Bên cạnh đó, chợ, trung tâm thương mại cũng là mối lo ngại lớn về nguy cơ cháy, nổ. Trong tình hình cháy nổ diễn biến phức tạp như hiện nay, cháy chợ, trung tâm thương mại thường gây thiệt hại nghiêm trọng về người và tài sản, mức độ thiệt hại ở tỷ lệ cao so với tổng mức độ thiệt hại do cháy nổ gây ra.Trước sự phát triển nhanh chóng của các chợ, trung tâm thương mại thì công tác đảm bảo an toàn PCCC cho loại hình này được quan tâm đặc biệt. Cháy nổ chợ, trung tâm thương mại luôn là nỗi lo ngại lớn, ảnh hưởng nghiêm trọng đến nền kinh tế và đời sống người dân.
Nhìn lại một số vụ cháy chợ, trung tâm thương mại gây hậu quả thảm khốc. Điển hình là vụ cháy Trung tâm thương mại Quốc tế ITC tại Thành phố Hồ Chí Minh xảy ra ngày 29/10/2002 làm cho 60 người thiệt mạng, 90 người bị thương, thiệt hại về tài sản hàng chục tỉ đồng; vụ cháy Chợ Đồng Xuân – Hà Nội xảy ra ngày 14 tháng 7 năm 1994 thiệt hại trên 300 tỉ đồng; vụ cháy trung tâm thương mại Hải Dương vào ngày 15/9/2013 gây thiệt hại trên 500 tỷ đồng; vụ cháy chợ Phố Hiến – Hưng Yên ngày 19 tháng 3 năm 2014 gây thiệt hại hàng trăm tỉ đồng;Ngày 6/2/2018, tại chợ Chà Là (xã Trần Phán, huyện Đầm Dơi, tỉnh Cà Mau) đã xảy ra một vụ cháy lớn, làm 2 người tử vong, 4 căn nhà tại chợ Chà Là bị thiêu rụi hoàn toàn, ước thiệt hại 4,8 tỷ đồng…
Đây là những thiệt hại trực tiếp của những vụ cháy, thiệt hại gián tiếp do cháy chợ, trung tâm thương mại còn nặng nề hơn gấp nhiều lần. So với tổng số vụ cháy nổ thì cháy chợ, trung tâm thương mại chiếm tỷ lệ nhỏ nhưng thiệt hại do cháy nổ chợ, trung tâm thương mại gây ra lại chiếm tỷ lệ lớn trong tổng số thiệt hại. Đặc biệt trong thời gian gần đây, cháy nổ chợ, trung tâm thương mại có diễn biến phức tạp hơn, hàng năm trên địa bàn cả nước đều xảy ra cháy chợ, trung tâm thương mại gây thiệt hại nghiêm trọng về người và tài sản.
Bên cạnh việc thực hiện công tác phòng cháy đối với chợ, trung tâm thương mại ở một số địa phương bộc lộ nhiều sơ hở, yếu kém thì công tác chữa cháy, cứu nạn – cứu hộ đối với loại hình chợ, trung tâm thương mại đang gặp phải nhiều khó khăn, vướng mắc trong thực tế. Công tác chữa cháy chợ, trung tâm thương mại thực tế hiện nay đang gặp những khó khăn cụ thể như sau:
1. Chợ, trung tâm thương mại hiện nay thường có quy mô lớn, số lượng chất cháy nhiều và đa dạng, đặc biệt đối với các chợ truyền thống, chợ đầu mối, các mặt hàng là chất dễ cháy như quần áo, vải vóc, da dầy có trữ lượng rất lớn. Khi xảy ra cháy, đám cháy thường phát triển với vận tốc lớn, cháy lan nhanh thành đám cháy lớn, phức tạp gây khó khăn cho công tác chữa cháy.
