Theo bài viết vừa đăng trên chuyên san Proceedings of the National Academy of Sciences, sở thích nhậu nhẹt ở nhiều người có thể do di truyền.
Đây là kết quả cuộc nghiên cứu quy mô lớn của các nhà khoa học thuộc 2 trường King’s College và Imperial College của Anh trên 47.000 người. Tổng cộng 2,5 triệu mẫu gien của những người tham gia đã được so sánh qua lại và đối chiếu với kết quả điều tra về thói quen rượu bia của họ.
Các nhà khoa học cho biết đã tìm ra tác dụng làm tăng nguy cơ nghiện rượu khi bị đột biến gien AUTS2. Từ khám phá này có thể đưa ra giả thuyết: cha mẹ hay nhậu nhẹt do mang gien AUTS2 bị đột biến nhiều nguy cơ sẽ để lại thứ “gia tài” đáng ngại này cho con cái.
Tờ Le Temps dẫn lời bác sĩ tâm thần Philip Gorwood của BV Saint-Anne, Paris nhận định: “Kết quả nghiên cứu đã mở ra hướng đi mới cho việc tìm hiểu vì sao phản ứng của chúng ta đối với rượu bia lại khác nhau đến thế”. Gien AUTS2 mã hóa một protein trong não bộ. Tìm hiểu được vai trò của protein này sẽ giúp hiểu rõ hơn cơ sở sinh học của chứng nghiện rượu. Điều thú vị là AUTS2 cũng gây ảnh hưởng lên một số loài động vật. Các nhà khoa học đã nhận thấy có sự liên hệ giữa những thay đổi của protein do gien này mã hóa và sự “nhạy cảm” với rượu bia ở chuột hay ruồi.
Khám phá mới trên là bước tiến quan trọng trong việc áp dụng di truyền học vào điều trị nghiện rượu. Những nghiên cứu trước đây đã chỉ ra một loại gien mã hóa các loại enzyme (ALDH hay cytochrome P450) giúp gan loại bỏ cồn trong máu. Hoạt động của các enzyme này giúp giải thích “đô” rượu cao hay thấp ở mỗi người. Chẳng hạn nếu thiếu hụt ALDH, hiện thường thấy ở nhiều người châu Á, sẽ làm tích tụ trong máu các chất sản sinh từ quá trình phân giải chất cồn, gây đỏ mặt, buồn nôn và khiến “khổ chủ” nhìn thấy rượu là lắc đầu. Trong khi đó, những người “uống rượu như uống nước” thường sở hữu nhóm gien mã hóa các loại protein giúp não bộ chống lại các tác dụng của hơi men.
ST.(Theo Thanh niên, bài Lan Chi)