Hình ảnh sông Tô Lịch trước kia
Sông Tô Lịch vốn là một phân lưu của sông Hồng, đưa nước từ sông Hồng sang sông Nhuệ. Sách Đại Nam nhất thống chí (soạn giữa thế kỷ 19) có viết: “Sông Tô ở phía Đông tỉnh thành (Hà Nội) là phân lưu của sông Nhị, chảy theo phía Bắc tỉnh thành vào cửa cống thôn Hương Bài, tổng Đông Xuân, huyện Thọ Xương (cửa sông xưa nằm ở vị trí phố Cầu Gỗ quận Hoàn Kiếm) chuyển sang phía Tây huyện Vĩnh Thuận đến xã Nghĩa Đô ở phía Đông huyện Từ Liêm và các tổng thuộc huyện Thanh Trì, quanh co gần 60 dặm, tới xã Hà Liễu chảy vào sông Nhuệ.”
Đoạn sông từ phố Cầu Gỗ đến đường Bưởi, nay đã bị lấp, không còn dấu tích gì. Và do đó, Tô Lịch không còn thông với sông Hồng nữa. Dòng chảy của đoạn sông đã bị lấp này theo lộ trình sau: từ Cầu Gỗ ngược lên (cống chéo) Hàng Lược, men theo đường Phan Đình Phùng (phía ngoài mặt Bắc thành Hà Nội), rồi chảy dọc theo hai phố Thụy Khuê và Hoàng Hoa Thám ngày nay ra đến đường Bưởi (gặp đoạn sông Tô Lịch ngày nay).
Sông Tô Lịch ngày nay bắt đầu từ Cầu Giấy, chảy cùng hướng với đường Láng và đường Kim Giang về phía Nam tới sông Nhuệ. Theo sách “Việt Điện u linh” thì Tô Lịch là tên một vị thủ lĩnh làng Hà Nội gốc (cách gọi của Giáo sư Trần Quốc Vượng). Tô Lịch có nhiều công với dân làng nên khi ông mất, làng Hà Nội gốc được mang tên ông, rồi được phong là Long Đỗ Thần hay Tô Lịch Giang Thần. Về mùa mưa lũ, nước trong đồng đổ dồn vào sông Tô và thường cao hơn nước sông Hồng nên dòng nước sông Tô chảy vào sông Hồng. Bọn đô hộ phương Bắc không biết nên gọi là sông “nghịch thuỷ”. Chúng đã tổ chức lễ tế Tô Lịch Giang Thần ở đền Bạch Mã và phong ông là “Đô Phủ Thành hoàng Thần Quân”.
Địa danh quan trọng nhất bên bờ sông Tô, đó là ngã ba sông Thiên Phù Tô Lịch có bến Hồng Tân (vùng chợ Bưởi bây giờ), trên đường từ Hoa Lư về thăm quê ở Cổ Pháp, vua Lý Công Uẩn đã dừng thuyền ngự tại đây và nhận ra thế đất “dựng nghiệp để vương cho muôn đời”. Và cũng chính tại đây, sau Chiếu Dời đô, vào mùa thu, tháng bảy năm Canh Tuất (1010), thuyền ngự với chiến thuyền và văn võ bá quan hộ tống, từ Hoa Lư, vua Lý Thái Tổ đã ngược dòng cặp bến Đại La, tức bến Hồng Tân. Dân vùng Bưởi đón nhà vua với lụa là, gấm vóc và nhiều sản vật quý, sau được nhà vua ban tặng tên làng Nghĩa Đô và Bái Ân. Từ ngày Lý Thái Tổ định đô Thăng Long và trải qua các triều Lý – Trần – Lê, sông Tô Lịch có một sức sống mạnh mẽ, phong phú.
Hai bên sông xuất hiện nhiều làng dân cư đông đúc, kinh tế phát triển, nhiều công trình kiến trúc, chủ yếu là chùa, quán và cũng tại hai triền sông Tô này, xuất hiện nhiều danh nhân văn hóa đất nước – bên tả ngạn gồm phần đất của 2 huyện Thọ Xương, Vĩnh Thuận, ngoài thành nội, còn có 61 phường thợ thủ công, dân thập tạm trại, từ Lệ Mật sang khai khẩn, trồng lúa, rau, hoa; dân Kẻ Láng có sản vật húng Láng nổi tiếng suốt mấy đời nay.
