web nhà cái cá độ bóng đá uy tín blckvc,trò chơi nổi tiếng

Morrison – Ngon đuốc phản chiến trong trái tim nhân loại

Morrison có một cá tính khá phức tạp. Dù đam mê thị trường chứng khoán nhưng anh lại là người sống rất thanh bạch và tiết kiệm. Anh có thể nhảy rất giỏi song lại không thể hoà âm đúng nhạc. Là một người sống khép kín nhưng anh lại có thiên hướng muốn trở thành một cố vấn về tinh thần cho người khác. Tại trường dòng Thần học phương Tây, Morrison đặc biệt bị cuốn hút bởi những nguyên tắc của phái Quaker trong đó có cam kết đi theo chủ nghĩa hoà bình. 

Từ khi Mỹ tham gia cuộc chiến tại Việt Nam, Morrison luôn trăn trở. Anh coi chính sách ngoại giao mà chính quyền Mỹ theo đuổi lúc đó hoàn toàn mang tính chất “can thiệp” và “thiển cận”. Anh luôn có niềm tin rằng, dân tộc Việt Nam phải có quyền tự vạch ra tương lai cho chính mình. Khi cuộc chiến càng trở nên khốc liệt, Morrison cùng những người bạn của anh bắt đầu lên tiếng phản đối chiến tranh.

Anh tham gia tích cực vào phong trào phản đối cuộc chiến tranh leo thang tại Việt Nam, viết thư gửi các tín đồ Quaker tại Washington và lên kế hoạch tổ chức các buổi cầu nguyện, hội thảo vì hoà bình, thậm chí còn vận động hành lang tại Washington. Anne – vợ anh hoàn toàn ủng hộ chồng, song vì lúc này cô đã là mẹ của 3 đứa con nhỏ, nên sự phản đối chiến tranh của cô chỉ dừng ở mức độ nhất định.

Càng ngày, Morrison càng trở nên bị ám ảnh bởi việc quân đội Mỹ giết hại những người dân thường vô tội Việt Nam. Anh không thể chấp nhận con số thương vong về người mà cuộc chiến phi nghĩa ấy đang gây ra, cả đối với người Việt Nam và binh sỹ Mỹ. Anh tin rằng nếu cuộc chiến này tiếp tục, đến một lúc nào đó, nó sẽ giáng một đòn nặng nề lên lương tâm của người Mỹ.

Nửa cuối năm 1965, hầu như ngày nào, hai vợ chồng Morrison cũng nói chuyện về Việt Nam. Anne chia sẻ những suy nghĩ của chồng về cuộc chiến. Cả hai đều xúc động và bàng hoàng trước sự hy sinh của các nhà sư Việt Nam và một tín đồ lớn tuổi phái Quaker ở Detroit là Alice Herz. Họ cũng giống anh, đều phản đối cuộc chiến tại Việt Nam. Ngoài vợ, Morrison còn thảo luận với một người bạn thân về các phong trào phản đối chiến tranh. Anh tin vào lương tri và “ánh sáng của trái tim”.

Vào ngày 2/11/1965 định mệnh, nhân viên Lầu Năm Góc bắt đầu tan sở. Nhiều người thấy Morrison tiến gần về phía toà nhà, một tay cầm một chiếc bình cỡ 4 lít còn tay kia ôm đứa con nhỏ xíu. Khi chỉ còn cách văn phòng của Bộ trưởng Quốc phòng – Robert McNamara khoảng 30m, anh trút dầu lên người và châm lửa. Khi đó, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ – Robert McNamara có một cuộc họp với các quan chức Lầu Năm Góc. Đang giữa cuộc họp, phụ tá của ông thông báo về sự náo loạn bên ngoài. Khi McNamara bước tới cửa sổ, ông thấy các nhân viên y tế và một thi thể được cuộn trong vải trắng.

