web nhà cái cá độ bóng đá uy tín blckvc,trò chơi nổi tiếng

Nếu một ngày vắng anh

Dường như không quan tâm đến khung cảnh náo nhiệt của đường phố, nàng vội vã thu gọn nốt đống hàng hóa tồn kho vào trong quầy, khóa cửa và tất tưởi lấy xe đi về. Đã muộn lắm rồi, nàng chắc mẩm giờ này cậu con trai nhỏ 4 tuổi đang đỏ mắt ngóng chờ mẹ đến đón. Bỗng có tiếng chị bán hàng quầy bên cạnh gọi với:

Linh ơi, về đấy à? có sang bên kia mua cây đào với chị không? Người ta bán rẻ lắm!

-  Em chả còn tâm trạng đâu mà mua với bán, chị ạ! Muộn giờ đón cu An quá rồi! Em cố nán lại, bán thanh lý cho hết chỗ hàng tồn để thu hồi vốn. Từ mai cu An được nghỉ học, em sẽ nghỉ không bán hàng nữa, còn ở nhà trông nó.

-  Rõ tội nghiệp thằng bé! Ngày nào bố mẹ cũng đến đón muộn! Thôi nhanh về đi không nó mong…

Nàng phóng xe như bay trên đường. Sáng nay khi đưa cu An đi học, cậu bé còn dặn mẹ nhớ đón sớm và nàng đã ậm ừ qua loa, thế mà giờ nàng lại lỡ hẹn với con. Nghĩ thương con mà nàng tự trách mình ghê gớm. Trách mình bao nhiêu thì nàng lại càng thấy trách chồng bấy nhiêu. Vì ai mà nàng phải bỏ con để lao ra ngoài cuộc đời bươn chải, bon chen kiếm tiền như thế này? Há chẳng phải tại anh chồng với cái lý tưởng sống “hâm hấp”, chuyên “ăn cơm nhà vác tù và hàng tổng”, chỉ biết đi lo chuyện thiên hạ mà không lo nổi cho chính cái gia đình nhỏ của mình đó sao? Nàng không chịu nổi nữa, dù anh ta có tốt đến mấy thì nàng cũng chịu thôi! Phen này nàng nhất định sẽ đưa con đi, từ bỏ cái cuộc sống chật vật, tằn tiện luôn khiến nàng phải gồng mình bấy lâu nay.

Ngày ấy, nàng gặp anh khi đang còn là cô nữ sinh cuối cấp hồn nhiên mơ mộng, còn anh là chiến sỹ Cảnh sát trẻ mới được nhận nhiệm vụ công tác tại một đơn vị Cảnh sát PCCC ở ngoại ô thành phố. Nàng bị ấn tượng bởi gương mặt kiên nghị trông có vẻ già dặn hơn so với lứa tuổi đôi mươi, làn da ngăm đen rắn rỏi và dáng người cao lớn của anh. Và điều mà nàng bị thu hút nhất ở anh, khiến nàng cảm thấy anh khác biệt so với bọn con trai vẫn thường hay tán tỉnh nàng, đó là lý tưởng sống cao đẹp “Vì nước quên thân, vì dân phục vụ” của người chiến sỹ Cảnh sát Nhân dân. Nàng rất thích nghe anh kể chuyện về nghề “chữa cháy”, những câu chuyện bình dị về cuộc sống trong đơn vị của anh và đồng nghiệp, về những bữa cơm dang dở khi có chuông báo cháy, hay những giây phút xông pha vào sinh ra tử cùng đồng đội chiến đấu với “giặc lửa” để cứu tính mạng, tài sản của nhân dân. Trong mắt nàng lúc đó, anh quả là một “hiệp sỹ” giữa đời thực… và thế là nàng yêu anh, yêu luôn cả những cuộc điện thoại, những dòng tin nhắn vội của anh khi đang trực chiến.

