Sau ngày miền Nam hoàn toàn giải phóng, lực lượng Cảnh sát PCCC Cần Thơ được thành lập (tháng 6/1975) với biên chế 12 đồng chí và 3 xe chữa cháy đã cũ do đồng chí Nguyễn Văn Đức phụ trách, sau này đồng chí Đức được bổ nhiệm Trưởng phòng Cảnh sát PCCC – Công an tỉnh Cần Thơ. Ngoài đội ngũ biên chế (12 người) là những cán bộ PCCC ngoài Bắc được chi viện có nghiệp vụ về PCCC thì hầu hết cán bộ, chiến sỹ của đơn vị đều chưa được đào tạo nghiệp vụ về công tác PCCC, trình độ văn hóa thấp, nên trước tình hình phức tạp của địa bàn, lực lượng Cảnh sát PCCC Cần Thơ đã gặp không ít khó khăn. Song được sự quan tâm của Đảng ủy, UBND tỉnh, Công an tỉnh, của Cục PCCC, Bộ Nội vụ (nay là Bộ Công an) và sự giúp đỡ của các lực lượng chức năng trên địa bàn tỉnh, lực lượng Cảnh sát PCCC Cần Thơ đã từng bước vượt qua khó khăn bằng những việc làm cụ thể, thiết thực.
Những đầu năm sau giải phóng, nhận thức và kiến thức của nhân dân trên địa bàn về công tác PCCC còn nhiều hạn chế, đặc biệt là thiếu kiến thức về công tác PCCC ban đầu nên lực lượng Cảnh sát PCCC gặp không ít khó khăn. Mặt khác, do địa bàn tỉnh Cần Thơ có nhiều căn cứ quân sự, kho bom đạn của chế độ Ngụy mà xung quanh là các khu phi quân sự, kho bom đạn được chúng cài mìn, chất nổ để bảo vệ, cỏ mọc um tùm…Vì vậy, tình hình cháy, nổ diễn biến phức tạp, các vụ cháy xảy ra thường xuyên. Có trường hợp do người và súc vật bị vướng mìn phát nổ gây ra khá nhiều đám cháy dây chuyền trên cả một khu vực rộng lớn như: nhiều lần cháy ở khu vực kho bom đạn Bình Thủy, vụ cháy khu vực cạnh đường băng và nhà chứa máy bay phi trường Trà Nóc do cỏ cháy lan từ ngoài vào; hoặc các vụ cháy khu dân cư buôn bán như: vụ chữa cháy khu dân cư chợ trời An Lạc, khu dân cư tại đường Phan Đình Phùng…
Đứng trước những khó khăn, phức tạp của địa bàn và những hạn chế về cơ sở kỹ thuật, phương tiện phục vụ cho công tác chữa cháy, để hạn chế đến mức thấp nhất thiệt hại do cháy, nổ gây ra, lực lượng Cảnh sát PCCC – Công an tỉnh Cần Thơ đã chủ động, tích cực tham mưu cho chính quyền trong việc ban hành các văn bản nhằm đẩy mạnh công tác PCCC; hướng dẫn kiểm tra kỹ thuật an toàn PCCC, thỏa thuận thiết kế; xây dựng các lực lượng PCCC nghĩa vụ trong các cơ quan, xí nghiệp, lực lượng dân phòng và vận động toàn dân tích cực tham gia làm tốt công tác phòng chống cháy, nổ…làm cho công tác PCCC thực sự trở thành mối quan tâm chung của xã hội.
Để vận động toàn dân tham gia công tác PCCC, từng bước thực hiện chủ trương xã hội hóa công tác PCCC, ngay từ những ngày đầu mới thành lập, lực lượng Cảnh sát PCCC đã chú trọng đẩy mạnh công tác tuyên truyền giáo dục, vận động quần chúng nhân dân bằng nhiều hình thức: thông qua các phương tiện thông tin đại chúng (báo chí, đài phát thanh, truyền hình…), tuyên truyền bằng tranh, ảnh, cổ động.., cử cán bộ trực tiếp xuống địa bàn họp cùng tổ dân phố để tuyên truyền vận động nhân dân. Bên cạnh đó, đơn vị còn cử cán bộ trực tiếp đến các công ty, xí nghiệp, các cơ sở sản xuất có những mặt hàng dễ cháy như: công ty xăng dầu, nhà máy điện, xí nghiệp phân bón hóa chất, xí nghiệp xay xát lương thực…để tuyên truyền, hướng dẫn về công tác PCCC.
