Khói than chứa nhiều thành phần độc hại, trước hết phải kể đến cacbon oxit CO, CO2, nitơ oxit NOx và một số chất khác như lưu huỳnh oxit SOx, muội than, hydrocacbon chưa cháy hết CnHm, fomandehit HCHO… Các chất này phát tỏa trực tiếp ra bếp, nơi ở và nơi làm việc nên có thể gây tác hại cho người và ảnh hưởng nghiêm trọng đến môi trường không khí. Chưa kể tại các thành phố lớn có nhiều ngõ ngách nhỏ và hẹp nhưng lại có số hộ gia đình sử dụng than tổ ong cao tiềm ẩn nhiều nguy cơ. Khí CO – Cacbon monoxit có khối lượng phân tử 28,01đvC, nhẹ hơn không khí, có liên kết 3 trong phân tử hình thành khi nhiên liệu cháy thiếu oxy, hỗn hợp cháy nhiên liệu – oxy không hoàn toàn, nhiệt độ thấp hoặc không đủ thời gian. Đây là khí không màu, không mùi, không vị và rất độc. Nó có hoạt tính cao đối với hồng cầu của máu, lớn gấp trên 200 lần oxy, do đó nó có thể thay thế O2 trong hemoglobin tạo ra thành hợp chất bền cacbon mono oxit–hemoglobin, làm giảm khả năng chuyển tải O2 của máu. Tác dụng nhiễm độc ban đầu của CO với người là làm mất khả năng xét đoán. Hàm lượng CO tăng sẽ gây ra rối loạn về trao đổi chất và gây tử vong.
Khí cacbon dioxit có công thức là CO2 với khối lượng phân tử là 44,01 đvc, cấu tạo phân tử O=C=O, là chất khí không màu, không mùi và không duy trì hô hấp, nặng hơn không khí (d = 1,964 g/l), CO2 với hàm lượng 0,03% trong khí quyển là nguyên liệu cho quá trình quang hợp để sản xuất năng suất sinh học sơ cấp ở cây xanh. Khí CO2 còn là sản phẩm của quá trình đốt các nhiên liệu rắn trong các quá trình đốt cháy nhiên liệu dầu mỏ, than đá, các quá trình phân huỷ muối cacbonat, các quá trình lên men, quá trình hô hấp của người và động vật. Riêng đốt than củi hàng năm con người thải vào khí quyển 2,5.1013 tấn CO2. Thông thường, lượng CO2 sản sinh một cách tự nhiên cân bằng với lượng CO2 được sử dụng cho quang hợp. Hiện nay do các hoạt động của con người làm ra tăng hàm lượng CO2 cũng có tác động xấu tới môi trường, gây hiện tượng hiệu ứng nhà kính làm nhiệt độ trái đất tăng, nguyên nhân gây ra băng tan ở băng cực, nâng cao mực nước biển, làm biến đổi khí hậu. Khi cơ thể người hít phải khí CO2 ở một nồng độ nhất định sẽ bị ngạt. Nồng độ của CO2 có từ 0,04% thì không gây tác hại gì, nồng độ của CO2 có từ 1 – 2% chưa gây nên những thay đổi rõ rệt trong trạng thái hô hấp, nồng độ của CO2 có từ 2- 4% đã bắt đầu có triệu chứng ngộ độc đầu tiên xuất hiện, có từ 4 – 6% hít thở sâu có tiếng ồn trong tai, tim đập nhanh, thở gấp, đau đầu ù tai, rối loạn trao đổi khí. Nồng độ của CO2 có từ 6 – 10% gây đau đầu, chóng mặt, ngất nếu bị tác động đột ngột CO2 vào cơ thể sẽ gây tử vong. Nồng độ của CO2 có trên 10% trở lên thì nạn nhân sẽ chết rất nhanh. Ngoài ra khi đốt than có thể sinh ra lượng bụi PM 2.5 – là bụi siêu mịn có thể thẩm thấu vào phổi, máu gây viêm phổi, tắc mạch máu, mất chức năng của máu…
Nhận thấy quá trình đốt than tổ ong cũng làm tiêu tốn một lượng đáng kể khí oxi trong không khí, quá trình đốt than kéo dài trong khoảng thời gian trên 20 phút đã làm lượng oxi trong không khí giảm nhanh. Trong điều kiện hệ thống thông khí không đảm bảo, con người sẽ rơi vào trong trạng thái vừa thiếu khí oxi do tiêu tốn cho quá trình đốt than, vừa trong tình trạng bị nhiễm độc bởi khí CO – sản phẩm của quá trình đốt cháy than không hoàn toàn và có thể tử vong nếu hàm lượng cao.
Đứng trước nguy cơ từ việc sử dụng bếp than tổ ong, khuyến nghị:
Một là, thay thế bếp than tổ ong hiện nay bằng bếp cải tiến thân thiện với môi trường- là những viên nén từ mùn cưa, trấu củi, lõi ngô thay cho than tổ ong. Khí thải sinh ra từ những viên nén này rất thấp – được coi là một trong những sản phẩm bảo vệ môi trường nhất hiện nay.
Hai là, các quá trình đốt than, củi, khí gas hoặc các động cơ có sử dụng xăng, dầu tuyệt đối không dùng ở khu vực thiếu khí, khu vực có hệ thống thông khí không đảm bảo; nên thiết kế phòng ốc thông thoáng, có các thiết bị như quạt hút khí, ống khói…
Ba là, khi phát hiện người bị nhiễm độc, ngạt khí CO phải lập tức đưa nạn nhân ra khu vực thoáng khí, hô hấp nhân tạo nếu nạn nhân thở yếu đồng thời gọi xe cấp cứu, chuyển nạn nhân đến các cơ sở y tế.
Bốn là, đối với công tác tuyên truyền PCCC, cần có biện pháp, vận động người dân sử dụng nguồn nhiên liệu sạch; hướng dẫn người dân cách đề phòng, xử lí khi xảy ra sự cố ngộ độc CO; kiên quyết xử lý các trường hợp vi phạm gây ô nhiễm môi trường vượt quá tiêu chuẩn cho phép.
Năm là, trong quá trình chữa cháy ở một số cơ sở lưu trữ, sản xuất sản phẩm liên quan đến than tổ ong, cần chú ý trang bị cho chiến sĩ các thiết bị bảo vệ cơ quan hô hấp, tránh nhiễm độc.
Ngọc Anh – Ngọc Bích (BM2)