Trung Quốc vượt Nhật Bản trở thành nền kinh tế lớn thứ hai thế giới là rất quan trọng vì nó cho thấy một sự dịch chuyển về quyền lực kinh tế và chính trị trên toàn cầu. Đối với chính phủ Trung Quốc, sự kiện trên cũng rất quan trọng vì sự tiến bộ trong bảng xếp hạng GDP sẽ khiến thế giới chú ý hơn và hy vọng nước này sẽ gánh vác trách nhiệm lớn hơn trong các vấn đề toàn cầu.
10. Nhịp đập G20 từ Hàn Quốc
ST.(Theo Dân trí).