“Sờ” đâu cũng thấy vi phạm
Nói về công tác PCCC tại các KCN trên địa bàn tỉnh, ông Bùi Hồng Mai, Phó ban quản lý KCN tỉnh Bắc Ninh thẳng thắn thừa nhận: Công tác PCCC trong KCN của tỉnh, sờ đâu cũng thấy vi phạm. Tiến hành kiểm tra an toàn PCCC tại Công ty TNHH Fuji Precision, doanh nghiệp thuê 20.000m2 đất trong KCN Yên Phong của Tổng công ty Viglacera, sau đó xây nhà xưởng và hiện cho 4 công ty (Công ty TNHH Hà Nội Pearl Linghting, Suzumoto Việt Nam, Vinkyotec – Nicoh, Tamayoshi Việt Nam) thuê làm xưởng sản xuất. Tuy chủ cho thuê là người Nhật, có tiếng trong việc chấp hành pháp luật và các quy định an toàn, nhưng do quy định không rõ ràng về trách nhiệm giữa bên cho thuê và bên thuê mặt bằng đã khiến công tác PCCC rơi vào tình trạng “cha chung không ai khóc” với hàng loạt những vi phạm về an toàn PCCC: Để tận dụng tối đa mặt bằng, hầu hết các Công ty bố trí khu văn phòng, nhà kho, xưởng sản xuất liền kề nhau mà không có giải pháp ngăn cháy, chống cháy lan; không trang bị hệ thống đèn chỉ dẫn thoát nạn hoặc có trang bị nhưng đã lâu không hoạt động; đường dành cho xe chữa cháy bị tận dụng làm bãi để vật liệu phế thải; lối thoát nạn bị đường ống công nghệ vắt ngang; không xây dựng phương án chữa cháy và thoát nạn theo quy định… Công ty Suzumoto chuyên sản xuất chi tiết nhựa cho linh kiện điện tử, hoạt động 24/24h, có diện tích xưởng sản xuất rộng hàng nghìn mét nhưng không có hệ thống đèn chỉ dẫn thoát nạn và chiếu sáng sự cố nên nếu cháy xảy ra thì hàng chục công nhân sẽ không biết đường nào mà thoát ra ngoài. Công ty TNHH Hà Nội Pearl Linghting sản xuất bóng đèn ôtô chỉ làm việc đến 7h tối, sau đó khóa cửa xưởng, nếu cháy xảy ra sẽ không có người phát hiện, xử lý kịp thời… Để “rảnh tay” Công ty TNHH Fuji Precision đã chỉ thuê dịch vụ bảo vệ “vòng ngoài” với biên chế 2 người trực ban đêm, có trách nhiệm trông coi, bảo đảm an ninh, an toàn cho cả 4 Công ty trên một diện tích rộng tới 20.000 m2. Nếu xảy ra cháy, chắc chắn bảo vệ sẽ trở tay không kịp. Đây cũng là thực trạng ở nhiều KCN, vụ cháy tại nhà kho sản xuất của của Công ty TNHH Dorco Living Vina hôm 13.3.2016 tại KCN phố Nối A (Văn Lâm, Hưng Yên) là một ví dụ điển hình. Bảo vệ “vòng ngoài” phát hiện cháy nhưng chỉ biết đứng nhìn vì không có chìa khóa vào kho để cứu chữa, bảo vệ “vòng trong” thì không có nên lửa đã nuốt trọn 5000 m2 nhà xưởng cùng toàn bộ công nghệ sản xuất và hàng hóa trị giá hàng trăm tỷ đồng. Lực lượng chuyên nghiệp dù có nỗ lực ứng cứu thì cũng chỉ để ngăn không cho cháy lan sang các khu vực bên cạnh…
Cần nâng cao trách nhiệm người đứng đầu
Theo thống kê trong 3 năm gần đây, cả nước xảy ra 37 vụ cháy lớn KCN, trong đó Bắc Ninh xảy ra 6 vụ, gây thiệt hại trên 800 tỷ đồng, chiếm tới 47,4% tổng thiệt hại do cháy tại các KCN gây ra. Lý giải về nguyên nhân tại sao Bắc Ninh lại để xảy ra nhiều vụ cháy lớn, thiệt hại nghiêm trọng như vậy? Ông Bùi Hồng Mai cho rằng: “Nhận thức của chủ đầu tư hạ tầng KCN, doanh nghiệp thứ cấp có vấn đề, không coi công tác PCCC là gì, đến khi cháy mới tính đến thiệt hại”. Trong buổi làm việc với đoàn kiểm tra Cục Cảnh sát PCCC và CNCH, trong số 9/15 KCN đã đi vào hoạt động được mời chỉ có đại diện các Công ty hạ tầng của 7 KCN. Trong đó, KCN Khai Sơn (được cho là có nhiều vấn đề về PCCC) đã “trốn” không làm việc với cơ quan chức năng.
