Ngày 30/4/1975, miền Nam hoàn toàn giải phóng, Sở Cứu hỏa Đô thành Sài Gòn được chính quyền cách mạng tiếp quản trở thành Phòng Cảnh sát Phòng cháy và chữa cháy (PC&CC) – Công an TP Hồ Chí Minh. Quân số ban đầu của đơn vị gồm 11 đồng chí được chi viện từ miền Bắc và tiếp nhận 359 nhân viên của chế độ cũ đã được cải tạo, giáo dục; cơ sở vật chất thiếu thốn, lạc hậu. Trước sự phát triển kinh tế của địa bàn thành phố, nhằm đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ trong công tác PCCC, ngày 15/5/2006, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 719/QĐ-TTg thí điểm thành lập Sở Cảnh sát PC&CC TP Hồ Chí Minh – Đơn vị đầu tiên với mô hình thí điểm của Sở Cảnh sát PC&CC. Qua 40 năm xây dựng, chiến đấu và trưởng thành, Cảnh sát PC&CC TP Hồ Chí Minh đã đạt được nhiều thành tích, chiến công xuất sắc.
Là đơn vị tiên phong trong công tác tham mưu, nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước trong công tác PCCC, đơn vị đã tham mưu cho Công an Thành phố, Thành ủy, UBND Thành phố và Bộ Công an báo cáo Chính phủ quyết định thành lập đơn vị Cảnh sát PC&CC độc lập trực thuộc Bộ Công an. Trong điều kiện nhiều văn bản quy phạm pháp luật chưa điều chỉnh, thay đổi để phục vụ công tác quản lý nhà nước phù hợp với chức năng, nhiệm vụ mới được giao, đơn vị đã chủ động tham mưu ban hành các văn bản quy phạm pháp luật. Mỗi năm, đã kịp thời tham mưu cho lãnh đạo các cấp ban hành hàng trăm văn bản chỉ đạo về công tác PCCC&CNCH trên địa bàn thành phố.
Với mục tiêu, đẩy mạnh công tác tuyên truyền, nâng cao hiệu quả công tác phòng cháy trên địa bàn thành phố, Cảnh sát PC&CC TP Hồ Chí Minh là đơn vị đầu tiên trong lực lượng Cảnh sát PC&CC xuất bản Trang thông tin điện từ (Website); xây dựng chuyên mục “Toàn dân PCCC” phát sóng đều đặn hàng tuần trên HTV1; Phối hợp với kênh VOV giao thông lắp đặt camera để nắm bắt tình hình cháy nổ trên địa bàn thành phố; Biên tập và phối hợp sản xuất chuyên mục “Hồ sơ 114” tuyên truyền về công tác PCCC phát sóng trên kênh VOV giao thông;… Do đó đã tạo bước đột phá trong phong trào Toàn dân PCCC, 70% số vụ cháy trên địa bàn được dập tắt ngay từ khi mới phát sinh.
Đã tham mưu Bộ Công an và UBND TP Hồ Chí Minh tổ chức diễn tập nhiều phương án chữa cháy và CNCH cấp Bộ, cấp Thành phố và cấp Quốc gia với nhiều lực lượng, phương tiện tham gia, đã được toàn lực lượng và các cấp ghi nhận, được nhân dân đồng tình ủng hộ. Đáng chú ý nhất phải kể tới cuộc diễn tập chữa cháy và CNCH đường hầm Thủ Thiêm vượt sông Sài Gòn vào 20/10/2011; tổ chức diễn tập cấp quốc gia về phương án chữa cháy và tìm kiếm CNCH (tại Tòa nhà Diamond Plaza) vào ngày 14/8/2013; diễn tập phương án chữa cháy và CNCH trên sông vào ban đêm đối với tàu du lịch Bến Nghé SG.1242 vào tối ngày 19/12/2014….
