Hiểm nguy rình rập…!
Theo thống kê của Bộ Công an, trong 10 năm trở lại đây, cả nước đã xảy ra 16.767 vụ cháy ở các nhà máy, xí nghiệp, kho tàng, cơ quan, trường học, bệnh viện, nhà dân và làm chết 688 người, bị thương 1,848 người. Trung bình hàng năm có đến 254 người bị nạn do cháy, nổ gây ra. Và số vụ cháy cũng như người bị nạn do cháy, nổ ngày càng gia tăng. Trong những vụ cháy đó, có không ít nạn nhân là những em nhỏ, không thể cứu được chính bản thân mình. Như vụ cháy sáng ngày 26/7/2013, tại cửa hàng vàng Đức Anh, số nhà 49 tổ 10, khu 3, đường 25/4, phường Hồng Gai, Thành phố Hạ Long, tỉnh Quảng Ninh. Vụ cháy làm 5 người bị chết, 4 người bị thương nặng. Trong đó có 4 cháu nhỏ thiệt mạng. Chủ cửa hàng là anh Nguyễn Tiến Đức (sinh năm 1979) chỉ kịp cứu con nhỏ 6 tháng tuổi cùng vợ là Mai Thị Anh (sn 1978) nhảy qua cửa sổ tầng 3 của tòa nhà để thoát nạn.
Trưa ngày 3/6/2014, xảy ra cháy tại cơ sở thu mua phế liệu nằm trên hẻm 551, thuộc đường Lê Văn Khương (phường Hiệp Thành, Quận 12, thành phố Hồ Chí Minh). Đáng chú ý, vụ cháy khiến hơn 20 trẻ mầm non đang theo học tại lớp mầm non Hồng Mai cạnh cơ sở cháy suýt bị chết ngạt do bị ngạt khói.
Ngày 12/11/2014, xảy ra cháy tại tầng 3 của tòa nhà bán đồ ăn nhanh tại số 1 Nguyễn Quý Đức (Thanh Xuân, Hà Nội). Trong lúc xảy ra cháy, trong trường THPT Hồ Xuân Hương liền kề nhà hàng có hàng trăm học sinh đang ngồi học, nhiều học sinh trường ở liền kề đám cháy đã phải sơ tán ra ngoài. May mắn không có thiệt hại về người.
Sáng ngày 18/5/2015, hỏa hoạn đã bùng lên từ một tiệm bánh mì tại khu vực chợ Phùng Khoang (xã Trung Văn, Nam Từ Liêm, Hà Nội) làm 4 người trong một gia đình gặp nạn, trong đó anh Phạm Văn Doanh (chủ tiệm bánh mì) thiệt mạng tại chỗ, vợ và hai con nhỏ bị bỏng nặng, nguy kịch.
Ngày 22/5/2015, là vụ cháy xảy ra tại trường THCS Trần Hưng Đạo (đóng tại đường 30/4, P.Trung Dũng, TP Biên Hòa, Đồng Nai) khiến hàng trăm học sinh hoảng sợ bỏ chạy ra ngoài. Ngọn lửa xuất phát từ kho đựng thiết bị của nhà trường….
Nhà trường đã trang bị đầy đủ các kỹ năng cần thiết cho học sinh ?
Qua những vụ cháy trên, chúng ta có thể nhận thấy rõ về nguy cơ các em nhỏ phải đôi mặt với cháy, nổ hiện nay. Các em đã thực sự được trang bị đầy đủ kiến thức về phòng cháy cũng như thoát nạn, thoát hiểm khi phải đối mặt với cháy, nổ?
Khảo sát của nhóm phóng viên tại một số cơ sở giáo dục trên địa bàn thành phố Hà Nội, việc dạy kỹ năng cho học sinh hầu như chỉ tập trung tại một số cơ sở giáo dục ngoài công lập. Tại các trường công lập, nhà trường chủ yếu vẫn chú trọng việc “dạy chữ”.
