Ông Nguyễn Văn Tiến, Chánh Thanh tra Bộ Lao động Thương binh và Xã hội cho rằng, nguyên nhân dẫn đến các vụ tai nạn lao động và cháy nổ chủ yếu vẫn do ý thức của người sử dụng lao động và người lao động, đặc biệt là doanh nghiệp nhỏ và vừa, hộ kinh doanh cá thể.
Kết quả thanh tra, kiểm tra hàng năm cho thấy, hầu hết doanh nghiệp đều chưa xây dựng kế hoạch an toàn vệ sinh lao động, thiếu dụng cụ bảo hộ lao động cá nhân, điều kiện môi trường tại nơi làm việc không đảm bảo, người lao động làm việc quá giờ, không đủ sức khỏe.
Kinh doanh ngành nghề may mặc – tiềm ẩn nguy cơ cháy cao
Cũng theo ông Nguyễn Văn Tiến, hàng năm, lực lượng Thanh tra của Bộ và địa phương tổ chức hàng nghìn lượt kiểm tra, xử lý doanh nghiệp vi pham, nhưng thực tế nhiều đơn vị còn xem nhẹ công tác phòng ngừa tai nạn và cháy nổ.
“Mỗi năm hệ thống thanh tra của ngành Lao động Thương binh Xã hội chỉ thanh tra được khoảng từ 3.000 đến 3.050 doanh nghiệp. Vì vậy các doanh nghiệp không được thanh tra kiểm tra thực hiện như thế nào thì bản thân người ta tự nhận thức. Đây là khó khăn lớn nhất” – ông Nguyễn Văn Tiến nói.
Tình hình cháy nổ dẫn đến thương vong trong các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất đã đến mức báo động, đặc biệt là trong ngành dệt may. Trong khi đó, số doanh nghiệp vi phạm Luật Phòng chống cháy nổ vẫn phổ biến.
Đại tá Đoàn Hữu Thắng, Phó Cục Trưởng Cục phòng cháy Chữa cháy Bộ Công an cho rằng, nhiều doanh nghiệp tận dụng quá mức mặt bằng không gian để làm xưởng sản xuất mà không chú trọng thiết kế lối ngăn cháy, vì vậy, mỗi lần phát lửa, đám cháy lan nhanh, thiệt hại lớn.
Theo Đại tá Đoàn Hữu Thắng: “Hiện nay việc giáo dục ý thức trách nhiệm của người lao động đối với doanh nghiệp thực chất là có vấn đề. Ý thức có cháy là chạy, nhiều doanh nghiệp đã mua bảo hiểm cháy rồi cho nên không quan tâm. Tôi cho rằng, việc này cần tuyên truyền để làm sao mọi người xem doanh nghiệp như nhà của mình”.
Theo qui định, mỗi khoa, phòng, ban chuyên môn trong doanh nghiệp, cơ sở sản xuất phải có ít nhất một an toàn vệ sinh viên kiêm nhiệm trong giờ làm việc. Thực tế, thời gian qua, mạng lưới này đã kịp thời phát hiện, ngăn chặn biểu hiện vi phạm pháp luật và các qui định về an toàn vệ sinh lao động tại cơ sở sản xuất. Tuy nhiên, tại nhiều đơn vị, doanh nghiệp vẫn chưa có an toàn vệ sinh viên, hoặc có nhưng hoạt động mờ nhạt.
Ông Mai Đức Chính, Phó Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam cho biết: Tăng cường phối hợp và hoạt động của mạng lưới an toàn vệ sinh viên trong thời gian tới cần được quan tâm: “Đội ngũ an toàn vệ sinh viên có vị trí hết sức quan trọng, là người nhắc nhở người lao động chấp hành các qui định, qui trình, qui phạm về an toàn vệ sinh lao động. Khi phát hiện có dấu hiệu vi phạm thì an toàn vệ sinh viên phải có nhắc nhỡ người lao động, nếu có vi phạm nghiêm trọng thì báo cáo cơ quan có thẩm quyền xem xét xử lý”.
Năm nay, Ban Chỉ đạo quốc gia về An toàn vệ sinh lao động, phòng chống cháy nổ đưa ra 8 giải pháp. Theo đó, yêu cầu các bộ nghành chức năng tăng cường kiểm tra, giám sát chặt chẽ; Đẩy mạnh tuyên truyền nâng cao ý thức phòng chống tai nạn lao động, cháy nổ tại cơ sở sản xuất kinh doanh; Triển khai tốt các hoạt động của Chương trình quốc gia về an toàn lao động, vệ sinh lao động năm 2014…
Giải pháp thì đã có nhưng để thực hiện đạt kết quả, mỗi người lao động, doanh nghiệp cần nêu cao ý thức, trách nhiệm trong công tác an toàn vệ sinh lao động, phòng cháy nổ tại nơi làm việc của mình.