web nhà cái cá độ bóng đá uy tín blckvc,trò chơi nổi tiếng

Nâng cao hiệu quả thực hiện chế độ bảo hiểm cháy, nổ bắt buộc tại các chợ, trung tâm thương mại hiện nay.

 

Ngày nay, khi nền kinh tế càng phát triển, việc đẩy mạnh quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa đã đưa nước ta đạt nhiều bước tiến trên các phương diện của đời sống chính trị, kinh tế, văn hóa xã hội; góp phần cải thiện và nâng cao đời sống của nhân dân. Song, bên cạnh những mặt tích cực mà nền kinh tế mang lại, là những tiềm ẩn rủi ro đáng lo ngại, đó là vấn đề cháy, nổ xảy ra ngày càng tăng gây thiệt hại lớn về người và tài sản, đặc biệt là các vụ cháy chợ, trung tâm thương mại xảy ra liên tiếp trong thời gian gần đây. Trong khi đó các sản phẩm hàng hóa trưng bày bán trong các chợ, trung tâm thương mại phần lớn không được các tiểu thương mua bảo hiểm cháy nổ, do đó khi có hỏa hoạn xảy ra, các tiểu thương rất dễ “trắng tay”. Vụ cháy kinh hoàng xảy ra ngày 14/7/1994 tại chợ Đồng Xuân – Hà Nội đã gây thiệt hại 140 tỷ đồng của 2364 hộ kinh doanh và hàng chục ngàn đại lý. Năm 2012, trận hỏa hoạn kinh hoàng tại chợ trung tâm tỉnh Quảng Ngãi đã thiêu rụi tài sản trị giá gần 200 tỷ đồng. Mới đây nhất là trận hỏa hoạn ở trung tâm thương mại Thành phố Hải Dương khiến tài sản của 536 tiểu thương bị cháy rụi hoàn toàn với tổng thiệt hại về tài sản trị giá gần 400 tỷ đồng. Trong khi đó hầu như các hàng hóa bị cháy đều không có bảo hiểm, duy nhất chỉ có 60 tiểu thương ở trung tâm thương mại Hải Dương mừng phát khóc khi họ biết đã được một ngân hàng đã tự động trích một khoản để mua bảo hiểm cháy nổ khi họ vay vốn kinh doanh. Có thể nói, cháy, nổ tại các chợ, trung tâm thương mại thực sự đã trở thành một rủi ro mang tính thảm họa.

Khẳng định được tầm quan trọng của công tác đảm bảo an toàn PCCC đối với các cơ sở có nguy hiểm về cháy, nổ. Nhà nước đã ban hành nhiều văn bản quy phạm pháp luật nhằm nâng cao hiệu quả thực hiện trong toàn xã hội. Ngoài những quy định, quy chế tổ chức hoạt động phòng cháy, chữa cháy, thì việc đảm bảo quyền lợi của các cơ sở có nguy hiểm về cháy, nổ cũng đang được quán triệt, tổ chức thực hiện một cách nghiêm túc.           

Từ năm 1979, sau khi có quyết định số 06/QĐ-BTC ngày 17/01/1979 của Bộ Trưởng Bộ Tài chính ban hành quy tắc về bảo hiểm hỏa hoạn. Đến nay, do sự tối ưu của bảo hiểm cháy, nổ, ngày 08/11/2006 Chính phủ ban hành Nghị định số 130/2006/NĐ-CP quy định chế độ bảo hiểm cháy, nổ bắt buộc. Ngày 24//4/2007 Bộ Tài chính và Bộ Công an đã ban hành Thông tư liên tịch số 41/2007/TTLT-BTC-BCA hướng dẫn thực hiện một số điều của Nghị định số130/2006/NĐ-CP. Ngày 30/12/2010 Bộ Tài chính đã ban hành Thông tư số 220/2010/TT-BTC hướng dẫn thực hiện chế độ bảo hiểm bắt buộc. Đặc biệt, ngày 31/12/2013 Bộ Tài chính và Bộ Công an ký Thông tư liên tịch số 214/2013/TTLT-BTC-BCA thay thế Thông tư liên tịch số 41/2007/TTLT-BTC-BCA hướng dẫn thực hiện một số điều của Nghị định số130/2006/NĐ-CP quy định chế độ bảo hiểm cháy, nổ bắt buộc.

