1. Về phạm vi điều chỉnh
Thông tư này quy định về nguyên tắc, yêu cầu, độ tuổi tuyển chọn công dân thực hiện nghĩa vụ tham gia Công an nhân dân; ngành nghề tuyển chọn công dân nữ thực hiện nghĩa vụ tham gia Công an nhân dân; phân công trách nhiệm và phối hợp trong tuyển chọn; thời điểm phong cấp bậc hàm; xuất ngũ trước thời hạn đối với hạ sĩ quan, chiến sĩ nghĩa vụ.
2. Về đối tượng áp dụng
1. Công dân thực hiện nghĩa vụ tham gia Công an nhân dân theo quy định tại Điều 8 Luật Công an nhân dân, gồm:
a) Công dân nam trong độ tuổi gọi nhập ngũ đã đăng ký nghĩa vụ quân sự theo quy định của Luật Nghĩa vụ quân sự;
b) Công dân nữ trong độ tuổi gọi nhập ngũ đã đăng ký nghĩa vụ quân sự theo quy định của Luật Nghĩa vụ quân sự, có trình độ chuyên môn phù hợp với yêu cầu của Công an nhân dân, nếu tự nguyện và Công an nhân dân có nhu cầu.
2. Cơ quan, đơn vị và tổ chức, cá nhân liên quan trong tổ chức, thực hiện tuyển chọn và gọi công dân thực hiện nghĩa vụ tham gia Công an nhân dân.
3. Đơn vị thuộc Tổng cục, Bộ Tư lệnh trực thuộc Bộ Công an được sử dụng hạ sĩ quan, chiến sĩ nghĩa vụ; Công an tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, Cảnh sát phòng cháy và chữa cháy tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương (sau đây gọi chung là Công an đơn vị, địa phương).
3. Về nguyên tắc, yêu cầu tuyển chọn
1. Thực hiện đúng quy định tại Nghị định số 129/2015/ND-CP ngày 15 tháng 12 năm 2015 của Chính phủ về thực hiện nghĩa vụ tham gia Công an nhân dân.
2. Tuyển đủ số lượng, đúng tiêu chuẩn, địa bàn được phân bổ và bảo đảm chất lượng, dân chủ, công bằng, công khai, an toàn, tiết kiệm.
3. Đề cao trách nhiệm của Công an đơn vị, địa phương nhằm nâng cao chất lượng công tác tuyển chọn.
4. Về độ tuổi tuyển chọn
1. Công dân nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam từ đủ 18 tuổi đến hết 25 tuổi; công dân được đào tạo trình độ cao đẳng, đại học đã được tạm hoãn gọi nhập ngũ theo quy định của Luật Nghĩa vụ quân sự thì tuyển chọn đến hết 27 tuổi.
2. Tuyển cho các đơn vị Cảnh sát cơ động, Cảnh sát bảo vệ, Cảnh sát đặc nhiệm, Cảnh vệ: công dân từ đủ 18 tuổi đến hết 22 tuổi. Những địa phương khó khăn về nguồn tuyển, không có khả năng bảo đảm đủ chỉ tiêu thì có thể tuyển chọn đến hết 25 tuổi.
5. Về ngành nghề tuyển chọn công dân nữ thực hiện nghĩa vụ tham gia Công an nhân dân
1. Công dân nữ có trình độ trung cấp y, nếu tự nguyện và Công an đơn vị, địa phương có nhu cầu thì được xem xét, tuyển chọn thực hiện nghĩa vụ tham gia Công an nhân dân.
2. Căn cứ nhu cầu sử dụng trong từng thời kỳ, Tổng cục trưởng Tổng cục Chính trị Công an nhân dân trình Bộ trưởng Bộ Công an xem xét, quyết định bổ sung danh mục ngành, nghề cần thiết để tuyển chọn công dân nữ thực hiện nghĩa vụ tham gia Công an nhân dân.
