“Đại bản doanh” của Đội Cứu nạn, cứu hộ (CNCH) dưới nước – Cảnh sát PC&CC TP Hồ Chí Minh bên Khu công nghiệp Cát Lái, Quận 2, những ngày tháng 7, trời như “đổ lửa”, không gian vô cùng vắng lặng. Cạnh bên là rừng Sác với sông Sài Gòn êm đềm trong xanh. Trong phòng, mấy anh em trực đêm tranh thủ ngủ bù, người thức thì đọc sách, nghiên cứu tài liệu, cẩn trọng sửa chữa những trang thiết bị hỏng hóc… Gương mặt họ đã sạm đen vì nắng, gió, vì những cuộc chiến sinh tử “cứu cái còn trong cái mất” giữa đời thường nhưng nụ cười hiền hậu vẫn hiện hữu trên môi. Trong cái vẻ bình yên ấy, ít ai biết rằng, bất cứ nơi đâu, bất cứ khi nào trên địa bàn thành phố mang tên Bác xảy ra sự cố ở kênh, hồ, sông, biển…họ đều có mặt ứng cứu. Cái thời chỉ mặc duy nhất chiếc quần đùi trầm mình lặn mò dưới dòng nước gọi là cái thời “trần trụi lần mò” đã qua và giờ đây với bộ đồ lặn chuyên nghiệp, họ được người dân thành phố mang tên Bác gọi với cái tên đầy yêu thương, trìu mến: “NGƯỜI NHÁI”! Làm nên những kỳ tích, những chiến công và những dấu ấn khó phai trong hành trình CNCH dưới nước nhưng ít ai biết được phía sau những chiến công ấy là những hy sinh lặng thầm của “người nhái” 114.
Dấu ấn của những chiến công
Ngay từ khi tiếp quản Sở Cứu hỏa Đô thành Sài Gòn (nay là Cảnh sát PC&CC TP Hồ Chí Minh), dù chức năng nhiệm vụ chưa có quy định rõ ràng nhưng bất cứ nơi đâu, bất cứ khi nào xảy ra sự cố là họ có mặt “cứu cái còn trong cái mất”. Nhiều người dân còn nhớ, vụ ám sát vợ chồng nghệ sĩ cải lương Thanh Nga năm 1979 làm chấn động dư luận một thời. Theo lời khai của tên thủ phạm Nguyễn Thanh Tân, khẩu súng P38 bắn Thanh Nga được y ném xuống sông Sài Gòn khi chở tên đồng bọn Nguyễn Văn Hóa chạy qua cầu Bình Lợi.
Phải tìm được khẩu súng mới đủ cơ sở pháp lý buộc tội giết người của tên Tân và đồng bọn. 10 chiến sỹ CNCH được điều động đến hiện trường mò tìm tang vật. Ngày đó, chưa có trang thiết bị lặn tìm như bây giờ. Anh em phải “trần trụi lần mò”. Nước sông chảy xiết, dưới độ sâu có nơi gần 30m lạnh buốt xương, tím thịt da không làm nản chí các chiến sỹ. Suốt 3 ngày đêm lặn mò tang vật, đến 13 giờ ngày thứ ba định mệnh (13/5/1979), hai đồng chí Võ Quang Hà và Nguyễn Văn Bảy đã vướng phải mìn địch gài lại chống đặc công đánh phá cầu trước ngày Sài Gòn giải phóng, vụ nổ làm cả hai chiến sỹ hy sinh…
Nỗi đau và sự mất mát đó càng nuôi dưỡng quyết tâm của những người thợ lặn chuyên nghiệp trong lực lượng CNCH của thành phố mang tên Bác. Họ đã không ngừng phấn đấu học tập, rèn luyện, học hỏi kinh nghiệm từ những thế hệ cha anh đi trước để khắc vào lịch sử của lực lượng 114 thành phố mang tên Bác những dấu son của những chiến công. Đó là vụ CNCH chìm tàu Hoàng Đạt (2007), lặn tìm xác nạn nhân và tang vật vụ án phân xác nạn nhân thành 10 phần tại Bình Chánh (năm 2010), CNCH trong thảm họa chìm tàu Dìn Ký ở Bình Dương (2011), … Cùng với những chiến công ấy, tên tuổi của những “người nhái” 114 như: Nguyễn Ngọc Tốt, Huỳnh Văn Tuấn, Nguyễn Chí Thành, Võ Minh Thiện, Võ Thành Công…cũng dày lên theo năm tháng.