Việc quy định thực hiện chế độ bảo hiểm bắt buộc nhằm kiểm soát, ngăn chặn, giảm thiểu các rủi ro xảy ra. Hoặc khi rủi ro xảy ra thì các cơ quan, tổ chức, cá nhân có cơ sở nguy hiểm về cháy nổ sẽ nhận được trợ cấp cho các tổn thất và để khôi phục lại tài sản.

 Phụ lục 1, danh mục cơ sở có nguy hiểm về cháy, nổ ban hành kèm theo Nghị định số 35/2003/NĐ-CP ngày 04/4/2003 của Chính phủ quy định: Chợ kiên cố, bán kiên cố thuộc thẩm quyền quản lý trực tiếp của Ủy ban nhân dân cấp huyện trở lên; các chợ kiên cố, bán kiên cố khác, trung tâm thương mại, siêu thị, cửa hàng bách hóa có tổng diện tích các gian hàng từ 300m2 trở lên hoặc có khối tích từ 1000m3 trở lên là cơ sở có nguy hiểm về cháy, nổ.

 Theo thống kê của Bộ Công thương, tính đến cuối năm 2013 cả nước có 83 trung tâm thương mại; 8.500 chợ, trong đó có 200 chợ loại I; 900 chợ loại II; 7.400 chợ loại III.

 Mặc dù bảo hiểm cháy, nổ bắt buộc là loại hình bảo hiểm bắt buộc đối với các chợ, trung tâm thương mại như nêu trên, nhưng trong thực tế hầu hết các chợ, trung tâm thương mại đều chưa mua bảo hiểm cháy nổ hoặc có thì chỉ “mua đối phó” với sự kiểm tra của các cơ quan chức năng, mặc dù theo tính toán từ mức phí bảo hiểm quy định tại Thông tư 220/2010/TT-BTC ngày 30/12/2010 của Bộ Tài chính: Nêu tổng giá trị của sạp hàng hóa là 100 triệu đồng thì tiểu thương chỉ cần bỏ ra 263 ngàn đồng/ năm là có thể bảo hiểm được hàng hóa, tài sản của mình phòng rủi ro xảy ra cháy, nổ. Mức phí bảo hiểm thấp, lại được bảo vệ  quyền lợi, đây là một bài toán kinh tế có lợi cho các tiểu thương. Vậy nguyên nhân nào dẫn đến tình trạng tiểu thương thờ ơ với việc mua bảo hiểm cháy, nổ bắt buộc?

 

Qua nghiên cứu của các cơ quan chức năng cho thấy, sở dĩ tiểu thương không quan tâm nhiều đến bảo hiểm cháy nổ là do chủ quan, cho rằng việc cháy, nổ tại các chợ, trung tâm thương mại rất khó xảy ra. Cũng có tiểu thương hiểu rõ tầm quan trọng của việc tham gia bảo hiểm cháy nổ nhưng do ảnh hưởng của nền kinh tế  hiện nay, việc kinh doanh buôn bán gặp nhiều khó khăn, hàng hóa tồn đọng nhiều nên đành phó mặc cho may rủi. Mặt khác, công tác tuyên truyền phổ biến rộng rãi các quy định của pháp luật về thực hiện chế độ bảo hiểm bắt buộc, và những quyền lợi  khi tham gia bảo hiểm cháy nổ tại các chợ, trung tâm thương mại tới các tiểu thương còn hạn chế, chưa được thực hiện một cách quyết liệt ở hầu hết các chợ, trung tâm thương mại hiện nay.