6. Về phân công trách nhiệm và phối hợp trong công tác tuyển chọn công dân thực hiện nghĩa vụ tham gia Công an nhân dân
1. Tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật về thực hiện nghĩa vụ tham gia Công an nhân dân
a) Cục Pháp chế và cải cách hành chính, tư pháp chủ trì, phối hợp với các cơ quan thông tin đại chúng trong và ngoài lực lượng Công an nhân dân tổ chức tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật về thực hiện nghĩa vụ tham gia Công an nhân dân theo quy định của pháp luật;
b) Giám đốc Công an tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương (sau đây gọi chung là Giám đốc Công an cấp tỉnh), Trưởng Công an quận, huyện, thị xã, thành phố thuộc tỉnh (sau đây gọi chung là Trưởng Công an cấp huyện), Trưởng Công an xã, phường, thị trấn (sau đây gọi chung là Trưởng Công an cấp xã) có trách nhiệm tham mưu cho Ủy ban nhân dân cùng cấp thực hiện tốt công tác tuyên truyền, phổ biến, nâng cao nhận thức, trách nhiệm thực hiện quy định về thực hiện nghĩa vụ tham gia Công an nhân dân trong nhân dân, nhất là công dân trong độ tuổi tuyển chọn thực hiện nghĩa vụ.
2. Kế hoạch, chỉ tiêu tuyển chọn công dân thực hiện nghĩa vụ tham gia Công an nhân dân
a) Công an đơn vị, địa phương căn cứ nhu cầu sử dụng, xây dựng kế hoạch tuyển chọn công dân thực hiện nghĩa vụ tham gia Công an nhân dân của đơn vị, địa phương mình và chủ động có văn bản đề xuất chỉ tiêu tuyển về Bộ (qua Tổng cục Chính trị Công an nhân dân) trước ngày 15 tháng 8 hằng năm. Nội dung đề xuất cần thể hiện rõ số lượng, đơn vị sử dụng, địa bàn tuyển (đối với các đơn vị ở Bộ), ngành, nghề chuyên môn tuyển chọn (đối với công dân nữ);
b) Tổng cục Chính trị Công an nhân dân có trách nhiệm thẩm định đề xuất của Công an đơn vị, địa phương, báo cáo Bộ trưởng duyệt, trình Thủ tướng Chính phủ quyết định giao chỉ tiêu tuyển chọn công dân thực hiện nghĩa vụ tham gia Công an nhân dân ở từng tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương trước ngày 01 tháng 9 hằng năm.
Căn cứ quyết định của Thủ tướng Chính phủ, Tổng cục trưởng Tổng cục Chính trị Công an nhân dân trình Bộ trưởng Bộ Công an quyết định phân bổ chỉ tiêu tuyển chọn công dân thực hiện nghĩa vụ tham gia Công an nhân dân cho Công an đơn vị, địa phương;
c) Các đơn vị thuộc Bộ Công an, Cảnh sát phòng cháy và chữa cháy cấp tỉnh (đơn vị nhận quân) căn cứ chỉ tiêu tuyển công dân thực hiện nghĩa vụ tham gia Công an nhân dân được Bộ trưởng phân bổ ở từng địa phương cấp tỉnh, trong thời hạn 10 ngày kể từ ngày nhận được văn bản thông báo chỉ tiêu tuyển chủ động trao đổi, thống nhất với Công an cấp tỉnh về số lượng tuyển của đơn vị mình ở từng địa phương cấp huyện. Sau thời gian trên, nếu đơn vị nhận quân không có văn bản trao đổi, Giám đốc Công an cấp tỉnh căn cứ chỉ tiêu giao cho từng đơn vị để đề xuất phân bổ địa bàn tuyển quân.