“Căng thẳng, nặng nhọc, nguy hiểm và độc hại”
Hình ảnh những “người nhái” 114 xông pha lặn dưới con sóng dữ của biển Cần Giờ trong đêm tối để tìm kiếm thi thể bảy học sinh đi tắm biển bị sóng cuốn. Nhiều cán bộ, chiến sỹ của lực lượng đã phải đối mặt với nguy hiểm bên đường tơ kẽ tóc trong vụ tìm kiếm thi thể 16 nạn nhân bị nạn trong vụ chìm tàu Dìn Ký… đã ghi đậm dấu ấn trong lòng người dân không chỉ trên thành phố mang tên Bác mà đối với nhân dân trên địa bàn cả nước. Nhưng ít ai biết được, phía sau những chiến công đó của họ là những hiểm nguy, những hy sinh lặng thầm với cái nghề đặc thù tiềm ẩn đầy bất trắc, rủi ro ấy. Thiếu tướng Trần Triều Dương – Nguyên Giám đốc Cảnh sát PC&CC TP Hồ Chí Minh đã khái quát cái nghề của họ với những tính chất đặc thù: “Căng thẳng, nặng nhọc, nguy hiểm và độc hại”.
“Lặn ở độ sâu 10 – 15m, cảm nhận tang vật dưới nước bằng tay không…là những kỹ năng cơ bản mà mỗi người lính CNCH phải thường xuyên luyện tập. Môi trường luyện tập khác xa hoàn toàn với thực tế khi làm nhiệm vụ. Đặc biệt là những kỹ năng lặn dưới nước. Hầu hết lính CNCH không được trải nghiệm từ thực tế mà trong quá trình chiến đấu phải nhờ vào kinh nghiệm của đàn anh đi trước. Qúa trình luyện tập chủ yếu rèn luyện thể lực và nắm tính năng tác dụng của dụng cụ là chính. Công việc lặn CNCH chiếm tới 80% với các kỹ năng cơ bản: sử dụng tín hiệu lặn cơ bản, lặn khoanh vùng, lặn chữ Z, lặn càn… nhưng khi thực tế chiến đấu phải vận dụng linh hoạt, có thể vận dụng nhiều phương pháp. Những bài học và các phương án đó, đến nay vẫn chưa có một giáo án nào dành riêng cho “người nhái” 114 mà chủ yếu vẫn là những kinh nghiệm của những người đi trước truyền lại cho thế hệ sau. Thậm chí, khi tác nghiệp phải nhanh nhạy, thông minh, phản ứng linh hoạt trước mọi tình huống để hoàn thành nhiệm vụ. Bởi công việc dưới nước chủ yếu là cảm nhận bằng tay, bằng chân vì mắt không thể nhìn thấy được do chưa có thiết bị lặn chuyên nghiệp để có thể nhìn dưới nước. Mối liên hệ duy nhất với đồng đội trên bờ là sợi dây bảo hiểm và những tín hiệu theo quy ước được mặc định đối với những “người nhái”. Người thực hiện nhiệm vụ rất căng thẳng, phải làm lâu năm, trải qua nhiều vụ khi đó mới quen dần và bớt cảm giác… sợ” –Trung úy Võ Thành Công tâm sự.
Căng thẳng là vậy nhưng ít ai biết được cái phần nặng nhọc mà mỗi “người nhái” 114 khi trầm mình xuống dòng nước phải mang theo. “Trung bình, trọng lượng một chiếc bình khí và những trang thiết bị mà “người nhái” 114 phải gánh trên cơ thể khi làm nhiệm vụ dưới mặt nước là khoảng 30kg. Theo tính toán của các nhà chuyên môn, càng xuống độ sâu của mặt nước thì áp lực nước càng lớn, trọng lượng mà “người nhái” 114 phải gánh trên cơ thể càng tăng lên. Khi xuống nước, áp lực nước tăng theo tỷ lệ 1:3 thì “người nhái” 114 phải gánh trên cơ thể chừng 100kg. Như vậy, trung bình xuống độ sâu chừng 20m thì mỗi “người nhái” 114 phải gánh trên người trọng lượng cỡ chừng 1000kg.” – Đại úy Huỳnh Văn Tuấn - Phó trưởng Phòng CNCH chia sẻ.
