Hôm nay 03/02/2011 (tức ngày 01 tháng giêng năm Tân Mão), người Việt Nam khắp muôn nẻo đón chào một mùa Xuân mới với mong chờ Xuân về mang theo hy vọng về sức khỏe và thịnh vượng, về những đổi thay và thành công cho cuộc sống, dù bao người không nén nổi nỗi ngậm ngùi một cái Tết xa quê.
Tết Nguyên Đán là ngày lễ ấm áp và bình an, hạnh phúc và hòa hợp.
Lại một năm trôi qua, người Việt dù ở bất cứ nơi nào trên thế giới, dù có ăn Tết hay không cũng không khỏi nhớ về quê hương với những món ăn ngày Tết, những nghi thức cổ truyền.
Từ khu chợ người Việt nhộn nhịp ở Australia đến những nơi rất ít người Việt sinh sống ở vài thành phố nhỏ châu Âu hay Mỹ, người Việt đều cố gắng đón Tết Nguyên đán với ít nhiều hương vị truyền thống quê hương cho vơi đi nỗi nhớ nhà. Suốt năm, mọi người đều bận rộn với công ăn, việc làm, đời sống riêng tư. Tết đến là cơ hội để mọi người có dịp gặp gỡ, hỏi thăm, chúc Tết cho nhau.
Cùngvới những người thân của mình ở Tổ Quốc, hàng chục ngàn người Việt Nam đang sinh sống, học tập và làm việc ở Nga cũng náo nức đón Tết Nguyên Đán. Trong số ấy có hơn 5.000 sinh viên, nghiên cứu sinh và thực tập sinh Việt Nam hiện theo học tại các trường đại học của Nga.
Người Việt đón Tết tại Nga.
Truyền thống đón năm mới của người Việt Nam tại Nga không có gì khác biệt so với người thân nhân của họ và bạn bè ở quê hương. Đối với người Việt, Tết trước hết là sự tôn trọng sâu sắc đối với truyền thống, cội nguồn dân tộc.Trên bàn tiệc đón Xuân ở trường phổ thông Matxcơva № 282 có các món ăn truyền thống của Việt Nam như bánh chưng, nem rán, mứt Tết… Điều này không phải là ngẫu nhiên – trong số 400 học sinh của trường có đến 108 em là người Việt Nam.
Đối với những du học sinh Việt không có điều kiện về quê hương ăn Tết thì mỗi hình ảnh gợi nhớ mùa xuân cũng dễ khiến cho họ xốn xang. Một thành viên du học sinh của mạng xã hội Facebook chia sẻ cảm xúc: “Hàng ngày, xem những hình ảnh mùa xuân, đất trời, thời khắc chuyển giao sang năm mới ở quê nhà, lòng mình lại bồi hồi một nỗi niềm khó tả. Đào, quất, nụ, hoa… tất cả gợi cho mình những kí ức xa xưa của bao tháng ngày cũ…”.
Dường như đó cũng là tâm trạng chung của những người xa xứ. Chị Nhung, một cựu sinh viên hiện đang sống ở Alsace, Pháp – khu vực giáp biên giới Thụy Sĩ và Đức viết những dòng rơm rớm: “Chỗ tôi ở hầu như không có người Việt. Đôi khi thèm được nghe tiếng Việt, thèm một bát canh rau mùng tơi và quả cà pháo mà ngày xưa mẹ thường nấu cho ăn mỗi khi đi học về. Nhất là mỗi độ Xuân sang thì lòng tôi lại chộn rộn một nỗi niềm khó tả lắm. Sáu năm không được đoàn tụ cùng gia đình vào dịp Tết là sáu năm tôi ôm gối khóc cho thỏa nỗi nhớ nhà. Ước mơ thật giản dị mà sao xa vời…”.
Du học sinh Việt ở Australia nhớ về quê hương với những món ăn ngày Tết.
Ở châu Âu, mỗi năm, các Cộng đồng đều tổ chức mừng Xuân cho bà con đồng hương. Tết Việt nam thường rơi vào ngày trong tuần, đối với dân sở tại, đó là một ngày làm việc nên các Cộng đồng thường tổ chức ăn Tết vào ngày cuối tuần trước hay sau ngày mùng một Tết. Trong một chừng mực nào đó, họ cố gắng giữ một số phong tục cổ truyền cho ngày Tết như : giổ Tổ tiên, chúc Tết đồng hương, múa lân, lì xì cho trẻ em…
Bắt đầu là Na Uy, một xứ sở lạnh giá trên vùng Bắc Âu với khoảng 20.000 người Việt, chương trình Tết năm nay gồm nhiều tiết mục văn nghệ dành cho giới trẻ, tuy nhiên người già, trẻ em vẫn không bị bỏ quên. Dần xuống phía nam là Hà Lan, nơi có khoảng 18.000 người Việt cư ngụ, ngoài chương trình văn nghệ và dạ vũ, các tiết mục đặc biệt cho ngày Tết như múa lân, lì xì là không thể thiếu.
Tây đón Tết ta.
Cạnh Hà lan là Đức, với trên 80.000 người Việt, cộng đồng ở đây cố gắng giữ gìn những phong tục cổ truyền trong ngày Tết. Mừng Xuân đến, dường như ai cũng không tránh khỏi nổi ngậm ngùi khi phải thêm 1 cái Tết xa quê. Còn tại Pháp – nơi có đông người Việt nhất Âu châu, mỗi địa phương, mỗi cộng đồng đều tổ chức ăn Tết riêng, nhưng phổ biến nhất, tập hợp đông đảo người tham dự nhất vẫn là Tết do Tổng Hội Sinh Viên Paris tổ chức với một lịch sử hơn 45 năm đã trở thành một truyền thống.
Bao vây bốn bề bởi biển Bắc Đại Tây Dương là Vương quốc Anh, một cộng đồng với khoảng 50.000 người, cái Tết không đi qua trong sự quên lãng của mọi người. Từ trong mỗi gia đình, họ vẫn tổ chức những buổi cúng ông bà, lì xì, đi chùa.
Tết Việt không chỉ hân hoan trong tâm hồn mỗi người dân Việt. “Tết Nguyên đán ở Việt Nam là dịp đặc biệt khiến lòng tôi hân hoan như một đứa trẻ” – Cathy, nữ giáo viên người Anh sang Việt Nam dạy học từ hai năm qua, bày tỏ nỗi háo hức đón chờ ngày Tết Tân Mão 2011 ở Hà Nội.
Hình ảnh một quân nhân dạo ngắm vườn quất cảnh mà trang mạng AsiaOne gọi là hai trong những loại cây cảnh được ưa chuộng nhất trong ngày lễ quan trọng nhất trong năm ở Việt Nam.
Hình ảnh đón Tết của người Việt học tập và sinh sống tại nước ngoài.
ST.(Theo Dân trí Tổng hợp).