Ngoài các sản phẩm nông nghiệp, dân cư ven sông Tô còn có các nghề thủ công nổi tiếng như: Nghĩa Đô, An Thái, Hồ Khẩu, Kẻ Cót có nghề làm làm giấy, trong đó giấy dó Nghĩa Đô, An Thái được triều đình dùng để viết chiếu chỉ, sắc phong. Các làng Trích Sài, Bái Ân, Nghĩa Đô có nghề dệt lụa lĩnh nổi tiếng từ ngàn xưa. Dân huyện Long Đàm xưa có nhiều làng xã nằm ven sông Tô, có các nghề nổi tiếng như dưa cà làng Gừng, kim hoàn ở Định Công Thượng, nghề làm quạt và kẹo bột bỏng gạo ở Kim Lũ, làng Ngâu có nghề nấu rượu, Tứ Kỳ làm bún đã mấy trăm năm…
Dọc hai bờ sông Tô xưa từ Bưởi đến chợ Gạo và từ Bưởi đến Thanh Trì, Thường Tín có nhiều làng cổ, mỗi làng đếu có đầy đủ thiết chế đình đền, chùa, tính sơ bộ có tới cả trăm đình, đền chùa, miếu. Nhưng nổi tiếng nhất có đền Bạch Mã thờ Tô Lịch Giang thần, đền Quán Thánh thờ thần Trấn Võ; đến Đồng Cổ ở thôn Đông Xã, thờ thần Đồng Cổ và là nơi từ thời Lý Thái Tông, hàng năm mở hội thề. Ở vùng Bưởi còn có đình An Thái thờ ông Dầu, bà Dầu, tương truyền là người hy sinh thân mình cứu thành và cứu vua Lý khỏi bệnh đau mắt; đền Voi Phục thờ Linh Lãng Đại Vương. Làng An Lãng có chùa “Chiêu Thiền Tự” (tức chùa Láng), gắn liền với tên tuổi thiền sư Từ Đạo Hạnh, một nhà sư, một nghệ sỹ chèo.
Trên đất trang Cung Hoàng xưa bên bờ sông Tô, Chu Văn An đã từng mở trường học dạy học; nơi đây nay là văn chỉ Chu Văn An cùng với bia trên 30 vị khoa bảng của huyện Thanh Trì. Đối diện với văn chỉ Chu Văn An, bên này sông Tô, trên đất Bằng Liệt xưa là miếu Xạ Can (Miếu trừ nạn hạn hán), gọi nôm là miếu Gàn, thờ người học trò thuỷ thần của Chu Văn An – nghe lời thầy, người học trò này đã dùng bút mực cầu đảo trời làm mưa chống hạn cứu lúa cho cả vùng.
Sông Tô Lịch trước đây nước đầy ắp, nhiều bến cảng, thuyền mành chen vai sát cánh. Đời sống sông Tô vô cùng phong phú, đa dạng. Sông Tô không chỉ có giá trị về mặt văn hoá mà còn có giá trị về kinh tế. Đây cũng con đường giao thương của các nhà buôn xưa kia. Nhắc đến sông Tô Lịch cũng như nhắc đến “Hà Nội 36 phố phường”. Và sông Tô Lịch đã trở thành một cái gì đó vô cùng quen thuộc với người dân Thủ đô qua năm tháng.
Theo thời gian, thành phố phát triển, quá trình đô thị hoá đã khiến sông Tô Lịch giờ đây lòng hẹp, nông, ít nước, ô nhiễm… đã có lúc, người ta cảm tưởng sông Tô giờ đây đã tàn lụi, lùi dần vào quá khứ, chỉ là nơi để xả thải. Có lúc người ta định cống hóa sông Tô ở những đoạn đẹp nhất để làm dịch vụ và làm bãi trông giữ ô tô.
Tuy nhiên, sông Tô Lịch chưa bao giờ hết giá trị. Ngoài những giá trị về lịch sự, trong quá trình đô thị hoá, sông Tô Lịch còn có giá trị đặc biệt đối với công tác chữa cháy hiện nay của Thủ đô. Điển hình một số vụ cháy vừa qua, như: vụ hoả hoạn sáng 11/2/2016, cháy kiôt trên phố Nguyễn Khang, xe tiếp hết nước, Cảnh sát đã bơm nước sông Tô Lịch chữa cháy. Hơn một giờ sau, vụ hỏa hoạn được khống chế hoàn toàn; hay ngày 17/6/2016, một vụ cháy lớn đã xảy ra tại kho hàng xưởng chế xuất gỗ trong Công ty TNHH xuất nhập khẩu Hồng Hà trên đường Trường Chinh, Thanh Xuân, Hà Nội, để kịp thời chữa cháy, lực lượng PCCC đã phải hút nước từ sông Tô Lịch lên để chữa cháy… Theo thống kê của Cảnh sát PC&CC TP Hà Nội, hiện Hà Nội có 2.300 trụ chữa cháy thì khoảng 300 trụ trục trặc, và theo quy định thì còn thiếu khoảng 6.000 trụ cấp nước chữa cháy. Mà thực tế cho thấy, hiện nay ở Hà Nội các ao hồ đã bị san lấp nhiều nên nguồn nước chữa cháy rất khó khăn. Chưa kể, xét theo yếu tố địa lý, sông Tô Lịch trải dài qua 6 quận, huyện trên địa bàn TP Hà Nội, sẽ là nơi cung cấp nước chữa cháy không nhỏ cho công tác chữa cháy trong điều kiện quy hoạch PCCC chưa đáp ứng được nhu cầu hiện nay.
Và vừa qua, Hà Nội công bố dự án xây dựng nhà máy xử lý nước thải 800 triệu USD với mục tiêu làm sạch nước sông Tô Lịch là tin vui không chỉ với người dân Thủ đô về mặt giá trị văn hoá mà cũng là điều hết sức có ý nghĩa với công tác PCCC hiện nay! Hy vọng rằng, với sự vào cuộc của các cấp chính quyền, sông Tô Lịch sớm trở lại vẻ đẹp vốn có của nó, và thế hệ ngày nay sẽ một lần nữa được thấy hình ảnh thuyền nan xuôi ngược trên sông, chứ không chỉ còn trên sách vở.
Thái Thụy