Những tưởng đám cưới sẽ là cái kết có hậu cho chuyện tình đẹp của hai người. Nhưng cuộc đời đâu như là mơ, thời gian cứ trôi đi và con người ta thay đổi, đó vẫn là quy luật của cuộc sống. Bước chân vào xây dựng gia đình ở cái tuổi đôi mươi, phải hứng chịu áp lực từ nỗi lo cơm áo gạo tiền mỗi ngày, nhất là sau khi cậu con trai nhỏ ra đời, nàng dần thay đổi suy nghĩ. Nhiệm vụ công tác khiến anh thường xuyên phải trực chiến, thời gian ở đơn vị có khi còn nhiều hơn ở nhà. Thậm chí có những hôm cuối tuần, đang ăn dở bữa cơm với vợ con, anh lại vội vã rong xe đi vì nhận được điện của cấp trên gọi đến nhận nhiệm vụ đột xuất. Cứ thế, gia đình nhỏ của 2 vợ chồng gần như do một tay nàng chăm sóc. Với đồng lương cấp úy ít ỏi, vừa thuê nhà lại nuôi con ăn học, bố mẹ ở quê nghèo không hỗ trợ được gì nên vợ chồng nàng chẳng lấy đâu mà dư dả. Nàng bắt đầu phải lăn lộn chốn thương trường, buôn bán cò con, kiếm thêm thu nhập để phụ chồng trang trải cho cuộc sống và tích lũy chút vốn liếng cho gia đình. Nàng đổi khác nhiều từ ngày đó… Áp lực đồng tiền đã biến nàng từ một người con gái xinh đẹp, dịu dàng trở thành người phụ nữ thực dụng và hay cáu gắt, từ chỗ thần tượng lý tưởng sống của chồng đã chuyển sang chì chiết, trách móc:

– Đời người con gái hơn nhau ở tấm chồng. Cứ nhìn chồng mấy đứa bạn em mà xem, người ta nhanh nhạy với thời cuộc như thế chứ! Đi buôn đi bán, đi Tây đi Tàu, kiếm tiền như nước, sắm nhà lầu xe hơi cho vợ con. Đâu có ai hão huyền, ảo mộng như anh!

Những lúc ấy, chồng nàng chỉ cười trừ, động viên vợ:

– Thì em cũng phải bình tĩnh chứ, mỗi người đều có một cách khác nhau để xây dựng cuộc sống, xây dựng xã hội. Mình còn trẻ phải phấn đấu cống hiến cho đất nước phát triển! Ai cũng lo đòi hỏi quyền lợi thì đất nước mình sẽ đi đến đâu…

– Cống với chả hiến! Anh có mài cái đống lý tưởng ấy ra để mà ăn được không? Đến bao giờ thì mới đủ tiền để mua được một cái nhà, mới hết cái cảnh chui rúc khổ sở như này? Đúng là em dại dột mới đi lấy một anh lính nghèo mà…

Một ngày, người họ hàng của nàng sống ở nước ngoài cần tuyển thêm lao động làm tại cửa hàng kinh doanh của họ, hứa sẽ giúp đỡ bảo lãnh cho hai mẹ con nàng sang Châu Âu sinh sống. Nghe đâu sang đó kiếm tiền dễ lắm! Có phải đây chính là cơ hội để mẹ con nàng được đổi đời?  Nàng muốn làm giàu thật nhanh. Nàng không kiên trì được nữa! Chưa bao giờ nàng thấy chán chồng đến vậy. Thế là lòng nàng đã quyết… Khi năm mới đến, nàng sẽ dẫn con đi, để mặc anh với cái lý tưởng vĩ đại “vì nước quên thân, vì dân phục vụ” của mình. Nàng chả vì ai hết, nàng chỉ biết rằng nàng cần có tiền, cần một cuộc sống khác vì cậu con trai nhỏ và chính bản thân nàng.