 Đối với các doanh nghiệp kinh doanh bảo hiểm:  nhiều doanh nghiệp kinh doanh bảo hiểm ngại bán bảo hiểm cho các chợ, trung tâm thương mại với lý do các hãng bảo hiểm chỉ bán những gói rủi ro không lường trước, trong khi đó các chợ và trung tâm thương mại đều chứa đầy những rủi ro hiện hữu như thói quen thắp hương, hút thuốc, đun nấu và không đáp ứng đủ tiêu chí, điều kiện tham gia bảo hiểm như hệ thống PCCC tại chỗ yếu, thiếu; khoảng cách giữa các quầy không đạt chuẩn; ý thức bảo vệ tài sản kém; giá trị và lượng hàng hóa xuất, nhập mỗi ngày không minh chứng được. Ngoài ra, việc nhận bảo hiểm cho các tiểu thương, theo các đơn vị kinh doanh bảo hiểm, ngoài vấn đề quản lý rủi ro, còn phụ thuộc vào nhiều chính sách cũng như định hướng kinh doanh dài hạn của các hãng bảo hiểm và sự chấp thuận của các nhà tái bảo hiểm quốc tế. Vẫn còn tình trạng các doanh nghiệp bán bảo hiểm thường tư vấn với khách hàng mua bảo hiểm cháy, nổ tự nguyện để ít tốn chi phí và doanh nghiệp bảo hiểm không phải trích kinh phí cho hoạt động PCCC.

 Mặt khác, theo quy định khách hàng chỉ được giao kết hợp đồng mua bảo hiểm cháy nổ khi đã được cơ quan Cảnh sát PCCC cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện về hoặc có biên bản kết luận cơ sở đủ điều kiện về PCCC. Tuy nhiên, tại hầu hết các địa phương, việc cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện an toàn PCCC chưa được thực hiện triệt để. Các đơn vị bắt buộc phải mua bảo hiểm cháy nổ bắt buộc chưa được công khai danh sách nên doanh nghiệp bảo hiểm phải bán bảo hiểm tự nguyện theo quy tắc và biểu phí tự xây dựng. Bên cạnh đó, chế tài xử phạt các cơ sở sản xuất kinh doanh không tham gia bảo hiểm còn nhẹ, chưa mang tính chất răn đe. Một số cơ sở chấp nhận nộp phạt hành chính do mức phạt thấp hơn mức phí bảo hiểm cháy, nổ bắt buộc phải đóng.

 Từ thực trạng thực hiện chế độ bảo hiểm cháy nổ bắt buộc tại các chợ, trung tâm thương mại thời gian qua, chúng tôi đề xuất một số giải pháp góp phần nâng cao hiệu quả thực hiện loại hình bảo hiểm này như sau:

 

 Thứ nhất: Hoàn thiện quy định của pháp luật về thực hiện chế độ bảo hiểm cháy, nổ bắt buộc.

 

Chúng ta dễ nhận thấy, trong việc thực hiện chế độ bảo hiểm cháy, nổ bắt buộc liên quan đến trách nhiệm và mối quan hệ của 3 bên đó là: Doanh nghiệp kinh doanh bảo hiểm – Các cơ sở (chợ, trung tâm thương mại) có nguy hiểm về cháy nổ – Lực lượng Cảnh sát PCCC. Chính vì vậy, để nâng cao hiệu quả thực hiện chế độ bảo hiểm cháy, nổ bắt buộc thì cần phải có các văn bản pháp luật quy định cụ thể hóa trách nhiệm của các bên trong quá trình thực hiện, trong đó tập trung vào các hướng chính như: xác định rõ nguyên tắc kinh doanh bảo hiểm cháy, nổ bắt buộc; xác định mô hình quản lý kinh doanh bảo hiểm cháy, nổ, có thể giao cho một đơn vị bảo hiểm của Nhà nước kinh doanh bảo hiểm cháy nổ bắt buộc để việc quản lý kinh doanh và trích nguồn thu để tái đầu tư phục vụ cho công tác PCCC được tập trung và hiệu quả hơn; xây dựng quy chế phối hợp chặt chẽ giữa đơn vị kinh doanh bảo hiểm cháy nổ bắt buộc với lực lượng Cảnh sát PCCC trong việc thông báo danh sách công khai các cơ sở có nguy hiểm về cháy nổ, điều kiện đảm bảo an toàn PCCC, tình trạng công tác đảm bảo an toàn PCCC ở các cơ sở trong danh mục cơ sở có nguy hiểm về cháy nổ.

 

 Thứ hai: Nâng cao nhận thức và trách nhiệm của các cấp, các  ngành chức năng trong quản lý việc thực hiện chế độ bảo hiểm cháy, nổ bắt buộc.

