9 giờ 15 phút, ngày 23/3/2017 đã xảy ra vụ cháy tại Công ty TNHH Kwong Lung – Meko (Công ty may mặc), tại Lô 28, Khu Công nghiệp Trà Nóc, đường Lê Hồng Phong, Quận Bình Thủy, TP Cần Thơ. Ngay sau khi nhận được tin báo, lúc 9 giờ 17 phút, lãnh đạo Cảnh sát PC&CC cùng với hơn 200 cán bộ, chiến sỹ và 26 phương tiện chữa cháy của Cảnh sát PC&CC TP Cần Thơ đã có mặt tại hiện trường để triển khai đội hình, tiến hành đồng thời các biện pháp chữa cháy, cứu người và cứu tài sản. Do hiện trường vụ cháy và các khu vực xung quanh nhà xưởng chứa nhiều chất dễ cháy, nên đám cháy có chiều hướng diễn biến phức tạp, Cảnh sát PC&CC Cần Thơ đã xin chỉ đạo của Cục Cảnh sát PCCC&CNCH – Bộ Công an và xin chi viện từ lực lượng Cảnh sát PCCC các tỉnh An Giang, Hậu Giang, Vĩnh Long, Kiên Giang, Đồng Tháp, TP Hồ Chí Minh, Quân khu 9, Cảng hàng không quốc tế Cần Thơ, Công ty Công trình đô thị, Công ty Xăng dầu Petrolimex… với tổng số 56 phương tiện chữa cháy và trên 370 lượt cán bộ, chiến sỹ tham gia chữa cháy (trong đó Cần Thơ có 26 phương tiện và gần 200 cán bộ, chiến sỹ).
Các chiến sỹ Cảnh sát PC&CC đang triển khai chữa cháy tại Công ty TNHH Kwong Lung – Meko.
Khu vực xuất phát cháy là tầng 5 của nhà xưởng, có diện tích trên 1.800m² chứa nhiều chất dễ cháy như: vải sợi, lông vũ, bông ép, mút xốp… nên lửa nhanh chóng bùng cháy dữ dội, phát triển ra nhiều hướng, kèm theo bức xạ nhiệt tỏa ra rất lớn với khói đen dày đặc và rất nhiều khí độc. Lực lượng Cảnh sát PC&CC đã tiến hành trinh sát, nắm tình hình đám cháy, chia thành nhiều mũi tổ chức thoát nạn cho công nhân, tiến hành phá dỡ cấu kiện, triển khai đội hình dùng xe thang phun bọt dập tắt đám cháy, ngăn chặn cháy lan sang khu vực xung quanh và xuống các tầng phía dưới.
Đã có hơn 2 lần tưởng chừng như đám cháy được khống chế nhưng rồi lại bùng lên. Thành phố Cần Thơ đã huy động hết cả lực lượng, phương tiện nhưng cũng bất lực. Rồi lần lượt Quân Khu 9, các tỉnh An Giang, Vĩnh Long, Hậu Giang, Kiên Giang, Đồng Tháp huy động lực lượng, phương tiện tốt nhất cùng phối hợp ứng cứu nhưng lửa vẫn bùng phát trở lại. Đến khi TP Hồ Chí Minh huy động 6 xe chuyên dùng, 3 tấn hóa chất cùng với 50 chiến sỹ chữa cháy do đồng chí Thượng tá Nguyễn Thanh Hưởng – Phó Giám đốc Cảnh sát PC&CC TP Hồ Chí Minh chỉ huy tới hiện trường ứng cứu phối hợp chữa cháy, giặc lửa mới nằm trong tầm khống chế.
Sau thời gian tích cực, khẩn trương phối hợp chữa cháy, đã có nhiều cán bộ, chiến sỹ tham gia chữa cháy bị ngạt khí độc, bị bỏng, bị thương do kính vỡ đâm vào, song với tinh thần quyết tâm cao, áp dụng các chiến, kỹ thuật phù hợp, đến 22 giờ ngày 26/3/2017 đám cháy đã được dập tắt hoàn toàn. Đám cháy không gây thiệt hại về người, cứu được trên 80% tài sản của công ty, đây là thành công lớn của lực lượng Cảnh sát PCCC.