Rít liền một lúc ba điếu thuốc, anh thả những suy tư của mình vào làn khói mờ ảo. Có lẽ nào anh đành chấp nhận buông bỏ cuộc hôn nhân này? Rồi mai đây, anh sẽ không còn được gặp con trai bé bỏng mỗi ngày, không còn có một mái ấm nhỏ của riêng mình để trở về, với tiếng cười trẻ thơ và khuôn mặt xinh đẹp của vợ mong chờ anh sau mỗi đêm trực chiến? Anh sẽ quay trở lại với cuộc sống độc thân trước kia và tiếp tục cống hiến quãng thời gian còn lại của đời mình với công việc mà anh vẫn luôn tự hào về nó, như đã ngấm vào máu thịt của anh, nghề lính cứu hỏa – “cứu cái còn trong cái mất”. Vậy mà anh chẳng thể cứu được cái gia đình bé nhỏ của mình hay sao? Anh thật sự cảm thấy bế tắc! Giữa anh và vợ giờ là những khoảng trống vô hình không thể vượt qua nổi… Những mâu thuẫn ngày càng gay gắt khi hai người không cùng chung quan điểm sống.

                     Anh biết em đã vì anh mà phải chịu nhiều vất vả, anh sẽ cố gắng hết sức để em và con không quá khổ. Trước mắt mình sẽ phấn đấu mua một căn nhà nhỏ, nhưng cần phải có thêm thời gian, vì xuất phát điểm của anh đâu có được may mắn như người ta. Em đừng quá áp lực về vấn đề kinh tế! Anh tin rằng dần dần gia đình mình rồi sẽ khá lên!

                     Đến bao giờ hả anh? Cuộc sống mà không có tiền thì biết đến bao giờ mới khá lên được! Sao anh không thể sống thực tế hơn được à? Sao anh cứ huyễn hoặc mãi thế? Tôi thấy thật bất hạnh khi là vợ anh!

                     Em…!

Anh thấy cay đắng khi là đàn ông mà không thể cho vợ con một cuộc sống sung túc. Nhìn ánh mắt ngơ ngác, sợ hãi của cậu con trai bé bỏng khi chứng kiến cảnh người lớn nạt nộ nhau, những lúc ấy anh thấy lòng mình nhói đau… có khi nào anh đã sai khi chọn nghề cứu hỏa? lẽ nào anh chỉ mang lại bất hạnh cho vợ như lời cô ấy nói?…

Trong cuộc họp giao ban toàn đơn vị, bộ phận chế độ chính sách thông báo: anh được lãnh đạo Bộ Công an phê duyệt cho mua nhà ở xã hội với mức giá ưu tiên, bởi những thành tích công tác xuất sắc. Anh mừng lắm, trong những năm tháng qua, anh và đồng đội luôn trăn trở, cống hiến hết sức mình vì sự bình yên cho Tổ quốc, cho nhân dân. Và giờ đây, như để đáp lại tấm chân tình của các anh, Đảng, Nhà nước và nhân dân cũng đang chăm lo cho chính tổ ấm riêng của mỗi người cán bộ, chiến sỹ. Anh muốn về nhà thật nhanh để báo tin cho vợ. Chắc cô ấy sẽ vui lắm! Vậy là anh sắp có thể cho vợ con một căn nhà riêng của chính mình rồi. Từ nay vợ anh sẽ bớt đi được phần nào gánh nặng về kinh tế…

Vừa về đến nhà, nhìn tấm thẻ visa của hai mẹ con và lá đơn ly hôn trên bàn, lòng anh tê tái.

– Anh không phải nói thêm gì nữa! Tôi đã suy nghĩ kỹ rồi! Anh hãy ký vào đơn để giải thoát cho 2 mẹ con tôi!

Trên gương mặt xinh đẹp của vợ anh toát lên vẻ dứt khoát và lạnh lùng đến xa lạ. Anh phải làm gì đây? Lẽ nào mọi cố gắng của anh chẳng có ý nghĩa gì? Anh đã không còn là chỗ dựa cho vợ từ bao giờ? Từ bao giờ cô ấy đã không còn cần đến anh? Anh bối rối quay bước đi, hai bàn tay nắm chặt.

