Ngày 31/7/2014, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 79/2014/NĐ-CP quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Phòng cháy và chữa cháy (PCCC) và Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật PCCC (sau đây gọi tắt là Nghị định số 79/2014/NĐ-CP). Nghị định này ra đời thay thế Nghị định số 35/2003/NĐ-CP ngày 04/4/2003 quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật PCCC và Điều 1 Nghị định số 46/2012/NĐ-CP ngày 22/5/2012 sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 35/2003/NĐ-CP ngày 04/4/2003 quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật PCCC. Theo đó, Nghị định số 79/2014/NĐ-CP ngày 31/7/2014 sẽ có hiệu lực thi hành kể từ ngày 15/9/2014. Với sự ra đời của Nghị định này, là công cụ pháp lý, cơ sở vững chắc cho lực lượng Cảnh sát PCCC thực hiện nhiệm vụ quản lý nhà nước về PCCC trong tình hình hiện nay. Để các quy định tại Nghị định này sớm được tổ chức thực hiện ngay khi có hiệu lực pháp luật, theo chúng tôi cần chú ý một số vấn đề sau đây:
Một là, nhanh chóng triển khai tập huấn chuyên sâu các quy định của Nghị định số 79/2014/NĐ-CP, nhất là những điểm mới đã được cụ thể hóa Luật PCCC như kinh doanh dịch vụ PCCC; điều kiện an toàn về PCCC đối với cơ sở đặc thù (công trình cao tầng và nhà khung thép mái tôn); về lực lượng dân phòng, lực lượng PCCC cơ sở, lực lượng PCCC chuyên ngành và lực lượng tình nguyện… Cùng với đó, là quán triệt, hướng dẫn cụ thể những vấn đề còn bất cập trong các quy định về thẩm duyệt thiết kế về PCCC, phương án chữa cháy v.v… Đối tượng tập huấn là lãnh đạo đơn vị trực tiếp chỉ đạo công tác nghiệp vụ PCCC; cán bộ, chiến sĩ thuộc đơn vị kiểm tra, chữa cháy, tổng hợp… Việc tổ chức tập huấn chuyên sâu cần thiết được tiến hành trước khi có hiệu lực pháp luật. Có như vậy các quy định của Nghị định này mới sớm đi vào cuộc sống.
Hai là, cùng với việc triển khai tập huấn, cần tổ chức rà soát các quy định trong các văn bản pháp luật có mâu thuẫn, bất cập so với Luật PCCC cũng như Nghị định số 79/2014/NĐ-CP, để từ đó khẩn trương đề nghị sửa đổi, bổ sung hoặc ban hành mới văn bản hướng dẫn Nghị định số 79/2014/NĐ-CP, trong đó đặc biệt khẩn trương rà soát các quy định tại Thông tư số 11/2014/TT-BCA ngày 12/3/2014 quy định chi tiết thi hành một số điều của Nghị định số 35/2003/NĐ-CP và Nghị định số 46/2012/NĐ-CP ngày 22/5/2012 quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật PCCC. Vì thực tế ngày 15/9/2014 khi Nghị định số 79/2014/NĐ-CP có hiệu lực pháp luật, thay thế hoàn toàn Nghị định số 35/2003/NĐ-CP và Điều 1 Nghị định số 46/2012/NĐ-CP nên các quy định tại Thông tư 11/2014/TT-BCA sẽ có nhiều bất hợp lý cần sửa đổi, bổ sung như quy định về thẩm định thiết kế PCCC, quy định về phương án chữa cháy…
Ba là, để tạo nên một hệ thống các văn bản quy phạm pháp luật về PCCC đầy đủ, đồng bộ và khả thi, cùng với việc rà soát, sửa đổi, bổ sung hoặc ban hành văn bản mới hướng dẫn thực hiện Nghị định số 79/2014/NĐ-CP, các đơn vị như Bộ Công an, Bộ Tài chính, Bộ Xây dựng, Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội, Bộ Giáo dục và Đào tạo trong phạm vi chức năng, nhiệm vụ của mình hướng dẫn thực hiện Nghị định này, cụ thể:
Bộ Giáo dục và Đào tạo chủ trì, phối hợp với Bộ Công an xây dựng nội dung, thời lượng bồi dưỡng kiến thức, kỹ năng về PCCC để lồng ghép vào chương trình giảng dạy, hoạt động ngoại khóa trong nhà trường và cơ sở giáo dục khác phù hợp với từng cấp học, ngành học;
Bộ Tài chính chủ trì, thống nhất với Bộ Công an quy định việc thu và sử dụng phí thẩm duyệt thiết kế về PCCC. Phí này được xác định trong tổng mức đầu tư của dự án, công trình và phương tiện giao thông cơ giới;
Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội chủ trì, phối hợp với Bộ Công an, Bộ Tài chính, các cơ quan liên quan hướng dẫn thực hiện chế độ, chính sách đối với người tham gia chữa cháy và đối với cán bộ, đội viên đội dân phòng, đội PCCC cơ sở và chuyên ngành;
Đối với Bộ Công an, trong phạm vi chức năng, nhiệm vụ của mình cũng rà soát, sửa đổi, bổ sung hoặc cần thiết ban hành các văn bản hướng dẫn thực hiện Nghị định này như quy định cụ thể mẫu, thủ tục và phân cấp thẩm quyền cấp giấy phép vận chuyển chất, hàng nguy hiểm về cháy, nổ; quy định về phân cấp thẩm duyệt thiết kế về PCCC đối với dự án, công trình, phương tiện giao thông cơ giới có yêu cầu đặc biệt về bảo đảm an toàn PCCC, hướng dẫn nội dung và trình tự thẩm duyệt thiết kế về PCCC; thủ tục kiểm tra an toàn về PCCC; mẫu quyết định và thủ tục tạm đình chỉ, đình chỉ hoạt động; mẫu quyết định và thủ tục phục hồi hoạt động; quy định về 02 mẫu phương án chữa cháy, về thẩm quyền phê duyệt phương án chữa cháy; quy định mẫu, chế độ quản lý, sử dụng lệnh huy động lực lượng, phương tiện, tài sản để chữa cháy và thủ tục huy động; về chương trình, nội dung, thời gian huấn luyện, bồi dưỡng nghiệp vụ về PCCC; quy định mẫu, chế độ quản lý, sử dụng quyết định điều động lực lượng dân phòng, lực lượng PCCC cơ sở và chuyên ngành tham gia hoạt động PCCC và thủ tục điều động; quy định định mức, tiêu chuẩn trang bị phương tiện PCCC cho lực lượng Cảnh sát PCCC…
Bốn là, trong hoạt động kinh doanh dịch vụ PCCC, để tham gia vào lĩnh vực này, chủ thể là các doanh nghiệp, cơ sở phải có cá nhân đủ điều kiện hành nghề, trong đó phải có văn bằng, chứng chỉ bồi dưỡng kiến thức về PCCC và để có văn bằng, chứng chỉ này phải qua lớp bồi dưỡng 6 tháng. Do đó, cần sớm có hướng dẫn cụ thể về nội dung, chương trình đào tạo cũng như thẩm quyền cấp các loại chứng chỉ theo Khoản 2 Điều 47 của Nghị định số 79/2014/NĐ-CP, bởi vì kể từ ngày có hiệu lực của Nghị định này thì các doanh nghiệp, cơ sở đang kinh doanh dịch vụ PCCC phải đến cơ quan Cảnh sát PCCC để được xác nhận và cấp giấy xác nhận đủ điều kiện kinh doanh dịch vụ PCCC…
TS Hoàng Ngọc Hải