Đến 2h45 sáng 19/9, đám cháy tại công ty Sakata tại Bình Dương cơ bản được dập tắt nhưng toàn bộ khu nhà xưởng rộng khoảng 4.000 m2 đã bị thiêu rụi. Thiệt hại từ vụ cháy tuy chưa thống kê nhưng được cho là rất lớn do hàng trăm tấn hóa chất, dung môi cùng rất nhiều mực in thành phẩm, tài liệu… bị cháy rụi, nhà xưởng đổ nát.
Cơ quan chức năng thông tin, do xưởng chứa hàng trăm tấn hoá chất, mực in, aceton, bồn nhựa… đều là nguyên vật liệu dễ cháy nên lính cứu hỏa phải dùng bọt xốp để khống chế. Tuy nhiên, sức nóng của ngọn lửa đã làm nhiều bồn, phuy chứa hoá chất nổ tung, khiến hoá chất chảy tràn dưới mặt đất, lửa càng dễ dàng lan nhanh.
“Nhiều hoá chất nhẹ hơn nước, lửa cháy trên bề mặt. Nếu dùng nước bình thường chữa cháy thì càng tiếp sức cho ngọn lửa lan nhanh hơn. Rất có thể ngay từ đầu, việc chữa cháy tại chỗ bằng nước khiến hoá chất nhẹ nằm bên trên làm ngọn lửa cháy lan nhanh toàn bộ nhà xưởng”, Thượng tá Vũ Thanh Tâm, Cảnh sát PCCC Bình Dương nhận định.
Vị thượng tá này cho biết thêm, khi cháy nhiều tiếng nổ long trời phát ra. Nhiều mực in, hoá chất bị đun nóng trước đó bắn văng xa tạo thành những cột lửa cao. Từ hàng trăm mét vẫn cảm nhận được sức ép và nhiệt độ của những vụ nổ.
Để đảm bào an toàn, các lính cứu hoả đã phải giữ khoảng cách khi tác nghiệp. Ở những khu vực cháy khó tiếp cận, xe thang của Cảnh sát PCCC tỉnh Bình Dương đã tiếp cận từ trên cao. Hàng tấn hoá chất chữa cháy đã được phun xịt vào đám lửa nhưng trong khoảng 5 giờ đầu xảy hỏa hoạn, ngọn lửa quá mạnh, không thể khống chế ngay.
Cũng theo ông Tâm, tỉnh này đã điều động 100% quân số tham gia chữa cháy. TP HCM và Đồng Nai cũng huy động hơn 100 lính cứu hoả cùng hàng chục phương tiện hỗ trợ.
Hiện nguyên nhân và thiệt hại của vụ cháy vẫn đang được cơ quan chức năng tỉnh Bình Dương xác định.
Trước đó, khoảng 16h ngày18/9, trong lúc 200 công nhân đang làm việc thì một tiếng nổ kinh hoàng xảy ra tại khu chứa nguyên liệu, các công nhân hoảng loạn chạy ra ngoài. Mọi người huy động bình chữa cháy dập lửa nhưng bất thành. Đám cháy bén vào các vật dụng dễ bắt lửa và lan nhanh khiến việc chữa cháy diễn ra trong nhiều giờ.
Công ty mực in Sakata (có 100% vốn Nhật Bản), có tổng số vốn đầu tư 14,5 triệu USD, đã đi vào hoạt động được khoảng 10 năm, chuyên sản xuất các loại mực in chủ yếu cung cấp cho thị trường trong nước và một phần xuất khẩu.
ST. (Theo vnexpress.net)