Mỗi lần vào trạm xăng, chúng ta thường nhìn thấy những biển cảnh báo về vấn đề không được sử dụng điện thoại hay hút thuốc và được nhân viên bán xăng nhắc nhở trong khu vực trạm xăng. Hút thuốc, tất nhiên ai cũng hiểu nguy cơ và hiểm họa của nó, còn liệu bạn có thể chết hay bị thương khi đang nghe điện thoại trong (hay gần trạm xăng) hay không?
Không hiếm trường hợp trên thế giới
Những tai nạn cháy nổ tại trạm xăng (hay trên các phương tiện sử dụng xăng) được cho là liên quan đến điện thoại không phải là không có. Tại Úc năm 1993, vụ cháy nổ cây xăng Metropolitan Fire Service được cho là liên quan mật thiết đến việc vị khách hàng này sử dụng điện thoại di động trong quá trình đổ xăng.
Hồi cuối tháng 11/2011, anh Vũ Trọng Khanh ở Gia Lâm, Hà Nội đã bị bỏng khá nặng vì lửa bùng cháy khi anh nhận một cuộc gọi đến điện thoại di động của mình trong lúc đi vệ sinh tại một cây xăng ở cầu Phù Đổng, quận Long Biên. Nạn nhân cho biết trước khi nghe điện thoại anh cũng đã ngửi thấy mùi xăng nồng lên và khi nhận cuộc gọi thì lửa lùa vào, bốc quanh người.
Tìm hiểu nguyên nhân thật sự
Sóng điện từ phát ra từ điện thoại di động rất thấp, chỉ ở mức vài milliwatts (mW). Tuy nhiên, khi điện thoại di động hoạt động (nhận cuộc gọi hoặc gọi đi) thì sóng điện từ phát ra mạnh gấp hàng chục lần trạng thái bình thường và tạo ra trường điện từ bức xạ. Đặc biệt, điện thoại di động phát sóng điện từ càng mạnh khi ở xa trạm gốc liên lạc (đặt rải rác trong thành phố). Nếu ở môi trường không khí bình thường thì không có sự nguy hiểm nhưng ở các trạm xăng sẽ có nguy cơ cháy nổ cao. Tại đây, trong quá trình bơm xăng, một phần xăng sẽ bốc hơi và khuếch tán trong không khí hình thành những “đám mây” hơi xăng chứa các ion điện tạo ra môi trường điện từ rất nguy hiểm mà mắt thường không thể nhìn thấy. Chính vì vậy, khi người sử dụng ấn nút điện thoại di động để nghe cuộc gọi hoặc gọi đi trong môi trường ở trạm xăng là vô tình tạo nên sự cộng hưởng từ ngẫu nhiên giữa sóng điện từ của máy và môi trường điện từ của trạm xăng. Sự cộng hưởng từ này xảy ra đột ngột nên tạo tia lửa điện trong tích tắc (giống như hiện tượng sấm chớp trong thiên nhiên). Tia lửa điện này ngay lập tức tác động ngược trở lại ăng-ten của điện thoại di động làm cháy, nổ điện thoại di động. Điện thoại di động càng có sóng mạnh thì nguy cơ cháy nổ càng cao
Khả năng gây nổ của điện thoại ở những nơi nhạy cảm
Đầu tiên, phải nói rằng có rất ít vụ cháy nổ ở trạm xăng được cho là liên quan đến điện thoại di động và chưa có bất cứ tai nạn nghiêm trọng nào được khẳng định chắc chắn liên quan đến thiết bị cầm tay này.
Trở lại với những điều kiện để phát nổ, việc tạo ra một vụ nổ bằng xăng cần những yếu tố cơ bản là: xăng phải được phun sương để tạo hỗn hợp xăng – không khí với tỷ lệ hợp lý, cộng thêm các điều kiện cực kỳ quan trọng về nhiệt độ, áp suất và “mồi” (tia lửa) để có thể phát nổ. Trong trường hợp ở cây xăng thì yếu tố mồi – tia lửa cũng không hề rõ ràng. Còn những yếu tố khác, khó có thể tìm được ở một trạm xăng và nếu có, có thể cảm nhận được rất rõ ràng (mùi xăng).
Nhà sản xuất khuyến cáo: Không sử dụng điện thoại di động nơi dễ cháy nổ
Trong thông báo, Công ty Dầu khí Shell khuyến cáo không nên dùng điện thoại di động ở trạm xăng hay khi tiếp nhiên liệu cho các loại xe cộ tàu bè. Tắt điện thoại di động khi đi gần vật liệu dễ cháy nổ như các loại hóa chất, khí gas, dung môi…
Ông Nguyễn Lương Trung, phụ trách Trung tâm Bảo hành điện thoại di động Công ty FPT (nhà phân phối chính thức điện thoại di động Samsung, Motorola tại Việt Nam) cho biết khách hàng khi mua điện thoại di động sẽ được cung cấp giấy bảo hành và tài liệu hướng dẫn sử dụng. Ở mục Bảo hành giới hạn có nêu rất chi tiết và cụ thể về an toàn cho người sử dụng cũng như những quy định về cách sử dụng điện thoại di động ở những địa điểm dễ gây cháy nổ. Vì vậy, trước khi sử dụng điện thoại, khách hàng cần xem tài liệu hướng dẫn để sử dụng an toàn và hiệu quả nhất.
Quang Thành (BM2)