Ngày nay con người phải đối mặt với rất nhiều các yếu tố gây mất an toàn trong cuộc sống, trong đó bỏng là một loại tai nạn mà chúng ta thường xuyên gặp phải trong lao động và trong cuộc sống hàng ngày.
Có rất nhiều nguyên nhân gây nên bỏng như bỏng do lửa, do hơi nóng, hóa chất và các tia… Vết thương bỏng có thể làm chết người hoặc để lại những di chứng nặng nề như mất chức năng vận động, biến dạng mất thẩm mỹ…Vì vậy, khi bị bỏng thì việc sơ cứu kịp thời là hết sức quan trọng để tránh những hậu quả đáng tiếc .Tuy nhiên, việc sơ cứu bỏng cần phải thực hiện cẩn thận và đúng cách.
Các bước sơ cấp cứu khi bị bỏng.
* Bước 1: Nhanh chóng loại bỏ tác nhân gây bỏng theo nguyên tắc cách ly nạn nhân với nguồn nhiệt. Loại trừ tiếp xúc với tác nhân gây bỏng càng sớm càng tố.
– Dùng nước để dập tắt lửa hoặc có thể dùng áo, chăn, vải bọc kín chỗ đang cháy để dập lửa.
– Xé bỏ quần áo đang cháy âm ỉ hoặc bị thấm đẫm nước nóng, dầu hay các dung dịch hóa chất nếu ngay sau đó không có nước lạnh dội vào vùng bỏng.
– Đối với bỏng điện thì cần phải ngắt ngay nguồn điện hoặc tách nạn nhân ra khỏi nguồn điện.
– Tháo bỏ những vật cứng trên vùng bỏng như giầy, ủng, vòng nhẫn, đồng hồ trước khi vết bỏng sưng nề.
* Bước 2: Nhanh chóng làm mát vùng bị tổn thương (thường dùng nước mát). Đây là biện pháp đơn giản, hiệu quả. Thao tác này phải tiến hành ngay sau khi bị bỏng, càng sớm càng tốt, sau 30 phút mới làm thì không hiệu quả
– Sử dụng nước sạch, nhiệt độ nước tiêu chuẩn là từ 16oC-20oC để ngâm hoặc rửa vùng bị tổn thương. Tận dụng nguồn nước sẵn có như nước đun sôi để nguội, nước máy, nước mưa, nước giếng…
- Có thể ngâm, rửa phần bị bỏng dưới vòi nước hoặc trong chậu nước mát, cũng có thể đắp thay đổi bằng khăn ướt, dội liên tục nước sạch lên vùng bỏng. Nếu bỏng hóa chất thì phải rửa các hóa chất bằng nước và chất trung hòa.
– Kết hợp vừa ngâm rửa phần bị bỏng, vừa cắt bỏ quần áo bị cháy, rửa sạch dị vật hoặc tác nhân gây bỏng còn bám ở vết bỏng
– Thời gian ngâm rửa từ 15-45 phút (thường cho tới khi hết đau rát) tránh làm vỡ, trợt vòm nốt bỏng.
– Giữ ấm phần cơ thể không bị bỏng, đặc biệt với trẻ em, người già, khi thời tiết lạnh nên rút ngắn bớt thời gian ngâm, đề phòng nhiễm lạnh.
Lưu ý:
– Không dùng đá, nước đá lạnh;
– Không đắp các loại thuốc mỡ, lá cây … vào vùng bỏng khi chưa rửa sạch;
– Không làm chợt loét vết bỏng, bóc bỏ vòm nốt bỏng;
– Rửa nước lạnh cũng làm tăng sự mất nhiệt, thân nhiệt tiếp tục giảm gây sốc nặng thêm. Do vậy, việc dùng nước để rửa hoặc ngâm vết thương cần được kiểm soát chặt chẽ khi diện bỏng rộng lớn hơn 15% diện tích cơ thể, nhất là trẻ em và người già.
* Bước 3: Phòng chống sốc bỏng.
– Đặt nạn nhân ở tư thế nằm.
– Động viên an ủi nạn nhân.