Công tác thẩm duyệt về PCCC được chú trọng và thực hiện có hiệu quả. Công tác cải cách các thủ tục hành chính đã có những bước “đột phá”, giảm phiền hà cho nhân dân; tổ chức việc tiếp nhận và giải quyết hồ sơ về thẩm duyệt thiết kế và cấp các loại giấy chứng nhận, giấy phép vận chuyển chất, hàng nguy hiểm cháy, nổ cả các buổi sáng thứ 7 hàng tuần; công tác tiếp dân, giải quyết các công việc hành chính luôn vui vẻ, lịch sự, ân cần, tạo được niềm tin và được nhân dân, doanh nghiệp ủng hộ.
Tiên phong trong công tác chữa cháy; mưu trí, dũng cảm, xung kích chiến đấu trong các vụ cháy lớn của khu vực miền Nam, những năm sau giải phóng, Cảnh sát PC&CC TP Hồ Chí Minh đã kịp thời dập tắt đám cháy hàng nghìn căn nhà, bảo vệ ngăn chặn không cho cháy lan, cháy lớn; cứu tài sản của nhân dân và nhà nước trị giá hàng tỷ đồng, hàng ngàn tấn đạn dược vũ khí được bảo vệ, hàng chục ghe, tàu, thuyền, hàng trăm xác nạn nhân bị chìm được trục vớt và đưa lên bờ an toàn…Nhân dịp Quốc khánh (2/9/1979), lực lượng Cảnh sát PC&CC TP Hồ Chí Minh đã vinh dự được Chủ tịch nước Tôn Đức Thắng tặng hoa khen ngợi.
Thực hiện khẩu hiệu “phòng cháy tốt, chữa cháy giỏi” lực lượng Cảnh sát chữa cháy đã lập nên những chiến công xuất sắc, điển hình như: Cứu chữa vụ cháy Trạm biến thế 180 KVA vào lúc 12 giờ, ngày 25/9/1984 tại ấp 3, thị trấn Thủ Đức. Chữa cháy tại số nhà 62 Tô Hiến Thành phường 15, quận 10 vào lúc 18 giờ 13 phút, ngày 11/3/1991. Vụ cháy khu dân cư Phú Thọ, phường 5, quận 11, thiêu hủy hoàn toàn 78 căn nhà vào lúc 1 giờ 45 phút, ngày 11/5/1991. Chữa cháy xe chở hóa chất Hydro Sunfit tại kho số 19, đường Nguyễn Biểu, phường 1, quận 5. Vụ cháy tại số nhà 240/37D đường Nguyễn Văn Luông, phường 11, quận 6 xảy ra hồi 23 giờ 28 phút, ngày 27/4/2007…
Chỉ tính riêng trong gần 10 năm thành lập, Cảnh sát PC&CC TP Hồ Chí Minh đã xuất 23.740 lượt xe, tàu chữa cháy với hơn 14.688 lượt cán bộ, chiến sỹ trực tiếp cứu chữa 2743 vụ cháy lớn, nhỏ đạt yêu cầu cao, làm giảm thiệt hại về người và tài sản của Nhà nước, nhân dân. Tổ chức CNCH 785 vụ, cứu sống được 283 người, đưa 1788 người tránh bão an toàn, tổ chức tìm kiếm được 330 thi thể nạn nhân, lặn tìm được 37 mảnh xương người các loại giao cho các cơ quan chức năng địa phương và gia đình xử lý; phối hợp Công an thành phố lặn tìm tang vật (18 vụ án do đối tượng phi tang tang vật) phục vụ công tác điều tra xử lý tội phạm….
Cảnh sát PC&CC TP. Hồ Chí Minh còn là đơn vị tiên phong trong việc tham gia chi viện chữa cháy cho các tỉnh, thành lân cận, được quần chúng nhân dân và các địa phương tin cậy, yêu mến. Điển hình là các vụ: Vụ chữa cháy kho đạn Long Bình (Đồng Nai); chữa cháy kho đạn Sân bay Tân Sơn Nhất; chữa cháy kho đạn Đồng Tâm, Tây Ninh, Đồng Nai, Đồng Dù, Củ Chi, Nhà máy đường Biên Hòa, chữa cháy tàu hàng Liên Xô, tàu quân sự Cộng hòa dân chủ Đức, tàu Nhật Lệ…. Đặc biệt là việc tham gia chi viện và chữa cháy rừng tràm nguyên sinh U Minh Thượng và U Minh Hạ với tinh thần “vì nước quên thân, vì nhân dân phục vụ”, cán bộ, chiến sỹ đơn vị quyết tâm cao độ, phối hợp tổ chức chữa cháy, bảo vệ được nhiều diện tích rừng có giá trị.
