Bộ Khoa học và Công nghệ tối 08/4/2011 cho biết, theo tính toán của các chuyên gia từ cuối ngày 09/4/2011 đám mây phóng xạ vào Việt Nam và có thể tồn tại trong vùng Đông Nam Á một vài ngày. Nồng độ hạt nhân phóng xạ sẽ giảm dần theo thời gian. Đám mây phóng xạ mạnh nhất được dự đoán sẽ phân tán rất nhanh trong ngày 09/4 và 10/4/2011.
Cùng thời điểm, Viện Năng lượng nguyên tử Việt Nam cũng thông báo, các trạm quan trắc ở Đà Lạt và Ninh Thuận đã ghi nhận được đồng vị phóng xạ nhân tạo I-131 trong không khí. Trạm quan trắc tại TP. Hồ Chí Minh còn ghi nhận được các đồng vị phóng xạ nhân tạo là I-131, Cs-134 và Cs-137.
Tuy nhiên, các đồng vị phóng xạ nhân tạo ghi nhận được tại 3 địa điểm nói trên đều ở mức rất thấp, không ảnh hưởng đến sức khoẻ con người và môi trường.
Trước đó, Bộ Khoa học Công nghệ đã bác bỏ tin đồn mây phóng xạ vào Việt Nam với nồng độ hạt nhân cao, gây ảnh hưởng đến sức khoẻ con người.
Nguồn tin từ Diễn đàn Công nghiệp hạt nhân Nhật Bản (JAIF), Cơ quan An toàn hạt nhân và Công nghiệp Nhật Bản (NISA) và Cơ quan Năng lượng nguyên tử quốc tế (IAEA) cho hay: đến nay, TEPCO đã xả khoảng 7.700 tấn nước nhiễm xạ nồng độ thấp ra biển, số còn lại sẽ được xả trong ngày 09/4/2011. Hiện suất liều bức xạ trong khu vực nhà máy Fukushima 1 vẫn ở trong xu thế giảm.
ST.(Theo Dân trí)