Vụ cháy ở Công ty TNHH Kwong Lung – Meko vào sáng 23/03/2017 được cho là vụ cháy lớn nhất, kéo dài nhất xảy ra trên địa bàn TP Cần Thơ từ trước đến nay, dẫn đến những thiệt hại rất lớn về tài sản và việc làm của hàng nghìn lao động. Nhìn ở góc độ tích cực, dù là lần đầu tiên phải đối phó với vụ cháy vô cùng nghiêm trọng nhưng lực lượng PCCC ở Cần Thơ cũng đã nỗ lực hết mình, với những trang thiết bị và khả năng hiện có để cố gắng dập tắt đám cháy. Bên cạnh đó, cần biểu dương sự đoàn kết, giúp đỡ kịp thời của lực lượng PCCC các địa phương khác như: Hậu Giang, Vĩnh Long, Kiên Giang, An Giang, Đồng Tháp, TP Hồ Chí Minh và Quân khu 9. Song song đó phải kể đến sự tiếp ứng thuốc men, nước uống, thực phẩm rất nhanh chóng, kịp thời của các cơ quan, đơn vị và người dân Cần Thơ đến với lực lượng đang làm nhiệm vụ và hàng trăm hộ dân phải sơ tán.
Lực lượng Cảnh sát PCCC các tỉnh, thành phố tham gia chữa cháy Công ty TNHH Kwong Lung – Meko.
Tuy nhiên, nhìn ở góc độ hạn chế có thể thấy rằng, những thiệt hại vụ cháy gây ra cũng không hề nhỏ: tài sản của Công ty TNHH Kwong Lung – Meko bị thiêu rụi lên tới hàng chục triệu đô la Mỹ, hàng nghìn người mất việc lâm vào cảnh khốn đốn “màn trời chiếu đất”, gần 200 hộ dân phải sơ tán, trên 50 cán bộ, chiến sỹ chữa cháy và cả chỉ huy chữa cháy bị ngạt khói, khí độc, bị thương khi làm nhiệm vụ, vụ cháy kéo dài trong nhiều ngày và nhiều lần bùng phát trở lại khiến tâm lý người dân trên địa bàn thành phố hoang mang, ảnh hưởng không nhỏ đến tình hình an ninh trật tự. Sau vụ cháy nghiêm trọng này, nhiều người đặt câu hỏi: công tác PCCC ở công ty này cũng như các khu công nghiệp hiện nay thực tế ra sao? Việc quản lý nhà nước về PCCC trên địa bàn như thế nào? Năng lực chữa cháy của lực lượng Cảnh sát PCCC chuyên nghiệp hiệu quả đến đâu? Vì sao lại có tình trạng thiếu nước chữa cháy trong khi Cần Thơ nằm giữa vùng sông nước, nhiều sông rạch?… Nhiều câu hỏi đặt ra đã kiến cộng đồng mạng những ngày qua “dậy sóng”.
Nhưng có lẽ, câu hỏi được quan tâm nhất vẫn là: vì sao vụ cháy kéo dài, nhiều lần bùng phát trở lại và lực lượng chữa cháy phải huy động tổng lực nhiều đơn vị tham gia cứu chữa? Các cơ quan chức năng sau khi khám nghiệm hiện trường và tổ chức rút kinh nghiệm vụ cháy cho rằng, do khu vực cháy và xung quanh nhà xưởng chứa nhiều chất dễ cháy nên đám cháy có chiều hướng diễn biến phức tạp. Khu vực xuất phát cháy từ tầng 5 của nhà xưởng, có diện tích trên 1.800m². Địa điểm xảy ra cháy có chứa nhiều chất dễ cháy như: vải sợi, lông vũ bông ép, mút ốp… nên lửa nhanh chóng bùng phát dữ dội, phát triển ra nhiều hướng, kèm theo bức xạ nhiệt tỏa ra rất lớn với khói đen dày đặc và rất nhiều khí độc. Do đặc điểm chữa cháy trên cao, khu vực cháy lớn, xung quanh lại chật hẹp, phía trên bị che kín bằng mái vòm nên khói từ đám cháy không thoát được. Bề mặt nhà xưởng bên ngoài xây dựng bằng tường đặc, chia thành nhiều khu vực nhỏ, ngăn bằng nhiều lớp cửa… cùng với nhiều gió nên gây khó khăn cho công tác triển khai lực lượng chữa cháy…
Lực lượng chữa cháy đã dốc kiệt sức.