Trên cơ sở thống nhất với đơn vị nhận quân về số lượng tuyển ở từng địa phương cấp huyện, Giám đốc Công an cấp tỉnh, Trưởng Công an cấp huyện có trách nhiệm tham mưu, đề xuất Chủ tịch Ủy ban nhân dân cùng cấp giao chỉ tiêu tuyển công dân thực hiện nghĩa vụ tham gia Công an nhân dân cho từng địa phương cấp huyện, cấp xã phù hợp với khả năng và nguồn tuyển ở từng địa bàn.
3. Thông báo tuyển chọn
Trưởng Công an cấp huyện có trách nhiệm tổ chức thông báo công khai về chỉ tiêu, tiêu chuẩn, thủ tục hồ sơ tuyển chọn theo quy định tại Điều 6 và điểm a khoản 1 Điều 7 Nghị định số 129/2015/ND-CP ngày 15 tháng 12 năm 2015 của Chính phủ về thực hiện nghĩa vụ tham gia Công an nhân dân.
4. Tiếp nhận, xét duyệt hồ sơ, thẩm tra, xác minh lý lịch của người dự tuyển
a) Trưởng Công an cấp huyện có trách nhiệm tổ chức tiếp nhận hồ sơ, sơ tuyển (chiều cao, cân nặng), xét duyệt hồ sơ của người dự tuyển trước khi tiến hành thủ tục thẩm tra, xác minh lý lịch. Việc sơ tuyển, xét duyệt phải chặt chẽ, theo đúng các tiêu chuẩn quy định, bảo đảm tuyển người nào, chắc người đó;
b) Căn cứ kết quả sơ tuyển, xét duyệt hồ sơ, Công an cấp huyện tổ chức thẩm tra, xác minh lý lịch của người dự tuyển.
5. Thống nhất nhân sự dự kiến tuyển chọn với cơ quan quân sự cùng cấp
Trên cơ sở kết quả thẩm tra, xác minh lý lịch của người dự tuyển, Trưởng Công an cấp huyện trao đổi, thống nhất với cơ quan quân sự cùng cấp về số lượng, nhân sự dự kiến tuyển chọn thực hiện nghĩa vụ tham gia Công an nhân dân trước khi ra lệnh gọi khám sức khỏe. Trường hợp không thống nhất thì báo cáo Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp huyện quyết định.
6. Ra lệnh gọi khám sức khỏe
a) Căn cứ số lượng, nhân sự dự kiến tuyển chọn đã thống nhất với cơ quan quân sự cùng cấp, Trưởng Công an cấp huyện ra Lệnh gọi khám sức khỏe đối với từng công dân; trong quá trình khám sức khỏe kết hợp lấy cỡ, số quân trang;
b) Kết thúc đợt khám sức khỏe, chậm nhất là 03 ngày làm việc, Công an cấp huyện báo cáo danh sách những trường hợp bảo đảm tiêu chuẩn sức khỏe (theo kết luận của Hội đồng khám sức khỏe), kèm theo hồ sơ thẩm tra, xác minh lý lịch, cỡ, số quân trang của từng trường hợp về Phòng Tổ chức cán bộ Công an cấp tỉnh.
7. Kết luận tiêu chuẩn chính trị
Phòng Tổ chức cán bộ Công an cấp tỉnh căn cứ hồ sơ do Công an cấp huyện báo cáo, thẩm định, trình Giám đốc Công an cấp tỉnh kết luận về tiêu chuẩn chính trị của người dự tuyển. Thời gian thẩm định và kết luận về tiêu chuẩn chính trị không quá 10 ngày kể từ khi nhận được đầy đủ thủ tục theo quy định.
