web nhà cái cá độ bóng đá uy tín blckvc,trò chơi nổi tiếng

Đạo đức nghề nghiệp của người lính chữa cháy

Khi đặt vấn đề đạo đức nghề nghiệp của người lính cứu hỏa là chúng ta đã thừa nhận cứu hỏa, chữa cháy không chỉ là một nghề, mà hơn thế nữa, đó là một nghiệp. Đã mang lấy nghiệp vào thân thì người chọn nghề hay nghề chọn người cũng không quan trọng bằng sự gắn bó lâu dài với nghề – chấp nhận sinh nghề tử nghiệp.


Đã làm nghề thì phải có tay nghề, phải bảo đảm an toàn lao động, phải hết sức tránh tai nạn nghề nghiệp, tự mình đốt cháy danh hiệu người lính cứu hỏa do thiếu trách nhiệm nghề nghiệp, do vi phạm đạo đức nghề nghiệp.

Nghề nào cũng đều đòi hỏi người làm nghề phải có tài, có đức. Tính chuyên nghiệp của nghề cứu hỏa, chữa cháy cũng đòi hỏi người lính cứu hỏa tài phải cao – tức phải hội đủ các tiêu chuẩn nghề nghiệp như trình độ chuyên môn, kinh nghiệm thực tế, chỉ vừa ngước nhìn là đã có thể xác định ngay phương án tối ưu để vào bên trong một cao ốc đang bùng cháy…, đức phải trọng – tức phải có đạo đức nghề nghiệp là cái chúng ta đang bàn, hay nói cách khác là tài – đức vẹn toàn. Tôi xin nói thêm: Với người lính cứu hỏa, tài chính là đức mà đức cũng chính là tài. Và cũng xin nói thêm: Tài cao – đức trọng chưa đủ, người lính cứu hỏa chuyên nghiệp còn phải có sức nữa. Nói chung người lính cứu hỏa chuyên nghiệp phải khỏe hơn người, phải có một thể lực dẻo dai bền bỉ hơn người.

Vậy cần hình dung người lính cứu hỏa chuyên nghiệp có đạo đức nghề nghiệp là người như thế nào? Trước hết đó phải là người nhận thức rõ, ý thức sâu sắc cứu hỏa/chữa cháy thực sự là một nghề, và cảm thấy tự hào là mình đang làm cái nghề này, cảm thấy yêu cái nghề này. Yêu công việc mình đang làm là người có đạo đức; còn yêu cái nghề mình đang làm mới là người có đạo đức nghề nghiệp. Vậy thế nào là một người lính cứu hỏa yêu nghề?


Trong nghề dạy học có một câu được tất cả những người làm nghề xem như kinh nhật tụng: Càng yêu người bao nhiêu, càng yêu nghề bấy nhiêu. Không yêu thương học sinh, không hết lòng vì học sinh, khó có thể gọi là yêu nghề dạy học. Cũng có thể nói không yêu thương con người đang lâm nạn, không hết lòng vì con người đang cần cứu, khó có thể gọi là yêu nghề cứu hỏa, chữa cháy. Nghe một cuộc điện thoại báo cháy, người lính cứu hỏa yêu nghề nghĩ ngay mình sắp sửa đi cứu các nạn nhân sắp làm mồi cho lửa dữ. Mở cổng doanh trại, cho xe nổ máy, tề tựu trên xe, lái xe trên đường, đu người trên thang, bám tay trên tường… thực hiện tất cả những thao tác ấy, những người lính cứu hỏa yêu nghề đều hướng tới các nạn nhân với một lòng trắc ẩn lớn lao. Khi đối diện với ngọn lửa bùng cháy dữ dội, để có thể cứu được các nạn nhân – nhất là các sinh linh bé bỏng, trong sâu thẳm trái tim của mỗi người lính cứu hỏa chuyên nghiệp, lòng yêu thương con người phải được nâng lên thành lòng trắc ẩn.

