Hàng loạt vụ cháy xe máy, ôtô, thậm chí cả nổ xe máy, dồn dập xảy ra thời gian gần đây khiến dư luận và người tiêu dùng hoang mang lo lắng. Để tìm hiểu rõ hơn các nguyên nhân cũng như cách phòng tránh, Báo điện tử VnMedia tổ chức Toạ đàm trực tuyến "Đối mặt hiểm hoạ cháy nổ xe" với sự tham gia của các chuyên gia phòng cháy chữa cháy, chuyên gia ôtô, chuyên gia xe máy vào lúc 2 giờ chiều 28/12.
Giật mình với hơn 40 vụ cháy ôtô xe máy
Theo thống kê chưa đầy đủ của VnMedia, trong năm qua đã có ít nhất 20 vụ cháy xe máy xảy ra trên khắp các tỉnh thành cả nước. Nghiêm trọng nhất là vụ cháy cùng nổ xe máy tỉnh Bắc Ninh ngày 1/12/2011, khi chị Nguyễn Thị Quỳnh (SN 1982, trú tại thôn Sơn Nam – xã Nam Sơn – TP Bắc Ninh) vừa khởi động chiếc xe máy Honda Super Dream để đưa con đi học thì chiếc xe bất ngờ phát nổ, chị Quỳnh (đang mang thai 3 tháng) và con gái 4 tuổi lần lượt tử vong. Cho tới nay, vẫn chưa có kết luận chính thức nào của các cơ quan chức năng về nguyên nhân nổ xe dẫn tới tai nạn thương tâm nói trên, mặc dù cơ quan chức năng đã khởi tố vụ án hình sự vì có dấu hiệu tội phạm.
Sau vụ nổ xe máy này, hàng loạt các vụ cháy xe máy liên tiếp xảy ra, ban đầu chủ yếu tập trung vào các loại xe tay ga (kể cả nhập khẩu và sản xuất trong nước) mang nhãn hiệu Honda khiến nhiều người hoài nghi về chất lượng sản phẩm hoặc hiện tượng phá hoại có chủ ý. Tuy nhiên sau đó, nhiều xe máy của các hãng khác như SYM, Yamaha, Suzuki…cũng liên tiếp bị cháy khiến nghi ngờ yếu tố phá hoại nhằm vào một hãng xe bị loại bỏ, nhiều ý kiến tập trung vào vấn đề chất lượng xăng.
Cùng với các vụ cháy xe máy, các vụ cháy xe ôtô cũng liên tiếp xảy ra. Bất ngờ nhất là số vụ cháy ôtô cũng không thua kém cháy xe máy với con số trên 20 vụ trong năm 2011 này. "Bà hoả" đã không "tha" một thương hiệu xe nào, từ các dòng xe bình dân như Hyundai, Daewoo, Honda, Toyota, Ford, Mazda, Mitsubishi, Kia…đến các thương hiệu xe sang như Mercedes, BMW…
Theo Tiến sỹ Nguyễn Minh Khương, Phó Trưởng khoa Chữa cháy, Đại học Phòng cháy chữa cháy, nguyên nhân xuất phát cháy chủ yếu là do xăng rò rỉ hoặc hơi xăng thoát ra khỏi bình chứa bị hở, tiếp xúc với không khí tạo thành hỗn hợp cháy, khi gặp nguồn nhiệt thích hợp sẽ gây ra cháy, nổ.
Cụ thể, nguyên nhân rò rỉ có thể do sơ xuất của người sử dụng như vặn bình xăng không chặt, bảo quản xe không tốt dẫn đến để chuột cắn thủng ống dẫn nhiên liệu… hoặc do sử dụng lâu ngày dẫn đến đường ống dẫn xăng vỡ nứt dẫn đến xăng bị rò rỉ. Những vị trí này, nếu gặp nguồn nhiệt thích hợp sẽ bùng cháy. Tiến sỹ Khương cũng cho rằng, nếu chất lượng xăng không đảm bảo, xăng pha lẫn tạp chất cũng có thể tăng nguy cơ làm hư hỏng đường ống dẫn, dẫn tới nguy cơ cháy, nổ xe.
Còn theo kỹ sư Lê Văn Tạch, với những chiếc xe tự cháy trong khi xe đang đỗ hoặc vừa khởi động khi đó cổ xả chưa đủ nóng để có thể đốt cháy các vật liệu dễ cháy thì nguyên nhân gây cháy chủ yếu do hiện tượng chập điện làm cháy vỏ dây điện hoặc do tiếp xúc không tốt tại các đầu dây điện gây ra hiện tượng đánh tia lửa điện tại các điểm tiếp xúc. Hiện tượng chập điện có thể xảy ra bất cứ lúc nào miễn là ác quy vẫn nối với hệ thống điện.
Riêng những vụ cháy với xe đang lưu hành, kỹ sư Tạch cho rằng nguyên nhân gây cháy thì còn có nguyên nhân nữa là do có vật dễ cháy tiếp xúc với cổ xả đang rất nóng như xăng, dầu, vải sợi…
Làm gì để phòng ngừa và ngăn chặn cháy xe ?
Theo TS Khương, chiếc xe dù tốt tới đâu, nhưng theo thời gian sử dụng chất lượng các chi tiết sẽ dần xuống cấp. Do đó người sử dụng cần thường xuyên kiểm tra và bảo dưỡng định kỳ để sớm phát hiện và khắc phục những hư hỏng như rò xăng hay hở điện.
Đặc biệt, việc kiểm tra không chỉ được thực hiện với xe cũ mà cả với xe mới. Cụ thể, trong quá trình vận hành xe, nếu phát hiện thấy có mùi xăng bất thường hay mùi khét lạ, người sử dụng nên tìm hiểu nguyên nhân và khắc phục sự cố trước khi quá muộn.
Trường hợp khi xe để trong nhà, nếu phát hiện thấy nặng mùi xăng, ngay lập tức phải mở tung các cửa và đồng thời sử dụng các phương tiện thô sơ (quạt nan, quạt giấy…) để lùa, khuếch tán hơi xăng ra môi trường bên ngoài. Tuyệt đối không có các thao tác làm phát sinh tia lửa (bật bếp, bật công tắc đèn, quạt điện…), vì nguy cơ nổ có thể xảy ra.
ST.(Theo VnMedia)