Mưu trí, sáng tạo, gan dạ, cơ động và hiệu quả trong công tác CNCH; Cảnh sát PC&CC TP Hồ Chí Minh đã khẳng định vai trò, vị trí của lực lượng CAND trong công tác CNCH. Cán bộ, chiến sỹ luôn thể hiện tinh thần gan dạ, mưu trí, dũng cảm, ý thức tổ chức kỷ luật cao đã thực hiện hàng trăm vụ việc khẩn cấp và nguy hiểm cứu sống hàng chục người, vớt hàng trăm xác nạn nhân… Không chỉ trong đám cháy, đơn vị đã thực hiện công tác CNCH trong tất cả các trường hợp như tai nạn, sự cố, thiên tai lũ lụt và là đơn vị tiên phong, đi đầu trong cả nước, thực hiện công tác CNCH cho cả khu vực, tiêu biểu như: Trong quá trình lặn mò tìm tang vật vụ án Nghệ sĩ Thanh Nga năm 1979 đã khiến 02 chiến sỹ là Võ Quang Hà và Nguyễn Văn Bảy hy sinh sau nhiều giờ đồng hồ ngâm mình dưới sông Sài Gòn đoạn cầu Bình Lợi để tìm tang vật. Ngày 23/5/2008, kịp thời CNCH tai nạn sập hầm nước tại Tổng công ty cấp nước Sawaco (Quận 3, TP Hồ Chí Minh), cứu sống 14 nạn nhân bị rơi xuống hầm sâu. Nỗ lực và xuất sắc CNCH vụ chìm tàu Dìn Ký vào lúc 19 giờ 30 phút, ngày 20/5/2011, tại sông Sài Gòn, xã Bình Nhâm, thị xã Thuận An, tỉnh Bình Dương. Trong điều kiện thời tiết bất lợi (ban đêm, trời đang mưa to, gió giật mạnh), các kế hoạch CNCH vẫn nhanh chóng được triển khai, qua hơn 20 giờ lặn tìm, với bán kính hơn 1km, trong dòng nước chảy xiết và thủy triều lên, lực lượng đã tìm được 16 thi thể nạn nhân ở độ sâu 21m nước. Tích cực, chủ động phối hợp CNCH 12 nạn nhân mắc kẹt trong vụ sập hầm dẫn nước có chiều dài 700m của công trình thủy điện Đa Dâng, huyện Lạc Dương, tỉnh Lâm Đồng…
Lực lượng Cảnh sát PC&CC TP Hồ Chí Minh là một trong những đơn vị tiên phong tham gia nghĩa vụ và công tác hợp tác quốc tế. Từ 1979 – 1987, lực lượng Cảnh sát PCCC đã có hàng chục lượt cán bộ, chiến sỹ, hàng trăm lượt phương tiện được cử và đưa sang giúp đỡ nước bạn Campuchia khắc phục hậu quả chiến tranh và tái thiết đất nước. Không chỉ trực tiếp cứu chữa hiệu quả trên 200 vụ cháy đạt kết quả tốt cho nước bạn mà còn đào tạo hàng chục lớp với hàng trăm cán bộ, chiến sỹ PCCC, cán bộ quản lý công tác PCCC và chuyển giao kinh nghiệm, phương tiện chữa cháy cho bạn. Trực tiếp tổ chức huấn luyện xây dựng hàng trăm đội PCCC quần chúng, góp phần làm giảm thiệt hại về người và tài sản, bảo vệ tốt an ninh chính trị và trật tự an toàn xã hội, củng cố vững chắc chính quyền cách mạng tại Thủ đô Phnôm–pênh, thắt chặt tình cảm gắn bó giữa 2 nước Việt Nam – Campuchia.