2. Đặc điểm xây dựng, kiến trúc của các chợ, trung tâm thương mại cũng là yếu tố cần quan tâm trong công tác chữa cháy. Đối với các chợ thường bố trí độc lập, được xây dựng bằng vật liệu khung thép, mái tôn, nhà tiền chế bằng thép. Đặc biệt ở một số chợ tạm, các gian hàng thường được ngăn bằng vách gỗ, nhựa, khi cháy khả năng cháy lan là rất lớn. Đối với đặc điểm kết cấu xây dựng như vậy, khả năng chịu lực, chịu nhiệt và bảo đảm tính toàn vẹn của vật liệu xây dựng khi bị tác động nhiệt từ đám cháy chỉ trong một thời gian ngắn nhất định, công trình thường dễ bị sụp đổ khi có cháy, nổ gây khó khăn cho công tác tổ chức chữa cháy, cứu nạn – cứu hộ. Đối với trung tâm thương mại thường có quy mô lớn, kiến trúc phức tạp. Hiện nay, trung tâm thương mại thường bố trí phía dưới trong các toà nhà đa công năng cùng với căn hộ, văn phòng, khách sạn, khu vui chơi giải trí…, đặc biệt một số trung tâm thương mại được bố trí dưới các tầng hầm gây khó khăn, phức tạp cho công tác chữa cháy và cứu nạn – cứu hộ khi số lượng người hoạt động, sinh sống trong các toà nhà là rất lớn. Khi cháy, đám cháy thường phát triển nhanh lên phía trên, công tác đảm bảo an toàn cho người và tài sản trên các tầng cao càng gặp nhiều khó khăn, trở ngại. Nguy hiểm hơn, đối với các công trình có kết cấu khung thép, tường gạch, sau một thời gian nhất định, đám cháy cũng có thể làm sụp đổ công trình, gây thiệt hại nghiêm trọng về người và tài sản.
3. Hiện nay, cửa cuốn được sử dụng phổ biến trong các chợ. Khi hết giờ hoạt động, các cửa này thường được đóng lại để đảm bảo an ninh, bảo vệ tài sản. Cửa cuốn được sử dụng trên các cửa phía ngoài bảo vệ chợ và cả trong các sạp hàng của tiểu thương. Khi xảy ra cháy nổ bên trong, việc phá dỡ các cửa cuốn này gặp rất nhiều khó khăn. Búa, kìm để phá cửa, cắt cửa đều không hiệu quả làm kéo dài thời gian cháy tự do, đám cháy phát triển lớn, lan rộng, công tác chữa cháy, cứu nạn – cứu hộ càng khó khăn, phức tạp.
4. Theo thống kê, các vụ cháy chợ, trung tâm thương mại thường xảy ra vào ban đêm, ngoài giờ hoạt động. Khi ấy lực lượng tại chỗ rất mỏng, thường chỉ có số ít lực lượng bảo vệ trực đảm bảo an ninh. Công tác tuần tra, kiểm tra, canh gác bên trong các chợ, trung tâm thương mại cũng rất hạn chế. Khi cháy vào thời điểm này, lực lượng tại chỗ thường không đảm bảo để xử lý đám cháy ngay từ khi mới phát sinh. Bên cạnh đó, rất nhiều sự cố được phát hiện chậm, lực lượng tại chỗ lung túng, không biết xử lý, không triển khai được các phương tiện chữa cháy được trang bị làm cho đám cháy lan rộng và phức tạp.
5. Lực lượng PCCC tại chỗ của các chợ phần lớn được tuyên truyền, huấn luyện nghiệp vụ PCCC, tuy nhiên công tác huấn luyện chưa thực sự đi vào chiều sâu kỹ năng xử lý các tình huống cháy nổ ban đầu, sử dụng, triển khai các phương tiện chữa cháy tại chỗ. Công tác huấn luyện nghiệp vụ PCCC mới chỉ dành cho lực lượng PCCC cơ sở, chưa mở rộng được cho đông đảo các tiểu thương là người trực tiếp kinh doanh, phát hiện sự cố cháy ngay từ ban đầu. Do vậy, khi có sự cố cháy, nổ, các tiểu thương thường hoang mang, lung túng, sử lý chậm và không hiệu quả dẫn đến cháy lan, cháy lớn.
6. Phương tiện phòng cháy và chữa cháy tại các chợ, trung tâm thương mại thường không đảm bảo. Bên cạnh các trung tâm thương mại và một số chợ đã được thẩm duyệt thiết kế và nghiệm thu về PCCC, còn rất nhiều các chợ, trung tâm thương mại không được thẩm duyệt thiết kế về PCCC, đặc biệt đối với các chợ, trung tâm thương mại tồn tại trước đây. Ở những cơ sở này phương tiện PCCC thường thiếu về số lượng, không đảm bảo về chất lượng. Đối với các cơ sở nguy hiểm cháy nổ cao như chợ, trung tâm thương mại thì bình chữa cháy phải đảm bảo 50m2/bình, bình chữa cháy có khối lượng chất chữa cháy tối thiểu 6kg. Ngoài ra, việc trang bị, lắp đặt hệ thống báo cháy tự động, họng nước chữa cháy trong nhà, hệ thống chữa cháy tự động, màn nước ngăn cháy cũng rất hạn chế. Phương tiện PCCC thường không đảm bảo để xử lý tại chỗ các sự cố cháy, nổ khi mới phát sinh.