Không ngoại trừ cả những nguyên nhân chủ quan và khách quan ảnh hưởng không nhỏ đến công tác PCCC nhưng qua vụ cháy Công ty TNHH Kwong Lung – Meko, nhiều bài học đắt giá được rút ra và cần được nhìn nhận một cách nghiêm túc.
Bài học đầu tiên trong PCCC đó là bài học về công tác phòng ngừa cháy, nổ. Công ty TNHH Kwong Lung – Meko là công trình đã tồn tại trên 20 năm, dạng nhà hộp kín, mái nối, không gian rộng, lối thoát nạn không đảm bảo an toàn, kho chứa chất cháy trên tầng cao với số lượng lớn không theo quy định PCCC, không có hệ thống chữa cháy tự động, không có các giải pháp phòng ngừa…nên khi xảy ra sự cố, hiểm họa thật khôn lường. Từ thực tế vụ cháy này, theo các chuyên gia, bài học đầu tiên vẫn là chủ động phòng cháy, không chủ quan, khinh suất; khi có đám cháy thì sử dụng các phương tiện phòng chống tại chỗ để dập ngay. Đối với các khu nhà cao tầng, việc trang bị hệ thống báo cháy, chữa cháy tự động để xử lý ban đầu khi có cháy nổ là đòi hỏi cấp thiết. Một đốm lửa có thể trở thành biển lửa chỉ sau 10 phút ban đầu nếu không chữa cháy kịp thời, vì vậy, công tác phòng ngừa hơn lúc nào hết phải là công tác số một, công tác hàng đầu trong PCCC.
Từ vụ cháy Công ty TNHH Kwong Lung – Meko nhiều bài học trong công tác chữa cháy cũng cần được nhìn lại một cách nghiêm túc. Dẫu biết rằng địa hình xảy ra cháy phức tạp, khó tiếp cận, hàng hóa trong công ty là những vật liệu dễ cháy, nhưng Đồng bằng Sông Cửu Long nổi tiếng là vùng sông nước nhưng lại thiếu nước chữa cháy. Rạch Sang Trắng cách nơi xảy ra vụ cháy chỉ cách hơn 100m nhưng lại không có đủ nước do đúng vào con nước kém. Các trụ lấy nước chữa cháy thì lại thiếu áp lực. Ngoài những yếu tố thiên tai thì qua đó cho thấy hạ tầng lẫn phương tiện chữa cháy ở Cần Thơ đã không theo kịp với sự phát triển công nghiệp và đô thị. Vì vậy, để khắc phục tình trạng này và xử lý được tình huống cháy xảy ra, Đại tá Lê Tấn Bửu – Giám đốc Cảnh sát PC&CC TP Hồ Chí Minh: “Kinh nghiệm chữa cháy, đặc biệt là những vụ cháy lớn hiện nay trong công tác truyền nước, tiếp nước chữa cháy không nên áp dụng đội hình tiếp nước con thoi mà cần áp dụng đội hình truyền nước từ xa… Công tác điều hành chỉ huy cũng cần phải nhất quán, khắc phục và hạn chế tối đa sự chồng chéo trong công tác chỉ huy tại hiện trường vụ cháy. Công tác điều động, huy động các đơn vị tham gia chữa cháy cũng phải nhạy bén và linh hoạt. Công tác truyền thông cần có sự đảm bảo chính xác, kịp thời trong việc định hướng dư luận xung quanh mỗi vụ cháy xảy ra.” Người đứng đầu lực lượng Cảnh sát PC&CC TP Hồ Chí Minh cũng chia sẻ thêm: “Để ngăn ngừa việc cháy bùng phát trở lại thì ngoài việc dập tắt đám cháy, lực lượng chữa cháy cần chú ý di chuyển chất cháy ra khỏi hiện trường vụ cháy. Nếu chất cháy còn chưa được di chuyển, gốc lửa chưa được dập tắt thì nguy cơ cháy bùng phát trở lại là rất lớn. Trong trường hợp cháy lớn, có nhiều đơn vị chi viện tham gia chữa cháy thì các đơn vị chi viện phải chủ động về lực lượng, phương tiện chứ không phụ thuộc vào đơn vị địa bàn hoặc đơn vị khác thì công tác chữa cháy mới đảm bảo liên hoàn, hiệu quả chữa cháy sẽ cao hơn.”