Đã tổ chức các hoạt động đón tiếp các đoàn khách quốc tế đến làm việc tại đơn vị; cử các đoàn công tác đến các nước Hoa Kỳ, Đức, Pháp, Nhật Bản, Trung Quốc, Belarutxia, Hà Lan, Bỉ… để nghiên cứu, tìm hiểu về: mô hình tổ chức, biên chế về lực lượng, phương tiện chữa cháy và CNCH; mô hình huấn luyện đào tạo; trang thiết bị dụng cụ phương tiện cho lực lượng PCCC; các phương tiện nghe, nhìn phục vụ công tác chữa cháy và CNCH công nghệ mới; các Trung tâm huấn luyện, Trung tâm Thông tin chỉ huy, các tiêu chuẩn an toàn PCCC, đặc biệt các tiêu chuẩn đối với các công trình mà Việt Nam chưa có; cách điều hành, sự phối hợp của các lực lượng trong việc xử lý các sự cố cháy, nổ và CNCH… Qua đó đã tìm hiểu được nhiều loại phương tiện chữa cháy và CNCH công nghệ mới của các nước tiên tiến trên thế giới đang sử dụng, như: công nghệ chữa cháy 1-7 (one-seven); công nghệ CAFS, xe thang có gắn thiết bị định vị và tự cân bằng ở mọi địa hình, Robot chữa cháy, các phương tiện dò tìm dưới đống đổ nát, camera quan sát đám cháy, xác định gỗ lửa, tìm kiếm người dưới nước, nghiên cứu, chế tạo xe chữa cháy loại nhỏ phù hợp với khu vực dân cư có hệ thống giao thông nhỏ, hẹp… để áp dụng cho thực tế của thành phố và tham mưu nhân rộng trên cả nước.
Cảnh sát PC&CC TP Hồ Chí Minh là đơn vị đi đầu trong việc thực hiện tổ chức mô hình thí điểm đầu tiên, tiêu biểu của Cảnh sát PC&CC cả nước. Với chức năng, nhiệm vụ được phân công, đơn vị tham mưu Bộ Công an ban hành Quyết định số 2658/2008/QĐ-X11 ngày 04/8/2008 về quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và tổ chức bộ máy của Phòng Cảnh sát PC&CC quận, huyện; tham mưu bổ sung thẩm quyền của Giám đốc Cảnh sát PC&CC; tạo hành lang pháp lý cho Cảnh sát PC&CC và các đơn vị cấp quận, huyện trực thuộc trong công tác quản lý nhà nước về PCCC. Đơn vị tiên phong trong tham mưu, kiến nghị chỉnh sửa, bổ sung các quy định cho phù hợp với thực tế công tác, chiến đấu, hoàn thiện về mô hình tổ chức, cơ cấu lực lượng; tham mưu UBND thành phố xây dựng Dự án Quy hoạch ngành PCCC trên địa bàn thành phố đến năm 2025, nâng cao năng lực ngang tầm với các nước trong khu vực. Cùng với đó, đơn vị đã xây dựng và triển khai Đề án đào tạo CBCS đến năm 2015, định hướng đến năm 2020 với các mục tiêu đảm bảo về số lượng, hợp lý về biên chế; phát triển và nâng cao chất lượng CBCS, coi trọng đội ngũ cán bộ lãnh đạo, chỉ huy giỏi, đội ngũ chuyên gia, cán bộ có trình độ cao. Trình độ CBCS hiện nay, đã được nâng lên về số lượng và chất lượng, cụ thể là: thạc sỹ có 1,1%; đại học có 40,08%, cao đẳng có 4,92%; trung học có 48,78%. Trình độ lý luận chính trị LLCT) có: 4,49% Cao cấp LLCT; 13,7% trình độ Trung cấp LLCT…
Đảng bộ Cảnh sát PC&CC TP Hồ Chí Minh cũng được củng cố và hoàn thiện, đội ngũ đảng viên cũng không ngừng lớn mạnh, từ 396 đảng viên lúc mới thành lập, đến nay đã phát triển được 1484 đảng viên. Đảng bộ Cảnh sát PC&CC Thành phố có 31 tổ chức cơ sở đảng (trong đó có 26 Đảng bộ cơ sở và 05 Chi bộ cơ sở) với 90 Chi bộ trực thuộc đảng bộ cơ sở và 1484 đảng viên. Ban Chấp hành Đảng bộ gồm 19 đồng chí, Ban Thường vụ 05 đồng chí (01 Bí thư, 01 Phó Bí thư Thường trực, 01 Phó Bí thư và 02 Ủy viên).