Theo nguyên tắc, các hạng mục PCCC phải được thẩm duyệt thiết kế ngay khi quy hoạch KCN. Tuy nhiên, khi xây dựng, các chủ đầu tư thường thực hiện không đúng như thiết kế quy hoạch được duyệt. Với mục đích lợi nhuận trên hết, chủ cơ sở bất chấp các quy định PCCC, mở rộng diện tích sản xuất làm thay đổi công năng sử dụng, làm mất tác dụng của hệ thống PCCC đã được thiết kế, gia tăng nguy cơ cháy; không đầu tư cho công tác PCCC hoặc đầu tư mang tính chiếu lệ, đối phó… Đến khi cơ quan chức năng phát hiện, kiến nghị thì dây dưa, kéo dài không khắc phục, thậm chí chấp nhận phạt chứ không thực hiện các giải pháp, biện pháp PCCC.
Trong những năm gần đây, Bắc Ninh đã trở thành “điểm nóng” về cháy, thiệt hại nghiêm trọng tại các cơ sở sản xuất trong KCN, nhiều vụ cháy thiệt hại vài trăm tỷ đồng (như cháy Công ty Thuốc lá Ngân Sơn năm 2015, thiệt trên 300 tỷ đồng, cháy Công ty Cổ phần Giấy Thành đạt cuối năm 2013, thiệt hại trên 100 tỷ đồng…) đã ảnh hưởng nghiêm trọng đến an sinh xã hội, môi trường, môi sinh của địa phương, khiến nhiều doanh nghiệp phá sản, hàng nghìn người lao động mất việc làm. Mặc dù, cơ quan chức năng đã có nhiều biện pháp từ tuyên truyền, tập huấn nghiệp vụ PCCC và CNCH, hướng dẫn, yêu cầu khắc phục vi phạm đến xử phạt nhưng hiệu quả chưa cao, vẫn tiềm tàng nhiều nguy cơ cháy nổ.
Đại tá Đoàn Hữu Thắng, Phó cục trưởng Cục Cảnh sát PCCC và CNCH cho biết: “Cách đây vài năm, Đồng Nai cũng là một điểm nóng về PCCC giống như Bắc Ninh, nhưng từ khi thành lập Cảnh sát PCCC với việc triển khai quyết liệt các biện pháp đấu tranh ngăn chặn cháy lớn. Kết quả là trong nhiều năm qua Đồng Nai đã không để xảy ra cháy lớn, gây thiệt hại nghiêm trọng trong các KCN”. Trong các giải pháp được triển khai, Đồng Nai đã khẳng định giải pháp mang tính quyết định là phát huy vai trò của người đứng đầu trong việc tổ chức và duy trì hoạt động PCCC tại cơ sở theo quy định của Luật PCCC năm 2001, Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật PCCC năm 2013 và Nghị định số 79/2014/NĐ-CP Quy định chi tiết một số điều của Luật PCCC và Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật PCCC.
Trong đợt kiểm tra này, cơ quan Cảnh sát PCCC và Ban quản lý KCN Bắc Ninh đã tìm được tiếng nói chung trong việc phối hợp thực hiện công tác bảo đảm an toàn PCCC tại các KCN. Đi đôi với việc xử phạt, tạm đình chỉ, đình chỉ hoạt động của lực lượng Cảnh sát PCCC, khi cần thiết, Ban quản lý KCN sẽ rút Giấy phép hoạt động đối với những doanh nghiệp cố ý vi phạm nghiêm trọng các quy định an toàn PCCC. Có lẽ, chỉ có những biện pháp quyết liệt như vậy mới buộc người đứng đầu phải vào cuộc và Bắc Ninh cũng sẽ như Đồng Nai, không còn là “điểm nóng” về cháy, gây thiệt hại nghiêm trọng./.
Minh Châu (C66)