7. Rất ít các chợ hiện nay và một số trung tâm thương mại không được trang bị hệ thống thông gió, hút khói. Khi xảy ra cháy với khối lượng chất cháy lớn và đa dạng phát sinh rất nhiều khói, khí độc, với điều kiện thông gió, hút khói không đảm bảo, đặc biệt đối với một số công trình bố trí dưới hầm sẽ gây nguy hiểm cho người trong đám cháy và khó khăn cho công tác tiếp cận tổ chức chữa cháy, cứu nạn – cứu hộ.
8. Điều kiện ngăn cháy, các giải pháp chống cháy lan tại các chợ, trung tâm thương mại thường ít được quan tâm hoặc không có khả năng thực hiện. Việc phân chia các khoang cháy, xây dựng tường ngăn cháy, lắp đặt hệ thống màn nước ngăn cháy, cửa cuốn chống cháy tại các chợ, trung tâm thương mại rất hạn chế. Đặc biệt việc sắp xếp, bố trí trưng bày hàng hoá đảm bảo ngăn cháy lan giữa các dãy hàng dễ cháy với dãy hàng không cháy cũng ít được chú ý thực hiện. Khi điều kiện ngăn cháy, chống cháy lan không đảm bảo, đám cháy có thể dễ dàng lan rộng gây khó khăn cho công tác chữa cháy. Đối với một số chợ, trung tâm thương mại nằm trong khu dân cư, khoảng cách ngăn cháy với khu vực nhà dân, cơ sở không được đảm bảo, đám cháy có thể lan sang các khu vực này nếu không được khống chế kịp thời.
9. Với những đám cháy chợ, trung tâm thương mại cần phải huy động rất nhiều các phương tiện chữa cháy, tuy nhiên nguồn nước phục vụ công tác chữa cháy thường không đảm bảo. Nguồn nước tại chỗ được bố trí trong các chợ, trung tâm thương mại thường thiếu so với quy định. Ngoài ra, nguồn nước bên ngoài tại một số công trình chợ, trung tâm thương mại cũng không đảm bảo, công tác lấy nước, truyền tiếp nước từ bên ngoài phục vụ chữa cháy gặp nhiều khó khăn, phức tạp. Khi thiếu nước chữa cháy, đám cháy có thể tự do phát triển làm gia tăng mức độ thiệt hại do cháy nổ gây ra.
10. Giao thông phục vụ công tác chữa cháy tại các chợ, trung tâm thương mại cũng có nhiều vấn đề đáng lo ngại. Tại một số chợ điều kiện giao thông bên trong thường không đảm bảo. Do số lượng hàng hoá nhiều, lấn chiếm các lối đi; các cửa để có thể tiếp cận triển khai lực lượng, phương tiện chữa cháy thường ít gây khó khăn cho công tác tổ chức chữa cháy. Điều kiện giao thông bên ngoài thường chật hẹp, các đường giao thông phục vụ cho xe chữa cháy hoạt động được tận dụng làm nơi giữ xe và thường bị người dân, tiểu thương lấn chiếm để buôn bán, khi xảy ra cháy, xe chữa cháy không thể tiếp cận trực tiếp các chợ mà phải tiếp cận từ xa làm kéo dài thời gian triển khai lực lượng, phương tiện chữa cháy. Khi đám cháy lớn có sự phối hợp của nhiều lực lượng tham gia thì điều kiện giao thông phục vụ cho công tác chữa cháy càng khó khăn hơn cho việc triển khai thực hiện các kỹ chiến thuật chữa cháy.
11. Tại một số chợ, trung tâm thương mại cách xa các đội PCCC của lực lượng chuyên nghiệp, thời gian di chuyển trên đường tới địa điểm cháy kéo dài, đặc biệt trong các giờ cao điểm có thể dẫn đến kẹt xe. Khi xe chữa cháy tới, đám cháy đã phát triển lớn và phức tạp.
