Máy bay trực thăng ở Liên Bang Nga được đưa vào phục vụ công tác chữa cháy bắt đầu từ năm 1956. Khi đó máy bay trực thăng hạng nhẹ Mi -1 và Mi -2 được sử dụng để trinh sát đưa người và thiết bị tiếp cận gần với đám cháy ở những nơi xảy ra cháy. Loại trực thăng Mi-4 đã được sử dụng trực tiếp để chữa cháy, máy bay này được trang bị 1 máy bơm chữa cháy loại MP-800 với 2 bể chứa nước, mỗi bể 1000 lít và áp lực của máy bơm từ máy bay có thể phun ra dòng tia nước có chiều dài 30 mét. Bằng phương pháp chữa cháy này đạt hiệu quả không cao và đã có một chiếc Mi-4 bị rơi vào đám cháy khi đang thực hiện nhiệm vụ, vì vậy người ta cho dừng việc sử dụng các loại trực thăng để chữa cháy, mà chỉ làm nhiệm vụ vận chuyển người và phương tiện chữa cháy.
Chiếc máy bay trực thăng khổng lồ Mi-6 có khả năng vận chuyển nhiều người và phương tiện đến các nơi có địa hình phức tạp để phục vụ chữa cháy. Các loại máy bay trực thăng phục vụ chữa cháy được phát triển tùy theo tình hình chữa cháy của từng giai đoạn, ví dụ như chiếc máy bay Mi-14 được thiết kế để vừa bay vừa di chuyển trên mặt nước như một chiếc tàu cứu hộ. Trang thiết bị chủ yếu của một chiếc máy bay trực thăng chữa cháy chủ yếu vẫn là: Bể chứa nước, bơm điện chữa cháy, bể chứa dung dịch chất tạo bọt, thang dây và thiết bị cứu người, lăng phun chất chữa cháy (nước, bọt…). Cho đến nay, máy bay trực thăng được sử dụng chủ yếu để xả lượng nước lớn vào gốc lửa với các đám cháy lớn, sơ tán người ra khỏi đám cháy ở các nhà cao tầng, vận chuyển phương tiện, thiết bị chữa cháy đến nơi cần thiết. Các loại máy bay trực thăng hiện nay thường được sử dụng trong các lực lượng chữa cháy, cứu hộ, cứu nạn thuộc Bộ tình trạng khẩn cấp Nga là Mi-8; Mi-26 và KA-32, trong đó máy bay KA-32 ra đời năm 1993, là loại có tính năng cơ động cao, có thể thực hiện nhiều nhiệm vụ khác nhau. Loại máy bay KA-32A có khả năng chữa cháy nhà cao tầng từ trên cao, theo phương thẳng đứng và chữa cháy theo phương ngang, hiệu quả chữa cháy thực tế được kiểm nghiệm qua các vụ cháy nhà cao tầng NPO “Almaz” trên đại lộ Lênin, vụ cháy tòa nhà “Central buiding” 31 tầng trên phố Dovator… trong 1 giờ máy bay này có khả năng xả 50 tấn nước nếu quãng đường từ nguồn nước đến đám cháy là 0,5km; 36 tấn – 3km; 28 tấn – 5km. Hiện nay, Viện nghiên cứu khoa học PCCC Nga (VNIIPO) đang nghiên cứu việc sử dụng máy bay xả các loại nước vào các đám cháy có tính chất cháy khác nhau nhằm nâng cao hiệu quả chữa cháy của máy bay trực thăng.
Lê Sinh Hồi |
(Dịch từ các báo của Nga) |