Một nguyên nhân gây nhiễm điện thường gặp là sự tiếp xúc giữa các vật liệu rắn. Ví dụ, nếu cọ sát một đũa thủy tinh vào lụa hoặc cọ sát cán bàn chải nhựa vào miếng da thì đũa thủy tinh, cán bàn chải đều có thể hút được các mẩu giấy vụn. Khi cọ sát như vậy tạo ra hiệu ứng tĩnh điện: một vật có các electron liên kết yếu – nó nhường đi electron và trở nên mang điện dương còn vật kia có nhiều khoảng trống trong lớp vỏ electron ngoài cùng – nó nhận electron và trở nên mang điện âm, do đó các electron có thể di chuyển từ vật này sang vật kia, tạo ra sự mất cân bằng điện tích sau khi hai vật tách rời. Vì các điện tích cùng dấu thì đẩy nhau, nên chúng có xu hướng di chuyển ra bên ngoài của vật nhiễm điện để càng xa nhau càng tốt và đó chính là nguyên nhân khiến tóc của một người dựng đứng lên khi cơ thể người đó nhiễm điện. Còn nếu như người đó chạm tay vào một vật kim loại nối đất thì sẽ tạo ra một dòng điện đi xuống đất qua cơ thể khiến người đó bị sốc điện.
Không chỉ gây sốc điện với cơ thể người, tương tự như hiện tượng phóng tĩnh điện trong tự nhiên là sét, sự phóng tĩnh điện cũng tạo thành tia lửa điện, tia lửa điện đủ lớn và gặp các vật dễ gây cháy nổ như dung môi gas, xăng dầu, mùn cưa … sẽ là phát sinh ngọn lửa và gây cháy nổ. Do đó khi làm việc với nhiên liệu lỏng hoặc các kho nhiên liệu lớn có nguy cơ cháy nổ cao, cần cẩn trọng để tránh tích điện và phóng điện bất ngờ, ví dụ như các xe chở xăng dầu cần có sợi dây xích thả xuống mặt đường để dẫn điện tích sinh ra do ma sát giữa không khí với vỏ xe xuống đất. Hoặc khi bơm xăng vào xe cũng nên chạm tay vào phần kim loại của xe sau khi bỏ tay bơm để tiêu tán điện tích đã phát sinh lúc trượt trên ghế ngồi. Tóm lại, nguyên tắc chung là phải giảm thiểu sự phát sinh nhiễm điện, ngăn chặn sự tích góp điện tích, tránh phóng tia lửa điện. Đối với các chất dẫn điện thì phương pháp thường gặp là nối đất trực tiếp. Còn đối với các vật liệu tự nhiên hoặc hỗn hợp thì có thể dùng ionizer – đây là phương pháp tạo ra các ion trung hòa tại những vùng tĩnh điện.
Ngoài ra, hiệu ứng tĩnh điện còn gặp ở trên máy bay – làm nhiễu sóng các thiết bị liên lạc vô tuyến, gây tác hại với các ngành sản suất – ảnh hưởng tới các qui trình sản suất điện tử và các quá trình sản suất cần sạch bề mặt như in ấn, lắp đặt, dược phẩm, tráng phủ … Hoặc có thể làm đau đầu, chóng mặt, ảnh hưởng tới nhịp tim thai và gây ra tổn thương tới các chức năng của tim đối với thai phụ. Vì độ lớn của lực tĩnh điện phụ thuộc vào các vật liệu tiếp xúc, độ lớn lực ma sát (cọ sát) và tỉ lệ nghịch với độ ẩm không khí nên vào mùa hanh khô chúng ta nên hạn chế mặc quần áo bằng sợi tổng hợp hay sợi hóa học, chạm tay vào các vật kim loại để truyền bớt điện tích, chải tóc khi còn ướt và ẩm hoặc duy trì độ ẩm nhất định trong phòng.
Minh Thùy – Kim Liên (BM 2)