Thiên tai ngày càng phức tạp, cần có giải pháp để ứng phó với các thảm họa là vấn đề đặt ra trong hội thảo về an toàn sức khỏe môi trường và phòng chống cháy nổ cho nhà máy Dung Quất, diễn ra sáng 21/4/2013 tại Quảng Ngãi.
Hàng trăm chuyên gia, kỹ sư là các nhà thầu trong và ngoài nước, những đơn vị thành viên Tập đoàn dầu khí quốc gia Việt Nam (PetroVietnam) tham gia hội thảo. Đây là lần đầu tiên PetroVietnam tổ chức hội thảo chuyên sâu về vấn đề an toàn nhà máy lọc dầu Dung Quất, công trình được Chính phủ công nhận trọng điểm an ninh quốc gia.
Diễn tập phun hóa chất, cứu hộ tàu chở dầu cháy ở cảng lọc dầu Dung Quất |
Ông Nguyễn Hoài Giang, Tổng giám đốc Công ty TNHH lọc – hóa dầu Bình Sơn phát biểu tại hội thảo: “Thiên tai ngày càng diễn biến bất thường, nên tập đoàn vừa quyết định thành lập ban chuyên môn nghiên cứu các giải pháp đối phó thảm họa thiên tai, trong đó không loại trừ động đất, sóng thần”.
Nhà máy lọc dầu Dung Quất được thiết kế với công nghệ hiện đại, công suất chế biến 148.000 thùng dầu thô mỗi ngày. Công trình sử dụng hơn 800 thiết bị bồn bể chịu áp, hơn 5.000 km đường ống công nghệ và khoảng 4.000 thiết bị sử dụng cho hệ thống báo chữa cháy tự động, dừng khẩn cấp. Với tính chất đặc thù của nhà máy, nhiều thiết bị có điều kiện làm việc ở áp suất lớn, nhiệt độ cao, nhiều yếu tố gây ăn mòn, mài mòn và các lưu chất dễ cháy nổ.
Theo ông Giang, đây là cơ hội để trao đổi kinh nghiệm, đảm bảo công tác an toàn, sức khỏe môi trường và phòng chống cháy nổ của nhà máy lọc dầu Dung Quất, công trình có nguy cơ rủi ro tiềm ẩn về cháy nổ và an ninh, an toàn cao nhất Việt Nam hiện nay.
Bên cạnh xây dựng phương án ứng phó với thảm họa thiên tai, nhiều đại biểu còn đề xuất lập bản đồ ăn mòn để kiểm tra và giám sát ăn mòn tại nhà máy lọc dầu Dung Quất. Do các hạng mục, công trình nhà máy này chủ yếu nằm sát biển, nên nguy cơ về tốc độ ăn mòn, oxi hóa thiết bị sẽ diễn ra nhanh.
Đại diện Viện Dầu khí phân tích, bản đồ ăn mòn là tập hợp dữ liệu thể hiện tốc độ ăn mòn của các hệ thống trang thiết bị, đường ống… công nghệ trong toàn bộ nhà máy lọc dầu Dung Quất. Điều này cho phép đưa ra khuyến cáo về tuổi thọ của hệ thống thiết bị cũng như thời gian bảo dưỡng, sửa chữa hoặc thay thế.
Trao đổi với VnExpress.net chiều hôm qua, ông Trương Văn Tấn, Phó Cục trưởng Cục Kiểm soát môi trường, Bộ Tài nguyên Môi trường đưa ra giải pháp: “Cần rà soát các hạng mục công trình; lập quy trình giám sát, quản lý tích hợp ba yếu tố: An toàn, sức khỏe và môi trường phải đồng bộ. Trong vài năm tới, khi độ hao mòn, ăn mòn của máy móc, thiết bị bắt đầu nảy sinh các vấn đề môi trường”.
Theo VnExpress