Thực hiện chương trình công tác năm học của nhà trường và của Bộ môn Pháp luật, Nghiệp vụ Công an, ngày 03 tháng 11 năm 2014, Bộ môn Pháp luật, Nghiệp vụ Công an đã tổ chức làm việc cùng 27 nhóm sinh viên NCKH. Mục đích của việc tổ chức gặp gỡ, làm việc với các nhóm sinh viên NCKH là để hướng dẫn các nhóm xây dựng đề cương nghiên cứu, hướng dẫn các kỹ năng cần thiết cho việc thực hiện đề tài sinh viên NCKH cũng như phổ biến, cập nhật các văn bản quy phạm pháp luật về PCCC mới được ban hành có liên quan đến việc thực hiện đề tài; trên cơ sở đó, giao nhiệm vụ để các nhóm sinh viên triển khai kế hoạch thực hiện các đề tài đã được đồng chí Hiệu trưởng và Hội đồng xét duyệt. Đến dự với các nhóm sinh viên NCKH có đồng chí Trung tá, TS Hoàng Ngọc Hải – Trưởng Bộ môn Pháp luật, Nghiệp vụ Công an cùng các thầy giáo là lãnh đạo đơn vị và các thầy, cô giáo là giáo viên hướng dẫn sinh viên NCKH.
Để việc thực hiện việc triển khai đề tài có chất lượng, đồng chí Trung tá, TS Hoàng Ngọc Hải – Trưởng Bộ môn Pháp luật, Nghiệp vụ Công an đã phổ biến các văn bản quy phạm pháp luật mới để các nhóm đề tài chú ý cập nhật và sử dụng tham khảo. Vì các nhóm đề tài sinh viên đều xoay quanh các quy định có liên quan đến pháp luật về PCCC; xử phạt vi phạm hành chính; phổ biến, giáo dục pháp luật về PCCC; các biện pháp công tác Công an vận dụng trong công tác PCCC v.v… nên nội dung mà đồng chí Trưởng Bộ môn Pháp luật, Nghiệp vụ giới thiệu bao gồm: Hiến pháp nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam năm 2013; Luật Xử lý vi phạm hành chính năm 2012; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật PCCC năm 2013; Luật Phổ biến, giáo dục pháp luật; Nghị định số 79/2014/NĐ-CP; Nghị định số 167/2013/NĐ-CP; Nghị định số 41/2014/NĐ-CP…. Ngoài ra, đồng chí Trưởng Bộ môn cũng lưu ý các nhóm sinh viên NCKH loại bỏ những văn bản đã hết hiệu lực hoặc những văn bản có sửa đổi, bổ sung…
Sau khi đồng chí Trưởng Bộ môn phổ biến, giới thiệu các văn bản quy phạm pháp luật mới liên quan đến việc tổ chức thực hiện các đề tài NCKH, đại diện các nhóm trình bày đề cương nghiên cứu của đề tài trên các khía cạnh như lý do nghiên cứu; mục đích, nhiệm vụ nghiên cứu; đối tượng, phạm vi nghiên cứu; phương pháp nghiên cứu. Ngoài các nội dung trên, các nhóm trình bày vắn tắt các nội dung dự kiến triển khai nghiên cứu. Lần lượt 27 nhóm sinh viên NCKH đã trình bày các nội dung cơ bản theo đề cương nghiên cứu; sau đó các đồng chí giáo viên của Bộ môn Pháp luật, Nghiệp vụ Công an đã góp ý để học viên tiếp thu và rút kinh nghiệm trong quá trình thực hiện đề tài. Đại diện các nhóm trình bày một cách lưu loát, có phản biện, giải thích những ý tưởng hay. Có nhiều đề tài mới và khó tiếp cận, song các nhóm đều thể hiện sự quyết tâm và hứa hoàn thành xuất sắc các nhiệm vụ đặt ra. Điển hình như các nhóm đề tài: Nâng cao vai trò của lực lượng Cảnh sát PCCC trong việc hình thành kiến thức và kỹ năng cơ bản về PCCC và thoát hiểm cho các hộ kinh doanh, trung tâm thương mại trên địa bàn thành phố Hà Nội; Vai trò của chính quyền địa phương trong công tác PCCC trên địa bàn tỉnh Phú Yên; Một số giải pháp phòng ngừa vi phạm pháp luật về PCCC theo chức năng của lực lượng Cảnh sát PCCC tỉnh Ninh Bình; Những yếu tố tác động đến quá trình xây dựng, nhân rộng mô hình cụm cơ quan, doanh nghiệp an toàn về PCCC trên địa bàn thành phố Hải Phòng; Những khó khăn, vướng mắc trong quá trình áp dụng Nghị định số 167/2013/NĐ-CP vào xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực PCCC trên địa bàn thành phố Hồ Chí Minh;… Trong 27 nhóm sinh viên NCKH do giáo viên Bộ môn Pháp luật, Nghiệp vụ Công an hướng dẫn, có 01 nhóm sinh viên của Khóa DS4 tham gia được Bộ môn đánh giá cao và khuyến khích các nhóm sinh viên ngoài ngành Công an tham gia nhiều hơn nữa, để góp phần nâng cao chất lượng đào tạo cũng như làm quen với các hoạt động nghiên cứu khoa học.
Sau khi học viên trình bày đề cương nghiên cứu và giáo viên của Bộ môn góp ý, các nhóm đều thể hiện tinh thần quyết tâm, sẽ hoàn thành đề tài đúng tiến độ và bảo đảm chất lượng tốt nhất. Kết thúc buổi làm việc đồng chí đã đánh giá cao tinh thần quyết tâm của các nhóm, sự nghiêm túc trong quá trình thực hiện, dù không có nhiều thời gian nhưng các nhóm đã cơ bản hoàn thành được các đề cương nghiên cứu. Tuy nhiên, đồng chí cũng chỉ rõ những hạn chế để các nhóm chú ý khi triển khai thực hiện đề tài, nhất là phải làm rõ lý do nghiên cứu, mục đích và nhiệm vụ nghiên cứu; về nội dung nghiên cứu, dưới sự hướng dẫn của giáo viên, đề nghị các nhóm thực hiện theo mục đích và nhiệm vụ mà đề tài đặt ra; trên cơ sở đó, yêu cầu các nhóm triển khai thực hiện và 2 tháng 1 lần Bộ môn sẽ kiểm tra tiến độ và nhắc nhở các nhóm hoàn thành đùng thời gian mà nhà trường quy định.
Hoàng Hải