Bộ Công an vừa hoàn thành tiếp nhận 53 xe chữa cháy, 4 xe thang, 4 xe cứu nạn cứu hộ, 13 bộ đệm cứu người, 1.163 bộ quần áo, găng tay và ủng chữa cháy, 82 bộ thiết bị lặn, 6 khóa đào tạo… do Chính phủ Áo tài trợ.
Lễ ký kết biên bản bàn giao thiết bị tiểu dự án số 5, số 6 thuộc dự án “Đầu tư trang thiết bị chữa cháy và cấp cứu sự cố hỏa hoạn cho lực lượng cảnh sát PCCC – giai đoạn II” sử dụng vốn ODA của Chính phủ Áo với tổng giá trị 15,9 triệu Euro vừa được Bộ Công an tổ chức tại Hà Nội.
Thiếu tướng Đỗ Văn Sơn, Cục trưởng Cục Cảnh sát phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn cứu hộ (PCCC&CNCH) cho biết: Trước nhu cầu rất lớn và cấp thiết về các phương tiện PCCC&CNCH, Thủ tướng Chính phủ cho phép Bộ Công an xây dựng và triển khai thực hiện Dự án nói trên.
Ngài Đại sứ Cộng hòa Áo Georg Heindl cho biết: Đây là một trong những dự án đặc biệt thiết thực đối với người dân Việt Nam bởi cơ sở hạ tầng PCCC tốt không chỉ có vai trò quan trọng trong việc giảm bớt thiệt hại về con người và tài sản trước hỏa hoạn mà còn tạo điều kiện an toàn, ổn định để Việt Nam thu hút các nhà đầu tư nước ngoài.
Thực hiện dự án này, Bộ Công an vừa hoàn thành nghiệm thu, tiếp nhận đợt cuối cùng 15 xe chữa cháy, 2 xe thang chữa cháy 32m, 2 chiếc xe cứu nạn, cứu hộ; 82 bộ thiết bị lặn, các phương tiện chữa cháy cứu nạn, cứu hộ và đạo tạo sử dụng các phương tiện trên.
Như vậy tính đến nay, Cục Cảnh sát PCCC&CNCH tiếp nhận tổng số: 53 xe chữa cháy, 4 xe thang, 4 xe cứu nạn cứu hộ, 13 bộ đệm cứu người, 1.163 bộ quần áo, găng tay và ủng chữa cháy, 82 bộ thiết bị lặn, 6 khóa đào tạo… do Chính phủ Áo tài trợ.
Theo Thiếu tướng Đỗ Văn Sơn, đây là những phương tiện PCCC hiện đại hàng đầu thế giới do Công ty Rosenbauer International sản xuất. Sau khi được tiếp nhận, các phương tiện này trở thành phương tiện chủ lực của các đơn vị Cảnh sát PCCC&CNCH tại Việt Nam.
Còn ông Herbert Poellinger, Phó Chủ tịch cấp cao của Công ty Rosenbauer International khẳng định: “Đây là những phương tiện tốt nhất để các chiến sĩ cảnh sát PCCC và CNCH của Việt Nam, những người đang ngày đêm xả thân vì sự an toàn của người dân và cả xã hội, phục vụ cho công việc cao quý của họ”.
Thiếu tướng Trần Anh Dũng, Phó Tổng Cục trưởng Cảnh sát quản lý hành chính về TTATXH, Bộ Công an, cho biết: Số lượng xe chữa cháy của dự án chiếm khoảng 10% số lượng xe chữa cháy cho Việt Nam. Tất cả phương tiện, thiết bị PCCC do Chính phủ Áo hỗ trợ đều được trang bị và sử dụng hiệu quả ở các thành phố lớn, các khu công nghiệp, khu đông dân cư.Tuy nhiên, hiện lực lượng PCCC của Việt Nam vẫn còn thiếu nhiều trang thiết bị PCCC hiện đại. Do vậy, Trung tướng Trần Anh Dũng hy vọng trong thời gian tới, bằng nguồn vốn ODA, Chính phủ Áo sẽ tiếp tục hỗ trợ Việt Nam trong lĩnh vực này.
Được biết, từ hiệu quả thiết thực dự án mang lại, hiện các cơ quan chức năng của hai nước đang xem xét, triển khai giai đoạn III của dự án này.
Theo Thiếu tướng Đỗ Văn Sơn: Trước yêu cầu nhiệm vụ bảo vệ an ninh quốc gia, giữ gìn trật tự, an toàn xã hội nói chung và công tác PCCC nói riêng, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt Quy hoạch tổng thể hệ thống cơ sở của lực lượng Cảnh sát PCCC&CNCH đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030. Theo đó, đến năm 2015 sẽ thành lập mới 12 Sở Cảnh sát PCCC, 198 đội chữa cháy và đội cứu nạn cứu hộ, đầu tư trang bị mới 550 phương tiện chữa cháy, cứu hộ cơ giới và các phương tiện PCCC&CNCH khác với tổng kinh phí đầu tư hơn 7.500 tỷ đồng. Việc huy động nguồn vốn ODA của các nước, các tổ chức đa phương để đầu tư, trang bị phương tiện, đào tạo, huấn luyện nâng cao trình độ cho lực lượng Cảnh sát PCCC&CNCH là rất quan trọng và là một giải pháp tích cực, khả thi để thực hiện quy hoạch này. |
Hải Lê (theo chinhphu.vn)