Thay vì sử dụng các loại phân bón hóa học, mỗi gia đình có thể tận dụng các loại rác thải nhà bếp để làm thành chất dinh dưỡng sạch bón cho cây trồng.
Bà Từ Thị Tuyết Nhung, chuyên viên tư vấn nông nghiệp hữu cơ, Trưởng hệ thống Đảm bảo cùng tham gia (PGS) Việt Nam cho biết: Rác thải nhà bếp như hoa quả dư thừa hoặc hư hỏng, các vỏ như vỏ quả chuối, vỏ cam, vỏ trứng, rồi xương gà, xương lợn đều là nguồn dinh dưỡng tự nhiên sẵn có trong gia đình. Những loại rác này hoàn toàn có thể chế thành các loại dinh dưỡng bón cho cây trồng.
Có nhiều cách sử dụng khác nhau tùy điều kiện mỗi gia đình. Lá, thân, quả và vỏ chuối rất giàu kali và lân là nguồn dinh dưỡng cần thiết cho các loại cây được trồng để lấy hoa và quả. Có thể cắt nhỏ vỏ chuối và vùi vào đất cạnh gốc cây hoặc xay nhuyễn rồi hòa với nước tưới vào đất bổ sung dinh dưỡng cho cây khi chúng ra hoa và quả.
Vỏ trứng là nguồn canxi tự nhiên, xương lợn, gà là nguồn lân hữu cơ, còn đạm thì sẵn trong rau quả. Các gia đình có thể gom vỏ trứng, xương rồi rửa sạch chúng sau đó phơi khô rồi nung chúng trên lửa than tổ ong hoặc cho vào lò nướng sau đó nghiền thành bột để bổ sung vào đất cho cây trồng.
Ngoài ra, có thể gom và cắt nhỏ tất cả các loại rau quả bị hỏng, thừa, vỏ quả sau khi gọt, các cuống rau, bã cà phê, bã chè và cho vào thùng ủ cùng với bột xương, bột vỏ trứng để ở góc vườn nếu gia đình có vườn rộng. Có thể tạo chúng thành dung dịch đã được lên men bằng cách cắt nhỏ vật liệu này cho vào chum/vại cùng với đường tỷ lệ 1: 0,5 để lên men trong 1 tuần, sau đó chắt dịch cốt ra chai để ở nơi mát. Mỗi lần sử dụng lấy 20 – 30 g dịch cốt pha với 10 lít nước phun lên lá. Gia đình cũng có thể sử dụng trực tiếp bằng cách xay nhuyễn chúng và hòa với nước tưới vào đất cho cây sử dụng.
Sử dụng đúng cách
Theo bà Nhung, nếu làm tốt, khoảng 75% rác thải hộ gia đình có thể thành phân bón hữu cơ hữu ích cho khu vườn hoa và rau trong các hộ gia đình. Quá trình biến chất thải hữu cơ thành phân bón nên được khuyến khích không chỉ vì vấn đề môi trường, mà còn kinh tế và không phải dùng đến hóa chất để nuôi dưỡng cây trồng và rau xanh cho các bữa ăn hằng ngày trong mỗi gia đình.
Tuy nhiên, giống như các dinh dưỡng trong phân bón tổng hợp, dinh dưỡng từ rác thải nhà bếp ảnh hưởng tới cây trồng. Nếu cứ nạp dinh dưỡng tùy tiện cho cây trồng sẽ không phát huy được hiệu quả sử dụng thậm chí còn ảnh hưởng tiêu cực tới sức khoẻ. Vì vậy, khi thực hiện người dân cần lưu ý một số điểm như khi mới trồng cây, nên trộn bột xương, bột canxi vào đất để có nguồn lân giúp bộ rễ phát triển nhanh và tiếp tục cung cấp dinh dưỡng cho các giai đoạn phát triển sau này của cây.
Khi cây trồng còn non và phát triển thân lá, nên lựa chọn những rác thải có nhiều đạm như vỏ hoặc đu đủ, chuối, cam bị hư hỏng, cuộng rau lá xanh như rau muống, cải… để tạo dung dịch tưới vào đất. An toàn nhất là sử dụng dung dịch đã lên men. Khi cây ra hoa, quả cần bổ sung thêm ka li từ lá, thân, quả hoặc vỏ chuối. Tiện nhất là vỏ chuối ăn xong có thể cắt nhỏ trộn vào đất cạnh gốc cây. Cung cấp một chế độ dinh dưỡng cân đối cho cây trồng, giúp cây phát triển khỏe mạnh, chống chịu được sự tấn công của sâu bệnh hại.
Việc sử dụng rác thải nhà bếp làm dinh dưỡng cho cây trồng không khó, nhưng vấn đề là các gia đình cần có thói quen tận dụng chúng tạo ra nguồn dinh dưỡng sạch cho cây trồng trong vườn nhà.
ST.(Theo Kiến thức)