Ngày16/1/2014, Khoa Phòng cháy tổ chức báo cáo kết quả chuyển giao, khai thác và sử dụng các thiết bị thí nghiệm thuộc dự án đầu tư chiều sâu, gói thầu số 4 và số 7, dưới sự chủ trì của đồng chí Phạm Văn Năm, Phó Hiệu trưởng. Đây là một dự án trọng điểm, được nhà trường đặc biệt quan tâm.
Dự án này góp phần hỗ trợ nâng cao chất lượng công tác đào tạo cán bộ ở trình độ Đại học và sau đại học, hướng tới đào tạo nghiên cứu sinh về lĩnh vực an toàn PCCC và cứu nạn cứu hộ. Dự án sẽ thu hẹp khoảng cách giữa lý thuyết với thực hành, giúp đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao về PCCC cho lực lượng PCCC chuyên nghiệp của Bộ Công an nói riêng và cho xã hội nói chung. Đồng thời, dự án cũng giúp hoàn thiện hơn các căn cứu khoa học làm cơ sở cho việc đề xuất với Nhà nước và Bộ Công an ban hành các văn bản quy phạm pháp luật về quản lý nhà nước đối với công tác PCCC và cứu nạn cứu hộ, kiểm định phương tiện, thiết bị PCCC và vật liệu xây dựng đảm bảo an toàn PCCC.
Đến dự còn có đồng chí Tiến sĩ Đinh Ngọc Tuấn, Tiến sĩ Vũ Văn Bình, Phó Hiệu trưởng; đại diện lãnh đạo các đơn vị K1, K2, K3, BM5, P2, P5, P6 và toàn thể các đồng chí giáo viên của Khoa Phòng cháy.
Đồng chí Phạm Văn Năm, Phó Hiệu trưởng nêu rõ mục tiêu, tính cấp thiết của dự án, tóm tắt quá trình lập dự án, tiến độ thực hiện, những thuận lợi và khó khăn, những kết quả đã đạt được trong thời gian thực hiện dự án. Tiếp đó, đ/c tiến sĩ Khúc Quang Trung, đại diện các giáo viên Khoa Phòng cháy tham gia dự án, báo cáo kết quả quá trình chuyển giao, khai thác các thiết bị thí nghiệm. Báo cáo cũng đánh giá chi tiết khả năng làm việc của thiết bị những kết quả đạt được trong quá trình khai thác sử dụng và phương hướng thực hiện trong thời gian tới.
Danh mục các thiết bị của gói thầu số 4 và số 7:
Gói thầu số 4 |
|
Thiết bị thí nghiệm xác định mức độ sinh khói của vật liệu xây dựng |
Thiết bị thí nghiệm tính bắt cháy của vật liệu |
Thiết bị thí nghiệm xác định tính cháy lan trên bề mặt của vật liệu xây dựng |
Thiết bị thí nghiệm đo độc tố của sản phẩm cháy |
Thiết bị xác định tính cháy và nhóm cháy của vật liệu xây dựng |
Máy phân tích khí xách tay |
Gói thầu số 7 |
|
Thiết bị xác định khả năng chống cháy của cáp điện |
Thiết bị xác định tính ăn mòn của khí tạo ra trong quá trình cháy cáp điện |
Thiết bị đo mức CO2 chứa trong bình chữa cháy, hệ thống PCCC |
Thiết bị kiểm tra độ kín đường ống |
Máy đo độ dày vỏ bình chữa cháy, đường ống kim loại |
Máy đo điện trở nối đất |
Bộ thiết bị thí nghiệm xác định chất lượng chất tạo bọt, bọt chữa cháy, gồm: |
|
–Thiết bị đo hệ số chiết quang của chất tạo bọt chữa cháy –Thiết bị đo khối lượng riêng của chất tạo bọt – Thiết bị đo độ PH, độ dẫn điện, độ muối – Thiết bị kiểm tra độ nhớt – Thiết bị kiểm tra sức căng bề mặt |
– Bộ dụng cụ kiểm tra tỷ lệ bọt, khả năng tách nước, đối với với loại bọt có bội số nở cao. – Bộ thiết bị kiểm tra tỷ lệ bọt (loại bọt thấp, trung bình) – Dụng cụ kiểm tra khả năng tạo màng – Thiết bị kiểm tra chất lắng |
Sau phần báo cáo của cán bộ phụ trách, các đại biểu đến dự đã đóng góp nhiều ý kiến bổ ích về công năng sử dụng thiết bị, các phương pháp khai thác sử dụng để thiết bị đạt hiệu quả tốt nhất và về việc công bố rộng rãi các kết quả thí nghiệm, nghiên cứu khoa học trên website nhà trường cũng như các phương tiện truyền thông khác. Bên cạnh đó, các cán bộ phụ trách thiết bị thí nghiệm cũng thu nhận được nhiều đóng góp bổ ích, kịp thời về các quy định trong vận hành, sử dụng, khai thác, bảo quản thiết bị.
Kết thúc phần báo cáo, đoàn đại biểu thăm quan thực tế phòng thí nghiệm đầu tư chiều sâu, xem giáo viên Khoa Phòng cháy tiến hành thực hiện một số bài thí nghiệm như: kiểm tra độc tố sản phẩm cháy, thí nghiệm xác định khả năng chống cháy của cáp điện, các thí nghiệm kiểm tra chất tạo bọt…, các thiết bị đã hoạt động tốt, đạt được mục tiêu đề ra ban đầu. Đoàn đại biểu đã đóng góp những ý kiến bổ ích để hoàn thiện hơn nữa hiệu quả trong quá trình khai thác, sử dụng thiết bị thí nghiệm.
Phan Anh