– Chúng ta cần thêm thời gian để bình tĩnh suy nghĩ em ạ. Mọi chuyện đều có cách giải quyết. Không nên vội vàng mà sai lầm! Anh phải đến đơn vị trực chiến bây giờ. Chiều em nhớ đón con sớm kẻo nó mong nhé! Hôm nay đã là buổi học cuối của con rồi..!

Bỗng nhiên, tiếng chuông báo cháy kêu inh ỏi. Tết gõ cửa rồi, mà giặc lửa vẫn hoành hành. Gạt qua mọi suy tư đang rối bời trong trí óc, nhanh như cắt, anh và đồng đội mặc quần áo bảo hộ, vội vã leo lên chiếc xe cứu hỏa thẳng tiến đến đám cháy.

Vừa đi xe đến ngã ba, cách trường mầm non nơi con trai học khoảng 50m, nàng thấy người dân tập trung đông nghẹt bên đường, chỉ trỏ… Màu vàng của những chiếc đèn trên xe cứu hỏa hắt ra loang loáng, tiếng người nhớn nhác gọi nhau. Tiếng khóc lóc sợ hãi của trẻ con và người lớn. Xa xa văng vẳng tiếng còi hú của những chiếc xe cứu hỏa khác cũng đang trên đường tới. Một cột khói đen, to lớn bốc lên nghi ngút từ tòa nhà trước mắt. Nàng run rẩy không còn tin vào những gì mình vừa nhìn thấy. Buông vội chiếc xe, nàng chạy như điên về phía trước. Đó là đám cháy tại 1 tòa nhà 7 tầng – chính là Trường Mầm non Tư thục Hoa Hồng mà nàng vẫn gửi con trai. Những chiếc xe chữa cháy liên tục phun nước vào ngọn lửa đang bốc cháy cuồn cuộn nuốt trọn tầng 1 và tầng 2 của tòa nhà. Khói đen mù mịt bốc thẳng lên các tầng trên khiến cho việc thoát nạn trở nên khó khăn. Giờ này các cháu nhỏ đã được bố mẹ đón về gần hết, chỉ còn vài cháu do bố mẹ đến đón muộn nên đang bị kẹt cùng các cô trên các tầng cao của tòa nhà. Các chiến sỹ Cảnh sát PCCC phải triển khai dùng thang cứu hộ tiếp cận qua những ô cửa sổ và các ban công của tòa nhà để vào cứu người. Nhanh thoăn thoắt, những người lính cứu hỏa giống như những siêu nhân leo lên tường, vào từng phòng tìm kiếm và nhanh chóng đưa các nạn nhân xuống mặt đất. Nàng gào lên, chạy lại gần từng em bé đang hoảng sợ tột độ vừa được các chú lính cứu hỏa dìu ra, nhớn nhác tìm con:

– An ơi! con đâu rồi? có ai thấy con tôi đâu không?…

Nàng nhận ra những khuôn mặt quen thuộc là đồng nghiệp của chồng. Một anh lính trẻ tiến đến kéo nàng cách xa đám cháy.

– Chị Linh, đề nghị chị bình tĩnh! Tránh xa khu vực nguy hiểm để chúng tôi còn làm nhiệm vụ. Đồng chí Bình đang vào giải cứu các nạn nhân còn mắc kẹt trên tầng cao rồi!

Ngay lúc đó, từ trên tầng 7 của tòa nhà, một người lính bế một đứa trẻ đu dây xuống mặt đất.

– Ôi! Con trai của mẹ đây rồi! Vạn lần đội ơn các anh đã cứu con em!

Nàng chạy ào tới ôm ghì lấy cậu con trai, khóc nức nở, vỡ òa trong hạnh phúc. Cậu bé sợ hãi, vừa khóc vừa ho sặc sụa.

– Mẹ ơi! Cứu con với!

– Không sao rồi con yêu! Mẹ xin lỗi đã đến đón con muộn! Mẹ xin lỗi con!

