“Bộ GD-ĐT chưa quyết định phương án xác định điểm sàn nào. Sau khi có kết quả thi, Hội đồng xét điểm sàn của Bộ sẽ họp bàn và đề xuất ý kiến để Bộ trưởng xem xét quyết định. Tất cả các phương án đề xuất cho tới bây giờ chỉ là phương án tham khảo”.
Đó là khẳng định của Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Bùi Văn Ga về phương án điểm sàn ĐH, CĐ 2013.
Theo Thứ trưởng Bùi Văn Ga, cho tới nay, Bộ chưa quyết định phương án xác định điểm sàn nào cả. Sau khi có kết quả thi, Hội đồng xét điểm sàn của Bộ sẽ họp bàn và đề xuất ý kiến để Bộ trưởng xem xét quyết định. Tất cả các phương án đề xuất cho tới bây giờ cũng chỉ là phương án tham khảo để bạn đọc góp ý kiến. Bộ rất mong tiếp tục nhận được những ý kiến đóng góp thiết thực, phù hợp với thực tiễn để định hướng cho việc xác định điểm sàn trong kỳ thi tuyển sinh đại học, cao đẳng năm 2013.
Trước đó, phân tích về việc xây dựng phương án điểm sàn mới, theo Thứ trưởng Ga, điểm sàn hiện nay dựa vào chỉ tiêu của từng khối thi và dự báo khả năng dịch chuyển của thí sinh giữa các vùng miền. Điểm sàn từ trước đến nay luôn cao hơn điểm bình quân của các môn thi mà thí sinh đạt được. Phương án xác định điểm sàn như hiện nay đã thể hiện tính hiệu quả của những năm đầu khi nhu cầu học của người dân rất lớn nhưng số trường ít.
Hiện nay nguồn cung đã tăng, người học có nhiều sự lựa chọn, nhiều thí sinh trên điểm sàn nhưng quyết tâm đeo đuổi việc thi vào học những ngành và trường yêu thích, không học những trường còn chỉ tiêu. Mặt khác xu thế sinh viên dồn về các thành phố lớn để học tập ngày càng tăng nên việc thí sinh trượt ở các trường ở thành phố lớn quay về địa phương để học rất ít xảy ra. Điều này dẫn tới thực trạng là mặc dù hệ số dư dôi lớn, vẫn xảy ra tình trạng có trường không tuyển đủ thí sinh. Do đó việc xác định điểm sàn cần được điều chỉnh cho phù hợp hơn với tình hình thực tế.
ST.(Theo Dân trí, bài Hồng Hạnh)