8. Thống nhất số lượng, nhân sự tuyển chọn với các đơn vị ở Bộ, Cảnh sát phòng cháy và chữa cháy cấp tỉnh (đơn vị nhận quân)
a) Sau khi Giám đốc Công an cấp tỉnh kết luận tiêu chuẩn chính trị của người dự tuyển, chậm nhất là 02 ngày, Phòng Tổ chức cán bộ Công an cấp tỉnh phải thông báo bằng văn bản (có hẹn thời gian) tới các đơn vị nhận quân để tổ chức nghiên cứu hồ sơ, thống nhất số lượng, nhân sự tuyển chọn theo chỉ tiêu được phân bổ;
b) Trên cơ sở số lượng, nhân sự tuyển chọn của từng đơn vị nhận quân, Phòng Tổ chức cán bộ Công an cấp tỉnh có văn bản thông báo cho Trưởng Công an cấp huyện để tiến hành các thủ tục trình Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp huyện duyệt danh sách công dân được tuyển chọn thực hiện nghĩa vụ tham gia Công an nhân dân;
c) Đơn vị nhận quân có trách nhiệm thường xuyên trao đổi thông tin với Phòng Tổ chức cán bộ Công an cấp tỉnh để nắm chắc thời gian tổ chức lễ giao, nhận quân nhằm chủ động cấp phát quân trang, tổ chức tiếp nhận, chuyển quân về đơn vị.
9. Ra lệnh gọi công dân thực hiện nghĩa vụ tham gia Công an nhân dân
Căn cứ danh sách công dân được tuyển chọn thực hiện nghĩa vụ tham gia Công an nhân dân do Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp huyện duyệt, Trưởng Công an cấp huyện ra Lệnh gọi từng công dân thực hiện nghĩa vụ tham gia Công an nhân dân.
10. Giao, nhận công dân được tuyển chọn thực hiện nghĩa vụ tham gia Công an nhân dân
a) Phòng Tổ chức cán bộ Công an cấp tỉnh có trách nhiệm
Phối hợp với địa phương tổ chức và dự lễ giao, nhận quân; tiếp nhận công dân được tuyển chọn thực hiện nghĩa vụ từ địa phương giao quân để bàn giao cho các đơn vị nhận quân. Thời gian bàn giao chậm nhất là 05 ngày, kể từ ngày địa phương tổ chức lễ giao nhận quân;
b) Đơn vị nhận quân và Công an cấp tỉnh có trách nhiệm
Cấp phát quân trang cho chiến sĩ mới trước ngày tổ chức lễ giao, nhận quân, bảo đảm thống nhất, phù hợp với từng lực lượng, điều kiện thời tiết, khí hậu, vùng miền theo hướng dẫn của Tổng cục Hậu cần – Kỹ thuật; chuyển quân về đơn vị bảo đảm an toàn tuyệt đối, không để lưu quân dài ngày tại địa phương.
Trong thời hạn 07 ngày, kể từ ngày nhận quân phải tổ chức phúc tra tiêu chuẩn chiến sĩ mới theo quy định và chịu trách nhiệm về kết quả phúc tra; trường hợp không đủ tiêu chuẩn phải trả về địa phương thì thông báo bằng văn bản cho Công an cấp tỉnh, Công an cấp huyện và Ủy ban nhân dân cấp xã nơi công dân có hộ khẩu thường trú trước khi tuyển chọn vào thực hiện nghĩa vụ và cử cán bộ trực tiếp bàn giao công dân về Ủy ban nhân dân cấp xã. Đồng thời, phối hợp với Công an cấp huyện đó tuyển bù đổi trường hợp khác, bảo đảm chỉ tiêu được giao. Thời gian bù đổi trong 30 ngày kể từ ngày nhận quân;
c) Công an cấp huyện có trách nhiệm
Hoàn chỉnh thủ tục, hồ sơ (gồm cả hồ sơ đảng viên, đoàn viên) của công dân được gọi thực hiện nghĩa vụ bàn giao đầy đủ cho các đơn vị nhận quân, Phòng Tổ chức cán bộ Công an cấp tỉnh (đối với công dân được tuyển chọn thực hiện nghĩa vụ tại Công an cấp tỉnh) để phục vụ công tác quản lý theo quy định.