Bỗng một tiếng “rầm” thật lớn từ trên cao dội xuống, mọi người sững sờ nín thở nhìn lên trên tòa nhà. Trong vài giây, không khí im lặng bất ngờ bao phủ lấy cả đám đông. Lòng nàng nóng như lửa đốt, sao mãi vẫn không thấy anh đâu?… Đám cháy to quá, khói đen nhiều quá… Ngay sau đó, sát cạnh chỗ hai mẹ con nàng đang đứng, vang lên tiếng gào khóc thảm thiết của một đôi vợ chồng gọi con trong vô vọng…

Từ ban công tầng 5, một người lính đang bế thốc một người lính khác trên vai, tay kia cắp thêm một em nhỏ chạy thẳng đến chiếc thang cứu hộ đang chờ sẵn. Xuống đến mặt đất, nhận ra con mình, cặp vợ chồng mừng tủi lao đến đón con. Anh lính cũng vội đặt đồng nghiệp của mình nằm xuống đất và thực hiện động tác hô hấp sơ cứu. Nàng thất thần chạy đến bên người lính với đôi mắt nhắm nghiền. Bình của nàng đây rồi! Cái khuôn mặt vuông nghiêm nghị của anh lính “ăn cơm nhà vác tù và hàng tổng” ấy đây rồi! Nhưng anh làm sao vậy, sao không mở mắt ra nhìn nàng và con đi? “Dậy đi anh ơi! Em và con cần anh! Mẹ con em không thể sống thiếu anh được đâu!”…

Tại bệnh viện, anh dần hồi tỉnh sau ca phẫu thuật đa chấn thương. Đọc xong các kết quả chụp xquang, siêu âm, vị bác sĩ già nhẹ nhàng căn dặn người nhà cách chăm sóc phục hồi cho người lính quả cảm. Trong trận cháy 2 ngày trước, anh đã nhường mặt nạ chống độc của mình cho một cậu bé khi tìm thấy cậu đang lả đi trong nhà vệ sinh. Vội vàng ôm cậu bé chạy ra ngoài ban công, không may đúng lúc đó có một miếng thạch cao trên trần nhà rơi xuống, anh đã lấy thân thể để che cho em bé nên lãnh chọn sức nặng của mảng thạch cao vào người, lại thêm hít phải quá nhiều khói độc, anh ngất xỉu ngay trước ban công khi trên tay vẫn đang ôm cậu bé con. Đồng đội của anh đã kịp thời phát hiện, chạy đến ứng cứu và đưa hai người xuống mặt đất.

Nàng nhìn anh âu yếm, đây “người hùng” của nàng đây, sao nàng nỡ vì những ham muốn vật chất tầm thường mà rẻ rúm, ruồng bỏ anh. Nàng nhận ra nàng vẫn còn yêu anh nhiều lắm. Và nàng không thể sống hạnh phúc khi thiếu vắng anh. Suýt chút nữa thì tử thần đã cướp mất tất cả những gì quan trọng nhất của cuộc đời nàng – anh và cậu con trai bé bỏng. Nếu ngày hôm qua, không có anh và những người đồng nghiệp của anh, thì liệu giờ này nàng và biết bao phụ huynh khác có còn được gặp lại những thiên thần bé nhỏ của mình? Trong những giây phút hiểm nguy, con người ta mới nhận ra đâu mới là giá trị đích thực của cuộc sống.  Nàng và con cần được anh bảo vệ che chở trong cuộc đời vốn đầy rẫy những hiểm nguy này. Hơn bao giờ hết, nàng thấy trân trọng những người lính chữa cháy như anh biết bao nhiêu…

Đã là 30 Tết rồi, nàng sẽ ra chợ và sắm sửa một cành đào tươi thắm để đón Tết với anh và con trai bé bỏng trong căn nhà trọ cũ kỹ. Năm cũ đã qua, năm mới lại đến, và năm mới đến nhất định sẽ mang theo nhiều điều mới mẻ tươi đẹp đến với cuộc sống của gia đình nàng.■