Đại hội Đại biểu Cảnh sát PC&CC Tp. Hồ Chí Minh lần thứ III
Từ những thành công về mô hình tổ chức của Cảnh sát PC&CC TP Hồ Chí Minh), Bộ Công an đã tham mưu, đề xuất Chính phủ thành lập thêm các đơn vị Cảnh sát PC&CC. Đến nay đã có 14 tỉnh, thành phố thành lập Cảnh sát PC&CC độc lập; Cục Cảnh sát PCCC&CNCH trực thuộc Bộ Công an và là cơ quan đầu ngành thống nhất quản lý, chỉ đạo, hướng dẫn lực lượng Cảnh sát PCCC&CNCH thực hiện quản lý Nhà nước về PCCC theo Luật PCCC.
Đi đầu trong công tác hậu cần và trang bị kỹ thuật, mỗi năm, Cảnh sát PC&CC TP Hồ Chí Minh tham mưu thực hiện hàng chục dự án đầu tư như trụ sở đơn vị các quận, huyện với tổng số vốn được Bộ Công an và UBND TP. Hồ Chí Minh bố trí hàng trăm tỷ đồng. Tiếp nhận từ UBND Thành phố hỗ trợ hàng chục lượt xe, tàu chữa cháy chuyên dụng hiện đại như xe thang chữa cháy và CNCH 72m, xe chữa cháy công nghệ 1.7, xe điều khiển tự động chữa cháy đa năng và phá dỡ công trình, xe chữa cháy đường hầm 2 đầu, xe chữa cháy có két nước 2.000 lít, xe chữa cháy cơ động, xe cẩu cứu hộ giao thông, xe xử lý hóa chất, tàu chữa cháy ST 15, …
Tiên phong trong ứng dụng khoa học kỹ thuật, công nghệ PCCC, đơn vị chú trọng đổi mới, hiện đại Trung tâm thông tin chỉ huy, dần thay thế các phương tiện, trang thiết bị thông tin cũ, lạc hậu (Analog) bằng việc phối hợp lắp đặt hệ thống cảnh báo cháy, nổ tại các cơ sở trên địa bàn thành phố, các thông tin báo cháy, nổ, CNCH được truyền qua mạng Internet để cán bộ trực ban nhanh chóng tiếp nhận và xử lý. Phối hợp với Sở Thông tin – Truyền thông xây dựng mạng LAN để kịp thời cập nhật thông tin, chính xác, kịp thời và triển khai thực hiện hiệu quả quy trình xử lý văn bản điện tử và một cửa luân chuyển hồ sơ qua mạng (phần mềm Lõi). Đến nay tất cả các đơn vị trực thuộc đã khai thác phần mềm Lõi trong việc gửi, nhận văn bản điện tử trong nội bộ đơn vị và giữa các đơn vị với nhau; là bước khởi đầu quan trọng trong việc thay đổi phong cách làm việc hướng tới môi trường làm việc điện tử, hiện đại, nhanh chóng, chính xác, hiệu quả; tiết kiệm chi phí và thời gian.
Từ một đơn vị được thành lập thí điểm đầu tiên trong cả nước có vai trò tham mưu quản lý nhà nước về công tác PCCC, với những nỗ lực không ngừng, những ý chí quyết tâm và sự sáng tạo của tập thể cán bộ, chiến sỹ đã làm cho mô hình thí điểm thực sự thành công và đã được nhân rộng ra nhiều tỉnh, thành trong cả nước. Nhiều vụ cháy lớn đã được khống chế, nhiều tài sản và tính mạng được cứu chữa kịp thời và cũng đã có nhiều gương dũng cảm, nhiều sự hy sinh cao cả đã ngã xuống đúng nghĩa “vì nhân dân phục vụ”.
