Đồng Nai là một tỉnh có nhiều doanh nghiệp giày da lớn sử dụng nhiều nhân công với nhiều dây chuyền công nghệ hiện đại như: Công ty Changshin, Pouchen, Việt Vinh, Teakwang Vina, Hwaseung Vina, Pacific…Các doanh nghiệp giày da trên địa bàn tỉnh chủ yếu là doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài với số lượng đơn hàng, doanh số xuất khẩu cao nhất cả nước, đồng thời có đóng góp vào tổng giá trị sản phẩm của tỉnh, tạo công ăn việc làm, tăng thu ngoại tệ…
Theo Quyết định số 2048/QĐ-UBND ngày 16-8-2011 về Phê duyệt “Chương trình chuyển dịch cơ cấu ngành công nghiệp trên địa bàn tỉnh Đồng Nai giai đoạn 2011-2015” thì công nghiệp giày da là một trong 4 ngành công nghiệp mũi nhọn phát triển của tỉnh. Đặc điểm ngành công nghiệp giày da, nguyên vật liệu có tính chất nguy hiểm về cháy, nổ, độ nhiễm độc rất lớn, khi cháy dễ dẫn đến cháy lan, cháy lớn đe dọa tính mạng, sức khỏe của nhân dân và tài sản của nhà nước. Trong 10 năm qua, đã xảy ra 6 vụ cháy, làm thiệt hại tài sản trên 1.5 tỷ đồng. Qua số liệu thống kê hàng năm cho thấy, số vụ cháy cơ sở sản xuất giày da trên địa bàn Đồng Nai chiếm khoảng 1,33 % và thiệt hại tài sản chiếm 0,3 % tổng thiệt hại do các vụ cháy gây ra.
Từ đặc điểm trên, Cảnh sát phòng cháy và chữa cháy (PC&CC) tỉnh Đồng Nai đã chủ động thực hiện đồng bộ nhiều biện pháp, giải pháp cấp bách để đảm bảo an toàn PCCC. Đơn vị đã tham mưu cho UBND tỉnh nhiều văn bản chỉ đạo, hướng dẫn các cấp, ngành chức năng của địa phương, các cơ sở sản xuất giày da thực hiện các biện pháp đảm bảo an toàn PCCC. Đơn vị cũng đã phối hợp với Sở Công thương, Sở Lao động – thương binh và xã hội tổ chức nhiều đợt kiểm tra liên ngành về an toàn PCCC. Thường xuyên, liên tục tổ chức thanh tra, kiểm tra, hướng dẫn các cơ sở sản xuất giày da đầu tư và cách sử dụng trang thiết bị PCCC, tổ chức tuyên truyền về PCCC cho cán bộ, công nhân viên trong công ty, huấn luyện nghiệp vụ PCCC cho các Đội PCCC các cơ sở sản xuất giày da. Từ đó đã góp phần làm chuyển biến nhận thức, nâng cao ý thức PCCC cho người đứng đầu các cơ sở sản xuất giày da cũng như những người làm việc tại các cơ sở này. Tuy nhiên, công tác PCCC các cơ sở sản xuất giày da vẫn còn một số tồn tại, đó là: Công tác tuyên truyền, giáo dục pháp luật về PCCC tại cơ sở sản xuất giày da còn chưa tích cực, thường xuyên và sâu rộng để đáp ứng kịp thời với sự phát triển kinh tế – xã hội của đất nước. Mặt khác, nội dung tuyên truyền còn sơ sài, chưa nêu bật được vai trò, trách nhiệm của mỗi người trong việc PCCC cũng như tính chất nguy hiểm về cháy, nổ tại các cơ sở sản xuất giày da. Công tác thực tập phương án chữa cháy phối hợp giữa lực lượng Cảnh sát PCCC với các cơ sở sản xuất giày da cũng mang tính hình thức…Trách nhiệm của người đứng đầu cơ sở sản xuất giày da trong việc đảm bảo an toàn PCCC đối với cơ sở mình quản lý còn chưa cao, chưa thực sự quan tâm, còn chủ quan. Tồn tại này thể hiện ở chỗ: Còn sắp xếp bố trí hàng hóa cản trở lối thoát nạn, sát với tủ điện, thiết bị điện; sử dụng các thiết bị phát sinh tia lửa gần khu vực sản xuất, kho chứa; không trang bị đầy đủ phương tiện PCCC và hồ sơ quản lý PCCC không đầy đủ theo quy định. Công tác thực hiện Quy chế phối hợp với các Sở, ban, ngành trên địa bàn tỉnh chưa được tổ chức thường xuyên liên tục, cụ thể là công tác trao đổi thông tin, hướng dẫn, kiểm tra an toàn PCCC đối với các cơ sở sản xuất giày da còn rất ít (chỉ có 2 lượt); công tác phối hợp kiểm tra an toàn PCCC với Sở Công thương chỉ thực hiện vào giai đoạn của Tuần lễ quốc gia về vệ sinh an toàn lao động và phòng chống cháy, nổ nên hiệu quả phối hợp chưa cao.