Môi trường làm việc dưới nước vô cùng phức tạp. Đó đâu phải là không gian thoáng, rộng để “người nhái” 114 thuận lợi thực hiện nhiệm vụ. Nơi làm việc thường là những không gian chật hẹp, không thuận lợi. Đơn cử như vụ chìm tàu Dìn Ký, họ phải thực hiện nhiệm vụ dưới độ sâu chừng 30m trong khoang tàu với ngổn ngang đồ vật, dụng cụ, bàn ghế và bùn đất, xác người. Lối ra vào duy nhất của khoang tàu mà họ phá được để chui vào tìm kiếm nạn nhân chỉ đủ cho mỗi người lính CNCH mang theo trang thiết bị vừa lách qua. Không ít tình huống con tàu “trở chứng” bất thường giữa dòng nước, họ có thể bị lật úp, chôn vùi cùng với các nạn nhân trong con tàu bất cứ lúc nào. Và khi trở lên mặt nước, họ đâu chỉ nhẹ nhàng thoát lên bằng tay không mà còn gánh theo trọng lượng cơ thể của những nạn nhân, nhiều trường hợp đã trương sình, trĩu nặng.
Khó khăn, nguy hiểm lớn nhất đối với “người nhái” 114 và làm việc trong môi trường thiếu dưỡng khí. Càng xuống độ sâu của mặt nước thì áp lực nước càng lớn, khí ôxy càng ít và lượng khí Nitơ càng tăng lên. Theo phân tích của các nhà chuyên môn làm công tác CNCH, dưới mặt nước ở độ sâu chừng 10m thì chiếm tới 21% khí oxy, 79% khí Ni-tơ, áp lực của dòng khí Ni-tơ đi vào cơ thể, vào máu của mỗi “người nhái” 114 càng nhiều hơn. Ngay cả việc thoát lên khỏi mặt nước nếu không đúng cách cũng dễ dẫn đến việc tử vong đột ngột. Vụ chìm phà Seoul (Hàn Quốc) là bài học xương máu với những người lính CNCH dưới nước. Khi lặn ở độ sâu 20m, không tiếp cận được con tàu, người lính CNCH Hàn Quốc đã trồi lên mặt nước quá nhanh dẫn đến ngộ độc Nitơ và giảm áp nên tử vong đột ngột. Rút kinh nghiệm từ tình huống nguy hiểm đó, mỗi “người nhái” 114 khi thực hiện nhiệm vụ càng đặc biệt cẩn trọng hơn.
Thêm vào đó, đặc thù của những con nước trên địa bàn thành phố không đơn giản. Chúng đổi chiều, cuộn xoáy liên tục, sạt lở, tăng độ sâu, khó đoán định quy luật của dòng chảy, các phương tiện tham gia giao thông đường thủy rất nhiều, mật độ dày đặc…nên vô cùng nguy hiểm. Mức độ sạt lở ngày càng gia tăng tại các dòng sông tạo ra những dòng xoáy lớn. Khi “người nhái” thực hiện nhiệm vụ rơi vào vòng xoáy ấy sẽ xảy ra choáng váng và mất khí nhanh. Nhìn vào làn da đen sạm và nhiều vết sẹo nhỏ còn hằn in, các anh tâm sự rằng: trước đây khi chưa có đủ phương tiện bảo hộ, mỗi lần lặn xuống nước làm nhiệm vụ, họ đều bị thương tích vì đá, mảnh chai cắt da, thậm chí bị kim tiêm đâm cho người dân vứt đầy xuống sông. Bây giờ, có bộ đồ “người nhái” mặc vào cũng chỉ hạn chế được phần nào thôi. Những vật sắc nhọn vẫn cắt rách nát cả bộ đồ người nhái và xuyên thấu vào da thịt dưới dòng nước lạnh buốt hay giữa những môi trường nước đầy ô nhiễm, độc hại.
