Trong các ngày 12,13/9/2013, Đoàn Đại biểu Quốc hội TP Hải Phòng tổ chức hội nghị lấy ý kiến đóng góp của các cơ quan, ban ngành liên quan vào 2 dự thảo luật: Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Phòng cháy và Chữa cháy và Luật bảo vệ và kiểm dịch thực vật. Các đồng chí đại biểu Quốc hội: Nguyễn Xuân Trường, Phó giám đốc Sở GD&ĐT và Nguyễn Văn Bình, Chủ tịch HĐQT, Tổng giám đốc Cty CP Thép Việt – Nhật chủ trì hội nghị. Cùng dự có đại tá Nguyễn Quốc Trị – Phó Giám đốc Sở Cảnh sát PCCC thành phố Hải Phòng.
Quang cảnh của buổi họp
Trước đó, tại phiên họp thứ 16 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội diễn ra vào ngày 19-3, trình bày tờ trình của Chính phủ về dự án Luật, thượng tướng Phạm Quý Ngọ – Thứ trưởng Bộ Công an đã từng nêu rõ: Luật Phòng cháy và chữa cháy được Quốc hội khóa X, Kỳ họp thứ 9 thông qua ngày 29/6/2001 và có hiệu lực thi hành kể từ ngày 04/10/2001. Qua 12 năm triển khai thực hiện, các quy định của Luật Phòng cháy và chữa cháy đã thực sự đi vào đời sống xã hội, tạo cơ sở pháp lý cho việc xác định trách nhiệm của mọi cơ quan, tổ chức, cá nhân trong công tác phòng cháy, chữa cháy (PCCC); phong trào toàn dân tham gia PCCC ngày càng được các cấp ủy Đảng, chính quyền quan tâm, chỉ đạo triển khai thực hiện và đưa công tác này trở thành nhiệm vụ của toàn dân.
Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả tích cực đã đạt được, Luật Phòng cháy và chữa cháy cũng bộc lộ một số vướng mắc, bất cập cần sửa đổi như: Chưa quy định cụ thể, rõ ràng trách nhiệm của người đứng đầu cơ quan, tổ chức, hộ gia đình trong việc chỉ đạo, tuyên truyền, tổ chức thực hiện, kiểm tra, giám sát việc chấp hành các quy định của pháp luật về PCCC; chưa quy định cụ thể, đầy đủ về điều kiện bảo đảm an toàn PCCC đối với các loại hình công trình đặc thù về cháy, nổ; chưa quy định đầy đủ, cụ thể chức năng, nhiệm vụ của lực lượng Cảnh sát PCCC….
Tại hội nghị lấy ý kiến về dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều (12/56 điều)của Luật PC và CC của Đoàn Đại biểu Quốc hội TP Hải Phòng, đa số các ý kiến đại biểu tập trung vào góp ý kiến về phạm vi điều chỉnh của Luật. Các đại biểu thống nhất ý kiến nên giữ nguyên tên gọi của luật hiện nay là Luật PC và CC. Tuy nhiên, các đại biểu đề nghị ban soạn thảo dự luật cần làm rõ hơn trong dự thảo luật những quy định cụ thể về vấn đề xã hội hóa công tác PCCC; về phát động và triển khai phong trào toàn dân tham gia PCCC; làm rõ vai trò của cấp ủy, chính quyền các cấp đối với việc chỉ đạo thực hiện công tác PCCC. Có ý kiến đại biểu cho rằng, nhiệm vụ cứu nạn, cứu hộ hiện nay do rất nhiều cơ quan, đơn vị chức năng thực hiện như: Trung tâm tìm kiếm cứu nạn, cứu hộ quốc gia; bộ đội biên phòng; kiểm lâm… nhưng chưa được quy định cụ thể trong Luật; nay cần thiết phải được đưa vào trong luật để có sự phân công, phối hợp, xác định trách nhiệm rõ ràng trong công tác cứu nạn, cứu hộ. Đại biểu đề nghị sửa đổi Điều 48, khoản 6a (dự thảo luật), quy định bổ sung thẩm quyền khởi tố, điều tra các hành vi vi phạm pháp luật hình sự trong lĩnh vực PCCC; quy định lực lượng Cảnh sát PCCC có nhiệm vụ “thực hiện hoạt động điều tra ban đầu đối với các vụ cháy, nổ” cho phù hợp với thực tế hiện nay.
Lệ Trang