Đi đôi với việc tuyên truyền, vận động quần chúng tham gia công tác PCCC, với chức năng tham mưu và trực tiếp hướng dẫn, lực lượng Cảnh sát PCCC còn chú trọng phối hợp với chính quyền các cấp, các cơ quan xí nghiệp, các cơ sở sản xuất để xây dựng, tổ chức và huấn luyện lực lượng chữa cháy tại chỗ, xây dựng và thực tập các phương án chữa cháy…Từ tình hình thực tế của địa phương, để hạn chế thấp nhất các vụ cháy có thể xảy ra, loại bỏ từng bước các nguyên nhân điều kiện gây cháy, lực lượng Cảnh sát PCCC đã tập trung làm tốt công tác điều tra cơ bản các khu vực sản xuất, kinh doanh và khu vực dân cư trên địa bàn tỉnh. Qua công tác điều tra cơ bản đã lập phiếu theo dõi và đưa vào hồ sơ quản lý có hiệu quả.
Trong số các vụ cháy xảy ra, có rất nhiều vụ cháy có tính chất nguy hiểm cao đối với tính mạng của các chiến sỹ làm công tác chữa cháy như: ba lần chữa cháy kho bom đạn tại khu vực Bình Thủy (từ năm 1976 – 1978), vụ chữa cháy kho bom đạn của Ngụy để lại ở Vị Thanh, tại phi trường Trà Nóc, chữa cháy kho chứa nhựa đường và vụ chữa cháy 2 tàu chở xăng dầu tại khu vực đóng quân của tiểu đoàn 804, Trung đoàn 659-QK9…Hàng chục chiến sỹ chữa cháy đã đổ máu trong những cuộc chiến đấu khốc liệt với giặc lửa. Nhưng với tinh thần chiến đấu dũng cảm, khắc phục khó khăn gian khổ, sự thiếu thốn về lực lượng và trang thiết bị PCCC, lực lượng Cảnh sát PCCC Cần Thơ đã lập nhiều chiến công.
Tháng 8/1976, khu chợ hàng hóa phường An Lạc xảy ra vụ cháy lớn. Lực lượng Cảnh sát PCCC Cần Thơ đã nhanh chóng có mặt tại hiện trường. Việc đưa xe chữa cháy tiếp cận điểm cháy vô cùng khó khăn vì đường hẹp, nhân dân và các chủ hàng hoảng loạn nên chen lấn, xô đẩy nhau tìm đường thoát nạn…Ban Chỉ huy chữa cháy đã nhanh chóng phối hợp cùng lực lượng Công an và Quân đội triển khai lực lượng và xây dựng hệ thống xe tiếp nước cùng đội hình cứu chữa. Sau gần 3 giờ tích cực dập lửa, lực lượng chữa cháy đã chia cắt, cô lập đám cháy không để cháy lan sang các khu nhà bên cạnh và đám cháy được dập tắt hoàn toàn, hàng chục tấn hàng hóa được kịp thời cứu chữa, không để xảy ra cháy lan, cháy lớn, đài truyền hình Cần Thơ, đài truyền hình của khu vực miền Tây Nam Bộ được bảo vệ an toàn.
Tháng 10/1976, kho K5 phát cháy. Kho K5 thuộc cụm kho bom đạn dự trữ lớn thứ 3 của Mỹ – Ngụy phục vụ cho chiến trường miền Tây Nam Bộ với hơn 30 kho xây dựng liền kề nhau, sức chứa mỗi kho từ 40 – 50 tấn bom đạn. Sau giải phóng miền
Trung tuần tháng 12/1979, sân bay quân sự Trà Nóc xảy cháy. Nguyên nhân do súc vật vướng mìn phát nổ, gây cháy, xung quanh khu vực sân bay là cỏ dại nên cháy lan và cháy lớn. Lửa cháy lan rộng hàng trăm mét. Các loại mìn xung quanh rào bảo vệ do sức nóng của lửa bắt nổ dữ dội. Đội chữa cháy sân bay đã triển khai toàn bộ lực lượng nhưng không đủ sức cứu chữa đám cháy. Lực lượng Cảnh sát PCCC Cần Thơ đã nhanh chóng đến hiện trường lợi dụng địa hình để chia cắt, cô lập đám cháy thành từng cụm. Những nơi hàng rào dây thép gai bao quanh không tiếp cận được, các chiến sỹ đã dũng cảm mưu trí dùng ván sắt để vượt rào dây kẽm gai tiếp cận đám cháy, mặt khác tổ chức lực lượng phun nước làm mát nhà chứa máy bay và các khu vực chứa xăng dầu gần đó. Sau gần 6 giờ tổ chức cứu chữa, đám cháy đã được dập tắt hoàn toàn, bảo vệ được 7 chiếc máy bay A37 trên đường băng và 30 máy bay A37, L19, UH1 trong nhà chứa cùng hơn 300 tấn xăng dầu chứa trong kho cùng nhiều vũ khí, vật tư, trang thiết bị kỹ thuật khác…
Những chiến công đó đã khẳng định tinh thần, ý chí, bản lĩnh của lực lượng Cảnh sát PCCC Cần Thơ vượt qua gian khó, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao những năm đầu sau giải phóng miền
Thảo Nguyên.