Một phần trong công tác của lực lượng “người nhái” 114 là lặn tìm tang vật, thi thể nạn nhân trong các vụ án giúp cơ quan điều tra phá án, bắt hung thủ. Công tác CNCH dưới nước cũng gặp muôn vàn khó khăn, rủi ro. Hầu hết các sông và kênh rạch trên địa bàn TP Hồ Chí Minh đều bị ô nhiễm nghiêm trọng. Môi trường làm việc của lính CNCH thường bị ô nhiễm từ chất thải, xác người, xác động vật phân hủy… Sự độc hại đó không chỉ ảnh hưởng đến sức khỏe của người lính CNCH khi thi hành nhiệm vụ mà còn để lại hậu quả lâu dài trong cuộc sống của họ. Đa số anh em trong đơn vị đều bị đau mắt, viêm xoang, thường xuyên bị bệnh đường hô hấp. Khi làm nhiệm vụ, lính CNCH đã có không ít những tình huống dở khóc dở cười. Những cuộc vật lộn tìm xác người thì vớ phải xác chó, xác động vật phân hủy. Tìm tang vật vụ án thì mò phải rắn hay lựu đạn dưới sông… Gặp những xác chết nằm lâu ngày dưới nước, bị bọ nước bò vào lỗ tai, mũi, miệng hoặc nhiều xác khi vớt lên, khuôn mặt bị biến dạng hoàn toàn, hoặc nhìn thấy máu từ mũi, miệng, mắt của xác chết chảy ra đã bủn rủn chân tay, dù người gan lì đến mấy cũng phải… nổi da gà! Nhiều chiến sỹ trẻ khi mới vào nghề, qua những cuộc vật lộn mò xác “ói” tại chỗ, về nhà sau đó bỏ cơm cả ngày, không sao ngủ được. Trở về với cuộc sống đời thường vẫn ám ảnh bởi những cuộc vật lộn mò xác. “Ngửi mùi người là biết hôm nay lặn ở đâu về” – câu nói hài hước của những người thân dành cho “người nhái” 114 nghe mà chua xót.
Sẻ chia từng hơi thở – sẻ chia nhau sự sống
Dù vất vả, gian khổ, hiểm nguy nhưng họ có được những niềm vui, hạnh phúc trong nghề khi làm tròn công tác CNCH. Một niềm vui khác chỉ có người trong nghề mới cảm nhận được là tình đồng đội trong những lúc cận kề hiểm nguy nhất.
“Cuối năm 2014, tôi và Đại úy Nguyễn Chí Thành – Đội phó Đội CNCH dưới nước cùng lặn tìm một em bé bị chìm tàu ở sông Sài Gòn (khu vực Cảng xi măng Hà Tiên). Lặn xuống 20m để chui vào khoang tàu, bất ngờ ống thở của Thành bị sự cố. Linh tính báo cho tôi biết sự hiểm nguy của đồng đội bên cạnh, tôi vội đưa tay nắm lấy chân của Thành với mục đích, nếu Thành không kịp trồi lên mặt nước thì tôi sẽ kéo Thành lên. Rất may là đồng chí Thành bình tĩnh, báo hiệu cho tôi biết bằng tín hiệu tay đưa lên mũi. Tôi hiểu là bình thở của Thành gặp sự cố. Tôi vội lấy ống thở của mình chụp qua mũi cho Thành. Khi Thành ổn định được thì đến lượt tôi bị mất khí và ngạt. Tôi kéo dây ống thở và bóp tay Thành ra ám hiệu. Thành kéo ống thở chia sẻ chung hơi thở với tôi và hai anh em thoát khỏi mặt nước an toàn. Trong tình huống đó, nếu không có kinh nghiệm mà bỏ bình trồi lên mặt nước thì có thể đụng khoang tàu hoặc trồi nhanh sẽ bị liệt người, thậm chí tử vong do sốc khí Ni-tơ.” – Đại úy Huỳnh Văn Tuấn chia sẻ.
“Một lần khác, khi lặn tìm thi thể nạn nhân trong một vụ đánh lộn nhau trên sông Sài Gòn. Dòng nước chảy quá xiết và dây bảo hiểm cho cán bộ, chiến sỹ bị cuốn vào chướng ngại vật dưới sông. 5 anh em chiến sỹ mới lặn hoàn toàn không biết kinh nghiệm để thoát khỏi tình huống hiểm nguy ấy. Cầm dây trên bờ giữ an toàn cho anh em, thấy bình khí của anh em báo hiệu đã hết. Tôi vội lao nhanh xuống dòng nước. Phát hiện dây bảo hiểm của anh em bị cuốn 2 vòng vào dây xích “con rùa” của tàu, tôi gỡ dây và lần theo dây đó để kiếm tìm anh em. Do bình lặn của tôi mang trên người trước đó đã gần cạn kiệt nên tôi vội bóp vào tay đồng chí gần nhất ra ám hiệu cho đồng chí đó cùng kéo mình lên. Khi 2 anh em vừa lên đến mặt nước thì bình khí vừa hết. Còn 4 đồng chí khác thì do chưa có kinh nghiệm nên không biết thoát ra bằng cách nào. Chúng tôi đã đi ca-nô tới vị trí đó là thả dây xuống, rất may các đồng chí đã lần theo đường dây xích đi lên bờ kịp trước khi bình khí cạn kiệt.”- Đại úy Tuấn kể lại.