 

– Lãnh đạo, chính quyền địa phương, các cơ quan chức năng, Ban quản lý các chợ, trung tâm thương mại cần nhận thức rõ tầm quan trọng của việc thực hiện chế độ bảo hiểm bắt buộc. Trên cơ sở các văn bản của Nhà nước quy định về chế độ bảo hiểm cháy nổ bắt buộc, cần nghiên cứu ban hành các văn bản chỉ đạo cụ thể để thống nhất thực hiện.

– Tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra xử lý nghiêm khắc những cơ sở vi phạm thực hiện chế độ bảo hiểm cháy, nổ bắt buộc.

– Phải coi việc thực hiện công tác quản lý thực hiện chế độ bảo hiểm cháy, nổ bắt buộc là một nhiệm vụ chính trị, một nội dung quan trọng và phải được quán triệt, thực hiện một cách nghiêm túc, thường xuyên.

 

 Thứ ba: Tăng cường tuyên truyền phổ biến rộng rãi về quyền lợi khi tham gia bảo hiểm cháy, nổ bắt buộc đến từng tiểu thương tại các chợ, trung tâm thương mại.

 

Nội dung tuyên truyền cần tập trung vào các nội dung liên quan trực tiếp tới quyền, lợi ích của các cá nhân, cơ sở kinh doanh, nâng cao nhận thức về các quy định có liên quan đến việc thực hiện chế độ bảo hiểm cháy nổ bắt buộc.

 

 Thứ tư: tăng cường công tác quản lý, chỉ đạo thực hiện chế độ bảo hiểm cháy, nổ bắt buộc tại các chợ, trung tâm thương mại.

 

Lực lượng Cảnh sát PCCC tập trung rà soát lập danh sách công khai các cơ sở có nguy hiểm về cháy nổ và phối hợp với các đơn vị kinh doanh bảo hiểm để tổ chức cho các cơ sở kinh doanh tại các chợ, trung tâm thương mại mua bảo hiểm theo đúng quy định. Đẩy mạnh việc cải cách các thủ tục hành chính, kiểm tra, đảm bảo giải quyết nhanh gọn các hồ sơ chứng nhận đủ điều kiện an toàn PCCC để các cơ sở hoàn chỉnh hồ sơ đăng ký mua bảo hiểm cháy, nổ bắt buộc.

 

 Thứ năm: Tăng cường công tác kiểm tra, xử lý vi phạm về bảo hiểm cháy, nổ bắt buộc tại các chợ, trung tâm thương mại.

 

Để việc thực hiện chế độ bảo hiểm cháy, nổ bắt buộc được hiệu quả thì việc tiến hành kiểm tra, xử lý các trường hợp vi phạm là cần thiết. Thông qua việc kiểm tra thường xuyên, đột xuất để phát hiện những trường hợp vi phạm, trốn tránh không mua bảo hiểm cháy nổ bắt buộc, hoặc lợi dụng để trục lợi cá nhân. Có hình thức xử lý nghiêm khắc đối với những hành vi vi phạm.

 

 Thứ sáu: Nâng cao trách nhiệm của các doanh nghiệp kinh doanh bảo hiểm cháy nổ bắt buộc.

 

Một trong những yếu tố quan trọng góp phần nâng cao hiệu quả thực hiện chế độ bảo hiểm cháy nổ bắt buộc là quan hệ phối hợp giữa các đơn vị kinh doanh bảo hiểm với các cơ quan chức năng trong quá trình quản lý, tổ chức thực hiện. Đặc biệt là quan hệ phối hợp giữa đơn vị kinh doanh bảo hiểm với lực lượng Cảnh sát PCCC trong công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức; khắc phục những tổn thất do rủi ro xảy ra trong đó đáng chú ý nhất là việc hoàn thiện các tiêu chí về thủ tục hồ sơ cho các cơ sở đảm bảo đủ điều kiện tham gia mua bảo hiểm.

 Trên đây là một số ý kiến trao đổi góp phần làm rõ những tồn tại, vướng mắc và những giải pháp cần thiết nhằm nâng cao hiệu quản thực hiện chế độ bảo hiểm cháy nổ bắt buộc tại các chợ, trung tâm thương mại hiện nay.

                                                 

                                                     Phạm Xuân Thu