Điểm mới trong tuyển sinh 2013 là thí sinh chỉ được đăng ký xét tuyển khi nộp bản gốc giấy chứng nhận kết quả thi. Các trường sẽ không nhận bản đăng ký xét tuyển photo như năm 2012 mà chỉ nhận bản gốc.
Theo lãnh đạo Bộ GD-ĐT, năm nay Bộ quyết định thí sinh chỉ được đăng ký xét tuyển khi nộp bản gốc giấy chứng nhận kết quả thi. Các trường ĐH, CĐ sẽ in, đóng dấu đỏ và cấp ba giấy chứng nhận kết quả thi ĐH, CĐ cho thí sinh không trúng tuyển vào trường mình nhưng có kết quả thi từ điểm sàn CĐ trở lên để thí sinh đăng ký xét tuyển. Nếu không trúng tuyển hoặc có nguyện vọng rút hồ sơ đăng ký xét tuyển (ĐKXT) đã nộp, thí sinh được quyền rút hồ sơ ĐKXT.
Đối với thí sinh dự thi liên thông nộp hồ sơ và thi chung đợt với ĐH, CĐ chính quy. Các thí sinh này vẫn phải dự thi các môn văn hóa hoặc năng khiếu theo quy định của khối thi tương ứng với ngành thí sinh đăng ký học liên thông trong kỳ thi tuyển sinh. Nếu không trúng tuyển cũng sẽ được xét tuyển vào học liên thông các trường khác cùng khối thi, trong vùng tuyển và đáp ứng được yêu cầu của trường cần tuyển.
Tuyển sinh 2013, thí sinh không được nộp bản photo để tham gia xét tuyển.
Ngày 19/02/2013, lãnh đạo Bộ GD-ĐT đã họp bàn để thống nhất lại những điểm thay đổi trong các kì thi năm 2013. Hầu hết các chủ trương đều được giữ nguyên so với bản dự thảo được đem ra bàn luận tại hội nghị thi và tuyển sinh trước đó.
Do vậy, Bộ tiếp tục giao các trường tự chủ, tự chịu trách nhiệm trong công tác xét tuyển, có thể thực hiện nhiều đợt xét tuyển, nhưng thời gian xét tuyển mỗi đợt ít nhất là 20 ngày, tính từ ngày thông báo xét tuyển 20/8/2013. Thời hạn kết thúc xét tuyển là 30/10/2013.
Học sinh là người dân tộc thiểu số, học sinh có hộ khẩu thường trú từ 3 năm trở lên, tính đến ngày nộp hồ sơ xét tuyển tại các huyện nghèo theo quy định tại Nghị quyết số 30a/2008/NQ-CP ngày 27/12/2008 của Chính phủ và học sinh 20 huyện nghèo biên giới, hải đảo thuộc khu vực Tây Nam Bộ, được ưu tiên xét tuyển vào học và phải học dự bị 6 tháng.
Các trường ĐH, CĐ đóng trên địa bàn các tỉnh thuộc khu vực Tây Bắc, Tây Nguyên và Tây Nam bộ, được xét tuyển những thí sinh có hộ khẩu thường trú từ 3 năm trở lên, học 3 năm liên tục và tốt nghiệp trung học phổ thông tại các tỉnh thuộc khu vực này với kết quả thi thấp hơn điểm sàn 1,0 điểm và phải học dự bị 6 tháng.
ST.(Theo Dân trí, bài Hồng Hạnh)