12. Công tác điều hành, chỉ huy chữa cháy chưa phát huy hết được hiệu quả. Hầu hết các vụ cháy, chỉ huy chữa cháy ban đầu là người đứng đầu cơ sở không thực hiện tốt được các nhiệm vụ chỉ huy chữa cháy của mình. Chỉ huy chữa cháy của lực lượng chữa cháy chuyên nghiệp tại một số vụ cháy, một số địa phương vẫn còn lúng túng, thiếu tính linh hoạt, chưa thực sự quyết đoán, không nắm vững được kỹ, chiến thuật chữa cháy, chỉ đạo, phân chia các khu vực tác chiến hiệu quả dẫn đến đám cháy không được khống chế kịp thời, làm gia tăng tính phức tạp cho công tác chữa cháy, cứu nạn – cứu hộ.
13. Công tác thông tin liên lạc khi có cháy, nổ xảy ra cũng bộc lộ một số khó khăn. Hệ thống thông tin liên lạc vừa thiếu, chất lượng lại không đảm bảo từ khâu tiếp nhận và xử lý thông tin báo cháy đến việc duy trì chế độ thông tin liên lạc trong quá trình chỉ huy, điều hành chữa cháy tác động không nhỏ tới hiệu quả công tác chữa cháy tại các chợ, trung tâm thương mại.
14. Hiện nay, công tác chữa cháy các chợ, trung tâm thương mại vẫn chủ yếu sử dụng nước để chữa cháy. Đối với các khu vực chưa cháy, khi sử dụng nước gây hư hỏng hàng hoá làm tăng mức độ thiệt hại do công tác chữa cháy. Đặc biệt, đối với một số loại hình đặc biệt vẫn chưa có chất chữa cháy phù hợp.
15. Trang thiết bị, phương tiện chữa cháy, cứu hộ của lực lượng chữa cháy chuyên nghiệp còn thiếu thốn, đặc biệt là phương tiện bảo hộ cho lính chữa cháy như mũ, ủng, mặt nạ, khí tài, quần áo chống nóng…và các phương tiện chuyên dùng như xe phá dỡ công trình, xe cần cẩu, máy xúc…làm giảm tính hiệu quả trong công tác chữa cháy và cứu nạn – cứu hộ.
16. Một số vụ cháy, phương pháp chữa cháy chưa hiệu quả. Việc áp dụng các phương pháp chữa cháy theo mặt lửa, chữa cháy theo diện tích, chữa cháy theo chu vi chưa thực sự linh hoạt. Khi phương pháp chữa cháy không phù hợp, không những hiệu quả chữa cháy không cao mà một số trường hợp còn làm tăng mức độ phức tạp cho các đám cháy.
17. Công tác huy động các lực lượng cùng tham gia chữa cháy, cứu nạn – cứu hộ như lực lượng công an, quân đội, công ty cấp nước, lực lượng dân phòng, bệnh viện, hội chữ thập đỏ và người dân tại một số địa phương thường không kịp thời, công tác chữa cháy chủ yếu vẫn là lực lượng PCCC chuyên nghiệp.
Để thực hiện tốt nhiệm vụ công tác chữa cháy và cứu nạn – cứu hộ đối với các chợ, trung tâm thương mại cần thiết phải thực hiện một số giải pháp sau:
– Tăng cường kiểm tra, hướng dẫn các chợ, trung tâm thương mại thực hiện nghiêm các quy định an toàn về PCCC. Trong đó chú trọng việc trang bị các phương tiện, dụng vụ chữa cháy phù hợp, áp dụng các biện pháp ngăn cháy, chống cháy lan, chống tụ khói hiệu quả, tạo điều kiện thuận lợi cho công tác triển khai chữa cháy, cứu nạn – cứu hộ.
– Từng bước kiến nghị các chợ, trung tâm thương mại thay thế vật liệu xây dựng dễ cháy, giới hạn chịu lửa thấp bằng vật liệu không cháy có tính chịu lửa cao hoặc có những giải pháp làm tăng mức độ chịu lửa của cấu kiện xây dựng, tăng bậc chịu lửa của công trình nhằm hạn chế việc công trình bị sụp đổ khi có cháy, nổ xảy ra.
– Xây dựng lực lượng PCCC tại chỗ đủ mạnh để xử lý hiệu quả các sự cố ngay từ khi mới phát sinh. Tăng cường lực lượng PCCC cho các thời điểm ban đêm, ngoài giờ làm việc.