– Cho nạn nhân uống nước vì nạn nhân rất khát nhất là khi phải chuyển nạn nhân đi xa.
Chú ý:
– Chỉ cho nạn nhân uống nước khi nạn nhân tỉnh táo, không bị nôn và không có những chấn thương khác.
– Dung dịch cho uống: nếu có điều kiện nên pha dung dịch sau để cho nạn nhân uống:
Pha vào 1 lít nước:
+ 1/2 thìa cà phê muối ăn;
+ 1/2 thìa cà phê muối natri bicarbonat (NaHCO3);
+ 2-3 thìa cà phê đường hoặc mật ong, nước cam, chanh ép;
Nếu không có điều kiện để pha dung dịch trên thì có thể cho nạn nhân uống nước chè đường, nước trái muối, đường hoặc oreson.
– Dùng thuốc giảm đau cho nạn nhân, dùng aspirin.
Khi dùng thuốc giảm đau phải chú ý nếu nghi ngờ nạn nhân có chấn thương bên trong thì không được dùng thuốc giảm đau, an thần mạnh.
* Bước 4: Duy trì đường hô hấp.
Nạn nhân bị bỏng vùng mặt cổ, nhất là khi bị kẹt trong nhà bị cháy mà ở đó có dầu, đồ đặc, bàn ghế, đang bốc cháy… sẽ nhanh chóng bị phù mặt, cổ và các biến chứng của đường hô hấp do hít phải khói hơi. Những trường hợp này phải ưu tiên số một và phải được chuyển tới bệnh viện ngay. Nhưng trong khi chờ đợi phải theo dõi sát nạn nhân và phải đảm bảo sự thông thoát đường hô hấp (giữ tư thế đúng hoặc có thể đặt một canul vào mũi hoặc miệng nạn nhân, có trường hợp phải mở khí quản…)
* Bước 5: Phòng chống nhiễm khuẩn.
Bản thân vết bỏng là vô khuẩn. Do vậy, khi cấp cứu bỏng phải rất thận trọng để tránh vết bỏng bị nhiễm bẩn: không dùng nước không sạch để dội hoặc đắp vào vết bỏng và có điều kiện người cấp cứu nên rửa tay sạch và tránh động chạm vào vết bỏng.
* Bước 6: Băng vết bỏng.
– Không được bôi dầu mỡ, dung dịch cồn ngay cả kem kháng sinh vào vết bỏng.
– Không được chọc phá các túi phỏng nước.
– Không được bóc da hoặc mảnh quần áo dính vào vết bỏng.
– Nếu có điều kiện thì phủ vết bỏng bằng gạc vô khuẩn nếu không thì dùng vải càng sạch càng tốt.
– Vết bỏng sẽ chảy rất nhiều dịch nên trước khi dùng băng co giãn để băng vết bỏng lại thì phải đệm một lớp bông thấm nước lên trên gạc hoặc vải phủ vết bỏng
Chú ý: Nếu không có băng co giãn thì chỉ được băng lỏng vùng bỏng để đề phòng khi vết bỏng sưng nề gây chèn ép.
– Nếu bỏng bàn tay thì có thể cho bàn tay vào một túi nhựa rồi băng lỏng cổ tay, làm như vậy sẽ cho phép nạn nhân vẫn cử động được các ngón tay một cách dễ dàng vừa tránh làm bẩn vết bỏng
– Nếu vết bỏng ở cổ tay hoặc chân thì trước hết phủ vết bỏng bằng gạc vô khuẩn hoặc vải sạch sau đó cho vào một túi nhựa. Có thể đặt nẹp cố định chi bị bỏng, nhưng trong bất kỳ trường hợp nào cũng phải nâng cao chi bị bỏng để chống sưng nề các ngón chân, ngón tay và phải khuyên nạn nhân vận động sớm các ngón chân, ngón tay nếu có thể được.
* Bước 7: Chuyển bệnh nhân tới cơ sở y tế gần nhất. Cần lưu ý và sơ cứu những tổn thương phối hợp (cố định chi gãy, cố định đầu cổ tốt nếu nghi ngờ có chấn thương cột sống cổ,…).
Đức Dũng