Có được những chiến công đáng tự hào, xứng đáng đó là trong suốt 40 năm xây dựng, chiến đấu bảo vệ tổ quốc, trước hết là do tập thể cán bộ, chiến sỹ có một lòng trung thành vô hạn đối với lý tưởng cộng sản, với Đảng, Nhà nước Cộng hòa XHCN Việt Nam, thấm nhuần lời dạy của Bác “CAND vì nước quên thân, vì dân phục vụ”. Đơn vị luôn được sự quan tâm của Bộ Công an, của Thành ủy, UBND TP Hồ Chí Minh và sự phối hợp của các ngành, các cấp, đoàn thể và quần chúng nhân dân. Cán bộ, chiến ãy lực lượng Cảnh sát PC&CC TP Hồ Chí Minh luôn nêu cao tinh thần tự giác thực hiện tốt 6 điều Bác Hồ dạy CAND, chủ động trong việc “học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh” có bản lĩnh chính trị vững vàng, có chuyên môn nghiệp vụ giỏi cùng với việc sáng tạo các hình thức tuyên truyền phát triển phong trào toàn dân tham gia PCCC, xây dựng hình ảnh người Cảnh sát PC&CC TP Hồ Chí Minh dũng cảm, kiên cường, kỷ cương và trách nhiệm. Lực lượng Cảnh sát PC&CC TP Hồ Chí Minh không ngừng nâng cao nghiệp vụ chuyên môn, tiếp cận với nền khoa học tiên tiến, đổi mới, xây dựng lực lượng tinh nhuệ và từng bước hiện đại, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong tình hình mới, góp phần giữ vững ANCT&TTATXH phục vụ sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước và hội nhập quốc tế. 40 năm chiến đấu, xây dựng và trưởng thành của lực lượng Cảnh sát PC&CC TP Hồ Chí Minh bằng cả những mất mát, hy sinh to lớn của cán bộ, chiến sỹ. 07 cán bộ, chiến sỹ hy sinh trong khi làm nhiệm vụ, được Nhà nước công nhận là Liệt sỹ.
Đại tá Lê Tấn Bửu – Giám đốc Cảnh sát PC&CC Tp. Hồ Chí Minh phát biểu tại Đại hội Đại biểu lần thứ III
Với những chiến công và thành tích xuất sắc đạt được, Cảnh sát PC&CC TP Hồ Chí Minh đã vinh dự được Đảng, Nhà nước tặng nhiều phần thưởng cao quý như: Huân chương chiến công Hạng Nhì (1978). Huân chương chiến công Hạng Nhất (1982). Chủ tịch nước Tôn Đức Thắng tặng lẵng hoa (1979). Huân chương Quân công Hạng Ba (2011). 02 Bằng khen Thủ tướng Chính phủ năm (2011). Cờ thi đua của Chính phủ “Đơn vị dẫn đđầu phong trào thi đđua Vì an ninh Tổ quốc” (2012). Đơn vị quyết thắng (1976, 1977, 1978, 1981, 2007, 2008, 2009, 2010). 3 lần đạt cờ Thi đua xuất sắc của Bộ Công an (2007, 2008, 2010). Có 14 lượt tập thể được Bộ Công an tặng cờ thi đua. 06 cá nhân được Nhà nước tặng Huân chương bảo vệ Tổ quốc hạng Ba. Có 793 lượt tập thể trực thuộc, 17637 lượt cá nhân được các cấp, các ngành khen thưởng… Đó là niềm vinh dự, là nguồn động viên to lớn, tiếp thêm sức mạnh cho cán bộ, chiến sỹ Cảnh sát PC&CC TP Hồ Chí Minh hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao.
Đại tá Lê Tấn Bửu
(Giám đốc Cảnh sát PC&CC Tp. Hồ Chí Minh)