Qua gần 5 ngày đêm chiến đấu với giặc lửa tại vụ cháy Công ty TNHH Kwong Lung – Meko vừa qua, không ai không cảm phục lòng dũng cảm của các chiến sỹ chữa cháy với trang phục chữa cháy còn hết sức đơn giản, chưa đảm bảo cho sự an toàn tính mạng của những người làm công việc hiểm nguy này. Hậu quả là hơn 50 chiến sỹ chữa cháy, trong đó có cả chỉ huy (đồng chí Đại tá Trần Đức Đình – Phó Giám đốc Cảnh sát PC&CC Cần Thơ) bị ngạt khói, khí độc, bị thương khi làm nhiệm vụ. Đây không chỉ là vụ cháy đầu tiên số lượng chiến sỹ chữa cháy bị thương khi làm nhiệm vụ nhiều đến vậy. Nhưng qua vụ cháy này, các cơ quan chức năng cũng cần nhìn lại một cách nghiêm túc việc trang bị những trang thiết bị đảm bảo an toàn cho tính mạng của những chiến sỹ chữa cháy khi làm nhiệm vụ được khoa học, bài bản, thiết thực và hiệu quả hơn.
Chiều 30/3/2017, UBND TP Cần Thơ đã tổ chức họp báo định kỳ quý 1/2017, trả lời những câu hỏi liên quan đến vụ cháy, Thiếu tướng Trần Thị Ngọc Đẹp – Giám đốc Cảnh sát PC&CC TP Cần Thơ cho biết: Công ty TNHH Kwong Lung – Meka có hầm chứa 18.600 lít dầu và 50 thùng hóa chất nhưng công ty không báo cáo cho lực lượng chữa cháy về thiết kế hầm dầu này. Trong quá trình chữa cháy, lực lượng chữa cháy đã phát hiện và bảo vệ an toàn số lượng dầu và hóa chất trên. Đây là một bài học sâu sắc cần được rút ra trong công tác kiểm tra, giám sát, quản lý địa bàn về công tác PCCC. Nếu số dầu và hóa chất trên bùng cháy hoặc phát nổ trong quá trình chữa cháy thì hậu quả thật khôn lường với sự an toàn của tính mạng của những người làm công tác chữa cháy.
Từ vụ cháy Công ty TNHH Kwong Lung – Meko cho thấy, ý thức phòng cháy chữa cháy của nhiều doanh nghiệp và cả hộ dân, cộng đồng nhiều nơi còn rất hạn chế. Vì vậy, công tác PCCC phải được các cấp, các ngành và toàn xã hội quan tâm nhiều hơn nữa, nhất là công tác phòng ngừa. Công tác này phải được làm thường xuyên, liên tục trong cộng đồng dân cư và các chủ thể hoạt động sản xuất, kinh doanh. Chỉ khi chung tay, góp sức đầu tư cả nhân lực, vật lực cho công tác này, việc PCCC mới đạt được hiệu quả, hạn chế thiệt hại về người và của do cháy nổ gây ra.■
Dương Thiên Hương