Vì vậy, để nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước về PCCC các cơ sở sản xuất giày da trên địa bàn tỉnh Đồng Nai trong, cần thực hiện tốt những công tác sau đây:
Một là, xây dựng quy chế phối hợp giữa các đơn vị có liên quan trong đảm bảo an toàn phòng cháy chữa cháy tại các cơ sở giày da.
Nội dung quy chế phối hợp tập trung vào công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật, kiến thức về PCCC và CNCH; phối hợp trong công tác hướng dẫn, kiểm tra, xử lý vi phạm an toàn về PCCC; phối hợp trong xây dựng và thực tập phương án chữa cháy có nhiều lực lượng tham gia; phối hợp xử lý khi có sự cố cháy, nổ xảy ra tại cơ sở giày da. Quy chế cần nêu rõ trách nhiệm, nhiệm vụ cụ thể của từng đơn vị, định kỳ 6 tháng, 1 năm có báo cáo và tổ chức sơ, tổng kết đánh giá, rút kinh nghiệm, từng bước hoàn chỉnh và có sự phối hợp chặt chẽ hơn trong công tác đảm bảo an toàn PCCC tại cơ sở sản xuất giày da trên địa bàn tỉnh.
Hai là, bố trí cán bộ Cảnh sát PC&CC phù hợp thực hiện nhiệm vụ quản lý nhà nước về PCCC cơ sở sản xuất giày da. Ở các địa phương có nhiều cơ sở sản xuất giày da cần bố trí thêm cán bộ có năng lực chuyên môn, thực hiện quản lý chuyên đề. Công tác quản lý nhà nước về PCCC cơ sở sản xuất giày da cần phải thường xuyên sơ kết, tổng kết, rút kinh nghiệm và luân chuyển hợp lý cán bộ kiểm tra phụ trách địa bàn.
Ba là, tiếp tục đẩy mạnh công tác thanh tra, kiểm tra an toàn PCCC cơ sở sản xuất giày da. Công tác kiểm tra an toàn PCCC phải thực hiện đầy đủ nội dung: Điều kiện bảo đảm an toàn về PCCC cơ sở sản xuất giày da; trách nhiệm trong tổ chức thực hiện các quy định về PCCC trong cơ sở sản xuất giày da và hồ sơ quản lý về PCCC. Nâng cao chất lượng công tác điều tra cơ bản trong quá trình lập hồ sơ quản lý các cơ sở sản xuất giày da. Bám sát cơ sở, nắm chắc tình hình hoạt động của cơ sở, kiểm tra, lập biên bản và xử lý các vi phạm về PCCC.
Bốn là, nâng cao công tác tuyên truyền, giáo dục pháp luật, phổ biến kiến thức về PCCC và xây dựng phong trào toàn dân PCCC tại cơ sở sản xuất giày da. Nội dung tuyên truyền đó phải phù hợp với tính chất của các doanh nghiệp sản xuất giày da trên địa bàn tỉnh, nhằm nâng cao nhận thức về trách nhiệm người đứng đầu, cách phòng ngừa cháy nổ, cách xử lý kịp thời hiệu quả khi có vụ việc xảy ra. Trong quá trình tuyên truyền, giáo dục PCCC phải truyền tải thông tin cập nhật những vụ cháy xảy ra trong các cơ sở sản xuất giày da trên địa bàn tỉnh, cả nước và thế giới đảm bảo mọi người nhận thức tính nguy hiểm để chủ động phòng ngừa. Nhân rộng điển hình tiên tiến trong phong trào toàn dân PCCC, từ đó xây dựng mô hình “Cụm cơ quan, doanh nghiệp sản xuất giày da an toàn PCCC”. Xây dựng đội ngũ cán bộ làm công tác tuyên truyền trong lực lượng Cảnh sát PC&CC đảm bảo về số lượng và chất lượng.
Năm là, nâng cao vai trò người đứng đầu cơ sở sản xuất giày da trong công tác đảm bảo an toàn phòng cháy và chữa cháy.
Yêu cầu người đứng đầu cơ sở rà soát, bổ sung chỉnh lý hoặc xây dựng mới ngay các nội quy, quy định về PCCC cho từng bộ phận của cơ sở sản xuất giày da và tổ chức thực hiện. Toàn bộ hàng hoá, vật tư có nguy hiểm cháy nổ trong cơ sở sản xuất giày da cần rà soát, phân loại theo tính chất nguy hiểm cháy, nổ để bố trí xắp xếp, bảo quản đảm bảo khoảng cách an toàn PCCC, ngăn cháy lan. Người đứng đầu cơ sở có trách nhiệm tuyên truyền để tất cả các nhân viên trong cơ sở sản xuất giày da chú trọng việc sử dụng nguồn lửa, nguồn nhiệt; hướng dẫn người làm việc thực hiện công tác PCCC, biết cách thoát nạn và xử lý tình huống khi có cháy xảy ra. Trực tiếp tham gia các các buổi tuyên truyền, huấn luyện nghiệp vụ về PCCC được tổ chức tại địa phương và tại sản xuất giày da do mình quản lý.
(Nguyễn Văn Quảng – Cảnh sát PC&CC tỉnh Đồng Nai)