Nắm bắt được những nguy cơ do cháy, nổ gây ra, hiện nay tại một số trường cũng đã bắt đầu đưa các tiết học kỹ năng sống về phòng cháy, chữa cháy vào chương trình học. Tuy nhiên cho đến nay, Bộ Giáo dục và đào tạo vẫn chưa có một bộ chuẩn về giáo dục kỹ năng sống, kỹ năng phòng vệ cho học sinh nên các trường vẫn đang “tự bơi”, mỗi nơi dạy một kiểu. Chính vì thế, việc giáo dục kỹ năng này hoặc chỉ dừng lại ở các tiết học giáo dục công dân hoặc bị bỏ lửng hoàn toàn. Những bài giảng trên lớp chỉ có thể giúp các em hình dung chứ chưa chú trọng áp dụng trong thực tế. Theo cô Y. Hiệu trưởng một trường tiểu học công lập trên địa bàn Quận Cầu Giấy: Nguy cơ cháy, nổ trong trường học trên thực tế là có thể xảy ra, nhà trường rất quan tâm tuy nhiên việc triển khai dạy các con như thế nào là vấn đề quan trọng, ngay cả các thầy, cô trong nhà trường cũng không được trang bị đầy đủ kiến thức về phòng cháy, chữa cháy”.
Trên thực tế, hàng năm Phòng Cảnh sát Phòng cháy chữa cháy khu vực có đưa nội dung tập huấn về cháy, nổ tới các trường trên địa bàn nhưng chủ yếu là tập huấn cho một vài giáo viên, mà đa số giáo viên đi học là nữ vì thiếu biên chế nam. Thêm nữa , việc các thầy, cô nghe và áp dụng cho bản thân đã vô cùng khó liệu có thể mang kiến thức đấy về để truyền tải lại cho học sinh trong nhà trường? - Gặp và hỏi một cô giáo tại trường THCS Y.H trên địa bàn quận Cầu Giấy, Hà Nội đã được tham gia tập huấn, về cách sử dụng bình chữa cháy thì phóng viên nhận thấy rõ sự lúng túng trong thao tác.
Tại một số trường, phóng viên nhận thấy có đưa nội dung thực hành các tình huống xử lý khi xảy ra cháy, nổ và các thầy, cô trực tiếp hướng dẫn học sinh cách di chuyển thoát nạn tuy nhiên kiến thức hướng dẫn đó không bài bản, chỉ trong phạm vi “biết đến đâu, dạy đến đó” của giáo viên trong nhà trường.
Vậy ngay từ giáo viên không được trang bị đầy đủ các kiến thức về phòng cháy chữa cháy, thoát nạn, thoát hiểm thì liệu có thể truyền tải lại kiến thức này cho các em học sinh?
Cần tăng cường kỹ năng về phòng cháy, chữa cháy cho trẻ em
Theo đồng chí Thượng úy Đỗ Tuấn Anh – Tổ trưởng tổ Giáo dục, Trung tâm Ứng dụng nghiên cứu khoa học kỹ thuật thuộc trường Đại học Phòng cháy chữa cháy cho biết: Tâm lý hoảng sợ khi đối mặt với đám cháy chính là nguyên nhân hàng đầu khiến các em trở thành những nạn nhân dễ bị kẹt lại trong các đám cháy nhất và nguy hiểm đến tính mạng. Chính vì vậy, việc trang bị kỹ năng về phòng cháy, chữa cháy và thoát nạn, thoát hiểm cho các em nhỏ hiện nay là vô cùng cần thiết và cấp thiết”.
Thực tế cho thấy, việc các trường bắt đầu quan tâm bằng việc đưa kỹ năng sống vào trường học là vô cùng cần thiết, tuy nhiên, dạy cái gì, dạy như thế nào lại là điều cần phải bàn.
Theo các chuyên gia trong lĩnh vực phòng cháy chữa cháy, để giúp các em học sinh biết cách xử lý tình huống khi gặp các sự cố cháy, nổ, các em cần được trang bị những kiến thức về PCCC ngay từ những lứa tiểu học, thậm chí mầm non, giúp các em xây dựng thành những phản xạ bản thân, bình tĩnh xử lý tình huống.… Ngoài ra, việc dạy và truyền đạt cho đối tượng là trẻ em cần các cơ quan chức năng thực sự vào cuộc, nghiên cứu, tham mưu cho Bộ Giáo dục và đào tạo, xây dựng và đưa ra những nội dung, kiến thức phù hợp.
Trong khi chờ đợi “bộ chuẩn về giáo dục kỹ năng sống, kỹ năng phòng vệ” cho học sinh nhà trường, các gia đình có thể tự trang bị kiến thức cho con em mình bằng cách chọn lựa cho các em tham gia vào những lớp học kỹ năng sống, kỹ năng phòng vệ tại những trung tâm uy tín về lĩnh vực đào tạo phòng cháy, chữa cháy.
Việc trang bị đầy đủ những kiến thức về cháy, nổ hay những kỹ năng về phòng cháy, chữa cháy chính là hành trang cho các em trong cuộc sống sau này!
Thái Thụy -Tuấn Anh