11. Huấn luyện chiến sĩ mới
a) Trong thời hạn từ 03 đến 05 ngày, kể từ ngày nhận quân, Công an cấp tỉnh và các đơn vị nhận quân phải tổ chức khai giảng khóa (lớp) huấn luyện chiến sĩ mới;
b) Phòng Tổ chức cán bộ Công an cấp tỉnh và cơ quan tổ chức cán bộ của các đơn vị nhận quân có trách nhiệm phối hợp với các đơn vị liên quan tổ chức phúc tra tiêu chuẩn chiến sĩ mới, xây dựng kế hoạch và tổ chức khóa huấn luyện chiến sĩ mới; tham mưu, đề xuất phân công chiến sĩ về các đơn vị để thực hiện nghĩa vụ sau khi kết thúc khóa huấn luyện.
12. Giám đốc Công an cấp tỉnh, Trưởng Công an cấp huyện, Trưởng Công an cấp xã phải đề cao trách nhiệm, thực hiện đúng quy định của pháp luật về công dân thực hiện nghĩa vụ tham gia Công an nhân dân, hiệp đồng chặt chẽ với cơ quan quân sự cùng cấp, Ban Chỉ huy quân sự xã tham mưu cho Chủ tịch Ủy ban nhân dân cùng cấp trong công tác tuyển chọn, gọi công dân nhập ngũ thực hiện nghĩa vụ, bảo đảm chất lượng, số lượng công dân được tuyển chọn theo chỉ tiêu được phân bổ. Mọi vướng mắc phát sinh trong quá trình thực hiện phải báo cáo kịp thời về Bộ (qua Tổng cục Chính trị Công an nhân dân) để phối hợp giải quyết.
Về chế độ thông tin, báo cáo
1. Trong thời hạn 30 ngày, kể từ ngày địa phương tổ chức lễ giao, nhận quân, Trưởng Công an cấp huyện có trách nhiệm báo cáo kết quả đợt tuyển quân về Phòng Tổ chức cán bộ Công an cấp tỉnh.
2. Chậm nhất 45 ngày, kể từ ngày tổ chức giao, nhận quân, Công an đơn vị, địa phương báo cáo kết quả đợt tuyển quân về Bộ (qua Tổng cục Chính trị Công an nhân dân).
8. Về thời điểm phong cấp bậc hàm cho chiến sỹ mới
Thủ trưởng Công an đơn vị, địa phương căn cứ quy định của Bộ về phân công trách nhiệm giữa Công an các cấp về một số vấn đề trong công tác tổ chức cán bộ của lực lượng Công an nhân dân ra quyết định phong cấp bậc hàm Binh nhì cho công dân thực hiện nghĩa vụ kể từ ngày khai mạc khóa huấn luyện chiến sĩ mới, thời gian xét thăng cấp bậc hàm kế tiếp được tính từ ngày đơn vị tiếp nhận công dân thực hiện nghĩa vụ.
9. Xuất ngũ trước thời hạn
1. Điều kiện
Hạ sĩ quan, chiến sĩ nghĩa vụ có thể được xuất ngũ trước thời hạn, nếu thuộc một trong các trường hợp sau:
a) Được Hội đồng giám định y khoa cấp tỉnh hoặc Hội đồng giám định y khoa Bộ Công an kết luận không đủ sức khoẻ để tiếp tục phục vụ tại ngũ;
b) Là lao động duy nhất phải trực tiếp nuôi dưỡng thân nhân không còn khả năng lao động hoặc chưa đến tuổi lao động hoặc bị mắc bệnh thuộc danh mục bắt buộc chữa trị dài ngày hiện hành của Bộ Y tế mà điều kiện gia đình gặp nhiều khó khăn; trong gia đình bị thiệt hại nặng về người và tài sản do tai nạn, thiên tai, dịch bệnh nguy hiểm gây ra;
c) Con của liệt sĩ, con của thương binh hạng một;
d) Một anh hoặc một chị hoặc một em của liệt sĩ;
đ) Một con của thương binh hạng hai; một con của bệnh binh suy giảm khả năng lao động từ 61% trở lên; một con của người nhiễm chất độc da cam suy giảm khả năng lao động từ 61% trở lên.
