Hội nghị đã thông qua hai Nghị quyết về phương hướng hoạt động trong các năm tiếp theo, cụ thể: Đẩy mạnh ứng phó hiệu quả các thảm họa thông qua việc thắt chặt mối quan hệ hợp tác giữa các đơn vị PCCC và CNCH quốc tế; nâng cao năng lực cán bộ, chiến sĩ chữa cháy và CNCH trước các thảm họa lớn. Trong khuôn khổ Hội nghị, lãnh đạo một số đơn vị PCCC quốc tế đã có tham luận về thực trạng công tác PCCC và CNCH tại quốc gia mình và nhận được sự quan tâm, thảo luận sôi nổi của các đại biểu tham dự.
Các đại biểu tham dự Hội nghị
Trao đổi với các đại biểu quốc tế tại Hội nghị, Thiếu tướng Đoàn Việt Mạnh đã giới thiệu về mô hình tổ chức, thực trạng công tác PCCC và CNCH của Việt Nam. Đồng chí nhấn mạnh vai trò quan trọng của IFCAA trong việc kết nối các nhà lãnh đạo PCCC trong khu vực châu Á và châu Đại Dương, đồng thời khẳng định Việt Nam luôn mong muốn mở rộng quan hệ hợp tác với các quốc gia trên thế giới trong lĩnh vực PCCC và CNCH, cũng như tăng cường hỗ trợ lẫn nhau vì sự an toàn của người dân và phát triển kinh tế xã hội.
Thiếu tướng Đoàn Việt Mạnh trao đổi với Ngài Jun Takahashi, Chủ tịch IFCAA, Cục trưởng Cục PCCC Tokyo, Nhật Bản
Bên lề Hội nghị, IFCAA đã tổ chức Triển lãm PCCC và An toàn Osaka năm 2016 nhằm giới thiệu công nghệ, phương tiện, thiết bị PCCC và CNCH tiên tiến của Nhật Bản. Tới tham quan các gian hàng triển lãm, Thiếu tướng Đoàn Việt Mạnh đánh giá cao sự đa dạng cũng như chất lượng các sản phẩm của Nhật Bản trong lĩnh vực này. Đồng chí đề nghị lãnh đạo các doanh nghiệp Nhật Bản tiếp tục đẩy mạnh hoạt động đầu tư vào Việt Nam, tiến tới xây dựng nhà máy sản xuất, cung cấp phương tiện, thiết bị cho thị trường nội địa với giá thành hợp lý, đáp ứng nhu cầu công tác PCCC và CNCH tại Việt Nam.
Việt Anh (C66)