Người lính cứu hỏa chuyên nghiệp có đạo đức nghề nghiệp còn là người có ý thức kỷ luật và tinh thần đồng đội rất cao. Không nhất hô bá ứng, trên dưới một lòng làm sao có thể tập hợp đủ quân số và phương tiện cần thiết, làm sao có thể cơ động nhanh đến hiện trường cho dẫu xe cứu hỏa đã được xếp vào loại ưu tiên số một trong luật giao thông đường bộ, làm sao đạt hiệu quả cao trong việc mau chóng dập tắt đám cháy, kịp thời đưa nạn nhân ra khỏi vùng nguy hiểm? Cho nên không phải ngẫu nhiên mà nghề cứu hỏa, chữa cháy chỉ được giao phó cho cán bộ, chiến sĩ cảnh sát nhân dân, không bao giờ dân sự hóa về nhân lực hành nghề. Nhưng ý thức kỷ luật và tinh thần đồng đội là phẩm chất chứ không phải thuộc tính của người lính cứu hỏa. Thuộc tính nghĩa là vốn có, sẵn có, tự nhiên mà có và đã có rồi thì khó mất; còn phẩm chất thì phải được giáo dục mới có, phải được gìn giữ mới còn và phải được chăm chút mới phát triển.

Tất nhiên cứu hỏa không chỉ có trực tiếp cứu người và trong thực tế thì nhiều đám cháy rất lớn, lửa lan rất rộng nhưng không có tổn thất về nhân mạng. Trả lời câu hỏi của con gái: “Châm ngôn nào bố thích nhất?”, Karl Marx khẳng định đó là câu: “Không có gì thuộc về con người lại xa lạ với tôi”, cho nên khi người lính cứu hỏa kịp thời dập tắt được một đám cháy rừng hoặc một đám cháy nhà thì cũng có nghĩa là đã gián tiếp cứu người, bởi rừng là môi trường sinh thái – lá phổi tự nhiên của cộng đồng cư dân đô thị, còn nhà không chỉ là tài sản, là chỗ trú ngụ hằng ngày mà còn là nơi con người lưu giữ bao nhiêu là kỷ niệm cuộc đời.

Trở lên là đạo đức nghề nghiệp của người lính cứu hỏa trong đám cháy và trước ngọn lửa. Đạo đức nghề nghiệp của người lính cứu hỏa ngời sáng trong đám cháy và trước ngọn lửa rất quan trọng nhưng vẫn chưa phải là toàn bộ đạo đức nghề nghiệp của người lính cứu hỏa. Đạo đức nghề nghiệp của người lính cứu hỏa còn có thể ngời sáng khi chưa có đám cháy và chưa có ngọn lửa – tức là trong suốt quá trình phòng cháy. Đạo đức nghề nghiệp của người lính cứu hỏa trong phòng cháy tuy không đòi hỏi lòng dũng cảm và đức hy sinh như đối với đạo đức nghề nghiệp của người lính cứu hỏa trong chữa cháy nhưng không phải là không có thách thức. Chu đáo, cần mẫn, tận tụy, không để “nước đến chân mới nhảy”… là những phẩm chất rất quan trọng của người lính cứu hỏa khi chưa cháy và khi chưa chữa cháy, nếu không được giáo dục để có, không được gìn giữ để còn và không được chăm chút để phát triển thì người lính cứu hỏa sẽ khó đáp ứng yêu cầu của đạo đức nghề nghiệp và từ đó dễ dẫn tới khả năng xảy ra tai nạn nghề nghiệp hiểu theo nghĩa bóng.

Cũng trong quá trình phòng cháy, đạo đức nghề nghiệp của người lính cứu hỏa sẽ được bộc lộ rõ trong mối quan hệ với nhân dân. Trong mối quan hệ này, tuân thủ nguyên tắc đạo đức nghề nghiệp là phải đảm bảo được sự độc lập, khách quan và không lệ thuộc vào các quan hệ kinh tế tài chính trong quá trình hành nghề của người lính cứu hỏa. Hầu hết các vụ hỏa hoạn lớn là do không tuân thủ các quy định về phòng cháy/chữa cháy trong đó có quy định về việc trang bị các phương tiện chữa cháy tại chỗ. Ai là người thẩm định và chứng nhận về sự tuân thủ này? Không ai khác ngoài cơ quan chuyên môn là Sở Cảnh sát Phòng cháy và chữa cháy – tức là bản thân người lính cứu hỏa. Đạo đức nghề nghiệp đòi hỏi sự thẩm định và chứng nhận của cơ quan chuyên môn phải bảo đảm được sự độc lập, khách quan và không lệ thuộc vào các quan hệ kinh tế tài chính trong quá trình hành nghề, nếu không được như thế xem như vi phạm đạo đức nghề nghiệp.

Hồng Vân