Đó là số ít trong vô số những tình huống điển hình mà ranh giới giữa sự sống và cái chết quá mong manh đối với những “người nhái” 114. Bởi vậy, các anh luôn đau đáu một khát vọng: Cần xây dựng những chương trình, những mô hình tập luyện và những tình huống sát thực tế hơn. Cần có những trang thiết bị hiện đại hơn nữa có thể nghe, nhìn dưới mặt nước để anh em làm nhiệm vụ tốt hơn, bớt những hiểm nguy, bất trắc, rủi ro hơn cho đồng đội. Cần có những chính sách hợp lý về chế độ công tác phí và tăng cường kiểm tra sức khỏe định kỳ, mơ ước sớm được trang bị chiếc bồn giảm áp để phục hồi sức khỏe đối với mỗi người lính CNCH làm nhiệm vụ dưới nước khi họ làm việc thường xuyên trong môi trường thiếu dưỡng khí, áp lực lớn và độc hại như vậy.
Bình lặng giữa đời thường, ngoài những giờ làm việc chính thức, các anh dành thời gian nghiên cứu học hỏi để công việc ngày càng hiệu quả hơn. Trung úy Công thường xuyên nghiên cứu làm sao sử dụng được hết công năng của các phương tiện. Thiếu úy Thanh đã tìm tòi, sửa chữa được những thiết bị hỏng hóc, đặc biệt là sửa hàng loạt bình khí tài trị giá hàng chục triệu đồng mỗi chiếc. Trong quá trình tập luyện bình khí tài phòng độc mặt nạ cách li của Nhật sản xuất, anh em phát hiện khi vận động mạnh đai bình, thì ron khí nén xì hơi không tắt được. Báo cáo với chỉ huy Đội, Phòng và tham khảo ý kiến các chuyên gia kỹ thuật, Thanh tự mày mò dũa phần “ti” nhọn cắt ron, đây là nguyên nhân làm ron lỏng, xì hơi. Sáng chế khắc phục xì hơi bình khí tài của Thanh, hiện đang áp dụng cho 12 bình khí tài của đơn vị và sử dụng rất hiệu quả… Sự trăn trở, tìm tòi, nghiên cứu ấy của các anh không chỉ là sự thực hành tiết kiệm, chống lãng phí mà là sự cẩn trọng đối với mỗi trang thiết bị đảm bảo an toàn tính mạng cho chính mình và đồng đội khi làm nhiệm vụ, khi công tác hậu cần chưa kịp trang bị, đáp ứng kịp thời.
Trong cái giản dị, hồn nhiên ấy của mỗi “người nhái” 114, ít ai biết rằng, vòng tay họ đã từng ôm hàng trăm thi thể nạn nhân lên khỏi mặt nước (có nhiều thi thể đã không còn nguyên vẹn) để an lòng người đã khuất và làm dịu những nỗi đau của thân nhân họ. Và sức mạnh, niềm tin, ý chí, nghị lực để họ thực hiện được nhiệm vụ một cách phi thường ấy là họ biết gác bỏ những bon chen, tính toán thiệt hơn của riêng mình, vì tinh thần, trách nhiệm với nhân dân và tình yêu thương với anh em đồng đội: sẵn sàng sẻ chia nhau hơi thở, chia nhau sự sống để “cứu cái còn trong cái mất”.
Chia tay những “người nhái” 114 khi Sài Gòn đang “đổ lửa” giữa giờ trưa để kịp chuyến bay về Hà Nội, nhìn dòng sông Sài Gòn trong xanh, lững lờ trôi, ai có thể cảm nhận được rằng, trong cái bình yên, êm đềm ấy, những dòng chảy con nước trên địa bàn thành phố ngày càng trở nên “đỏng đảnh”, “khó tính” hơn bao giờ hết. Chúng không chỉ ngày một sâu hơn mà còn cuộn xoáy hơn, đổi chiều, chuyển hướng bất thường, mức độ sạt lở ngày càng tăng cao…như thách thức những “người nhái” 114. Và trước những gian nan, thách thức ấy, họ vẫn âm thầm, lặng lẽ, miệt mài luyện tập, nghiên cứu tìm ra phương án “cứu cái còn trong cái mất”. Vẫn sẵn sàng “chuông reo là chạy!…” để giữ bình yên thành phố mang tên Bác mỗi phút, giây.
Dương Thiên Hương