2. Thực hiện
a) Đối với trường hợp quy định tại điểm a khoản 1 Điều này thực hiện như sau:
Hạ sĩ quan, chiến sĩ nghĩa vụ có đơn đề nghị, Giám đốc Công an cấp tỉnh, Giám đốc Cảnh sát phòng cháy và chữa cháy cấp tỉnh có văn bản đề nghị Hội đồng giám định y khoa cùng cấp hoặc Hội đồng y khoa Bộ Công an khám và kết luận. Riêng đối với các đơn vị ở Bộ, do Tổng cục trưởng, Tư lệnh có văn bản đề nghị Hội đồng giám định y khoa Bộ Công an khám và kết luận.
Căn cứ vào kết luận không đủ sức khỏe để tiếp tục phục vụ tại ngũ của Hội đồng giám định y khoa, Tổng cục trưởng, Tư lệnh, Giám đốc Công an cấp tỉnh, Giám đốc Cảnh sát phòng cháy và chữa cháy cấp tỉnh quyết định xuất ngũ trước thời hạn đối với hạ sĩ quan, chiến sĩ nghĩa vụ;
b) Đối với các trường hợp quy định tại các điểm b, c, d và đ khoản 1 Điều này thực hiện như sau:
Hạ sĩ quan, chiến sĩ nghĩa vụ có đơn đề nghị (có xác nhận của Ủy ban nhân dân cấp xã nơi gia đình hạ sĩ quan, chiến sĩ nghĩa vụ cư trú); căn cứ quy định tại Thông tư này và hoàn cảnh thực tế của hạ sĩ quan, chiến sĩ nghĩa vụ, Tổng cục trưởng, Tư lệnh, Giám đốc Công an cấp tỉnh, Giám đốc Cảnh sát phòng cháy và chữa cháy cấp tỉnh quyết định xuất ngũ trước thời hạn đối với hạ sĩ quan, chiến sĩ nghĩa vụ.
10. Hiệu lực thi hành
Thông tư này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 15 tháng 11 năm 2016. Thông tư số 21/2007/TT-BCA(X13) ngày 09 tháng 10 năm 2007 của Bộ trưởng Bộ Công an hướng dẫn thực hiện một số điều của Nghị định số 12/2007/ND-CP ngày 17 tháng 01 năm 2007 của Chính phủ về công dân phục vụ có thời hạn trong Công an nhân dân và Thông tư số 74/2011/TT-BCA ngày 11 tháng 11 năm 2011 của Bộ trưởng Bộ Công an sửa đổi, bổ sung một số điểm của Thông tư số 21/2007/TT-BCA(X13) hết hiệu lực thi hành kể từ ngày Thông tư này có hiệu lực thi hành.
3. Ban hành kèm theo Thông tư này các biểu mẫu: Lệnh gọi khám sức khỏe thực hiện nghĩa vụ tham gia Công an nhân dân (mẫu NVCA số 01); Lệnh gọi công dân thực hiện nghĩa vụ tham gia Công an nhân dân (mẫu NVCA số 02); Quyết định về việc hạ sĩ quan, chiến sĩ thực hiện nghĩa vụ tham gia Công an nhân dân xuất ngũ trước thời hạn (mẫu NVCA số 03); Quyết định về việc hạ sĩ quan, chiến sĩ thực hiện nghĩa vụ tham gia Công an nhân dân xuất ngũ (mẫu NVCA số 04); Báo cáo Kết quả tuyển chọn công dân thực hiện nghĩa vụ tham gia Công an nhân dân (mẫu NVCA số 05).
Tạ Chí Công (Theo Thư viện Pháp Luật)