Lính chữa cháy được trang bị thiết bị báo động khẩn cấp với cường độ âm khá lớn. Tuy nhiên, đồng nghiệp của họ tham gia chữa cháy thường không nghe được tiếng báo động này. Vậy đâu là lý do?
Các nhà nghiên cứu từ đại học Texas đang cố gắng đi tìm câu trả lời cho hiện tượng kỳ lạ trên. Lính chữa cháy thường mang theo thiết bị báo động cá nhân. Trong tình huống khẩn cấp hoặc thiếu oxy thiết bị báo động này được kích hoạt.
Nếu nhân viên cứu hỏa không di chuyển thì trong 5 giây nó sẽ phát âm thanh có cường độ lớn, khoảng 95 decibel (đơn vị đo cường độ âm) để gửi tín hiệu cảnh báo tới các lính chữa cháy khác cũng đang tham gia chữa cháy. Đó là âm thanh có cường độ rất lớn, nhưng trong tòa nhà đang cháy, những đồng nghiệp của họ thường không nghe được.
Có một cách lý giải đơn giản là, với sự hỗn loạn trong tòa nhà đang cháy, do những tiếng ồn từ bên ngoài, do trời tối hoặc do cảm giác ngột ngạt và lính cứu hỏa cũng thường chùm mũ kín. Đó là điều ai cũng có thể nhận thấy. Nhưng có một lý do quan trọng khác nữa.
Vận tốc âm thanh trong không khí nóng và lạnh khác nhau. Trong các tòa nhà đang cháy có các vùng không khí rất nóng đan xen với những vùng không khí lạnh gây nên bởi nước và các chất dập lửa khác.
Môi trường không đồng nhất làm cho đường đi của sóng âm thanh bị đổi hướng và phản xạ liên tục. Lính cứu hỏa có cảm giác như đang nghe được âm thanh đến từ nhiều vị trí khác nhau. Do vậy, họ không xác định được vị trí âm thanh phát ra cảnh báo từ đồng nghiệp.
Hiện các nhà khoa học Mỹ đang nghiên cứu một thiết bị cảnh báo mới có thể thay đổi cao độ (tần số) hoặc giai điệu của âm thanh cảnh báo để khắc phục nhược điểm của những thiết bị hiện có.
Theo khoahoc.com.vn