– Nghiên cứu sử dụng các thiết bị phá dỡ, đặc biệt là việc phá dỡ các cửa cuốn, mái tôn được sử dụng trong các chợ, trung tâm thương mại khi có cháy để tiếp cận dập tắt đám cháy hiệu quả.
– Phát huy hiệu quả tối đa của máy hút khói trong việc triển khai chữa cháy chợ, trung tâm thương mại nhằm hạn chế lượng khói khí độc, mở rộng tầm hoạt động, quan sát của lực lượng chữa cháy.
– Tăng cường công tác tuyên truyền, huấn luyện nghiệp vụ PCCC cho lực lượng PCCC cơ sở và mở rộng cho đối tượng là các tiểu thương, hộ kinh doanh trong các chợ, trung tâm thương mại. Công tác tập huấn tập trung vào các biện pháp phòng cháy;công tác điều hành chỉ huy chữa cháy của lãnh đạo cơ sở; kỹ năng xử lý tình huống cháy ban đầu; thao tác sử dụng các phương tiện PCCC được trang bị tại cơ sở.
– Kiến nghị, hướng dẫn các chợ, trung tâm thương mại trong việc bố trí, sắp xếp các dãy hàng hoá đảm bảo khoảng cách ngăn cháy, chống cháy lan. Trong đó chú trọng việc sắp xếp xen kẽ các dãy hàng dễ cháy với dãy hàng khó cháy, không cháy.
– Có biện pháp tăng cường nguồn nước phục vụ công tác chữa cháy, ngoài nguồn nước bên trong cơ sở, các chợ, trung tâm thương mại phải đảm bảo nguồn nước bên ngoài như các trụ nước liền kề, bể nước chữa cháy ngoài nhà…
– Giải quyết triệt hiện tượng lấn chiếm đường giao thông phục vụ chữa cháy; các đường giao thong phục vụ chữa cháy phải đảm bảo thông thoáng tạo điều kiện thuận lợi cho việc triển khai các hoạt động chữa cháy và cứu nạn – cứu hộ.
– Hoàn chỉnh việc quy hoạch, xây dựng, đưa vào hoạt động của các đơn vị PCCC đảm bảo bán kính bảo vệ, kéo giảm thời gian xe chữa cháy di chuyển trên đường, tổ chức chữa cháy kịp thời, hiệu quả.
– Nâng cao vai trò, hiệu quả công tác điều hành, chỉ huy chữa cháy của lực lượng PCCC chuyên nghiệp, tăng cường việc huy động các lực lượng tham gia phối hợp chữa cháy, đặc biệt là hiệu quả phối hợp tác chiến của các lực lượng chữa cháy chuyên nghiệp đối với các đám cháy lớn, phức tạp có yêu cầu phối hợp nhiều lực lượng tham gia. Áp dụng linh hoạt các phương pháp chữa cháy. Đối với đám cháy lớn, có khả năng lan rộng, nên áp dụng biện pháp chữa cháy theo chu vi nhằm cô lập, khống chế sự phát triển của đám cháy, khi áp dụng phương pháp chữa cháy theo mặt lửa có thể tạo điều kiện cho đám cháy phát triển lan rộng hơn.
– Nghiên cứu các chất chữa cháy phù hợp, hiệu quả với từng loại hình cơ sở, từng chất cháy. Đặc biệt là việc chữa cháy các loại hoá chất, hoá chất dễ cháy, nổ, hoá chất kỵ nước.
– Xây dựng lực lượng PCCC chuyên nghiệp chính quy, tinh nhuệ, hiện đại. Chú trọng việc trang bị dụng cụ, phương tiện chữa cháy, cứu hộ cho lực lượng PCCC chuyên nghiệp, đặc biệt là phương tiện bảo hộ cho lính chữa cháy, các phương tiện đặc thù phục vụ công tác chữa cháy như xe phá dỡ công trình, xe cần cẩu, máy xúc…
– Nghiên cứu chiến thuật chữa cháy cụ thể, hiệu quả đối với các chợ, trung tâm thương mại, đặc biệt là các công trình đặc biệt bố trí trên cao, dưới tầng hầm nhằm chủ động có chiến thuật chữa cháy hiệu quả.
Ngọc Bảo (Phòng 9)