Về sau, khi nhớ lại sự kiện này, McNamara viết: “Cái chết của Morrison là một thảm hoạ không chỉ cho gia đình anh mà cho cả tôi và nước Mỹ. Đó là lời phản đối rõ ràng nhất trước hành động huỷ diệt cuộc sống của người dân Việt Nam và rất nhiều binh sĩ trẻ Mỹ”. Ông nói thêm rằng, sau thảm hoạ này, ông đã phải kiềm chế những cảm xúc của mình. Nhìn lại phong trào phản đối chiến tranh, ông cho rằng: “Có thể hơi ngạc nhiên, song tôi rất cảm thông với suy nghĩ của những người phản đối cuộc chiến”…

Không ai biết chính xác điều gì đã xảy ra sau đó cùng những chi tiết liên quan tới bé Emily – đứa con gái nhỏ mà Morrison đã bế trên tay lúc đó. Lời khai của các nhân chứng tại hiện trường có nhiều điểm mâu thuẫn với nhau. Người thì nói Morrison ôm chặt Emily cho tới khi mọi người chạy tới giằng bé ra khỏi tay anh. Người khác thì nói trước khi lửa bùng lên, Morrison đã đặt bé vào một chỗ an toàn. Trong cuốn “Người sống và người chết” của Paul Hendrickson, tác giả đã trích lời kể của Thiếu tá Richard Lundquist, người tìm thấy bé Emily trên đất. Ông bế Emily lên và đưa tới khu vườn gần Lầu Năm Góc. Tại đây, ông không nhớ đã trao bé cho một người phụ nữ có mang theo chăn hay cho cảnh vệ Lầu Năm Góc. Một nhân chứng khác là Trung tá Charles S. Johnson kể lại, ông đã phải giằng Emily ra khỏi tay Morrison….Dù mọi việc sau đó diễn ra như thế nào thì Emily đã sống sót và được đón về ngay trong đêm đó.

Ngay sau khi Morrison chết, hình ảnh của anh đã được cả thế giới, nhất là người dân Việt Nam ngưỡng mộ. Đã có những bài thơ viết về anh, điển hình như bài “Emily con ơi” của nhà thơ Tố Hữu – nhà thơ cách mạng Việt Nam. Thậm chí, Chính phủ Việt Nam đã phát hành một con tem để tưởng nhớ Morrison….

34 năm sau ngày Morrison mất, vợ anh và các con gái đã có chuyến thăm Việt Nam vào tháng 4/1999. Tại đây, bà Anna đã gặp những người dân Việt Nam và cảm nhận được tình yêu, lòng ngưỡng mộ của người Việt Nam đối với Morrison. Nó đã tạo ra sự thay đổi lớn trong nhận thức của bà và các con. Khi trở lại nước Mỹ, bà viết: “Thật cảm động khi chúng tôi được nghe những câu chuyện kể về tình cảm mà rất nhiều người Việt Nam dành cho Morrison khi biết anh tự thiêu để phản đối cuộc chiến Mỹ tiến hành tại Việt Nam. Hơn tất cả, chúng tôi nghẹn ngào trước những giọt nước mắt của họ khi kể lại dù đã hơn 30 năm trôi qua. Tôi như cảm thấy Morrison đã bắn một mũi tên của tình yêu thương và sự đồng cảm từ trái tim anh tới trái tim của người Việt Nam và mũi tên ấy vẫn còn nằm nguyên vẹn ở đó….”.

Cũng trong cuộc gặp gỡ đó, nhà thơ Tố Hữu đã xúc động khi Emily – cô bé mà người cha đã bế trên tay khi châm lửa tự thiêu đọc những vần thơ cô viết để tỏ lòng cảm ơn ông. Tố Hữu đã tặng gia đình Morrison những vần thơ như lời tri ân người quá cố của nhà thơ và dân tộc Việt Nam:

“Xin tạm biệt đời yêu quý nhất

Còn mấy vần thơ một nắm tro 

Thơ gửi bạn đường, tro gửi đất, 

Sống là cho và chết cũng là cho”.

Giờ đây, lửa chiến tranh đã tắt trên đất nước Việt Nam nhưng hình ảnh Morrison – ngọn đuốc phản chiến vẫn rực cháy trong trái tim những người dân Việt Nam cùng nhân dân yêu chuộng hòa bình trên thế giới./.

 

Thảo Nguyên.