Thứ trưởng Lê Tấn Dũng, Phó trưởng Ban chỉ đạo Tháng ATVSLĐ Trung ương nhấn mạnh: Việc tổ chức Tuần lễ quốc gia về An toàn vệ sinh lao động – Phòng chống cháy nổ trong 18 năm và Tháng hành động về ATVSLĐ lần thứ 1 vừa qua cùng với các hoạt động của Chương trình quốc gia về an toàn vệ sinh lao động đã và đang góp phần kiềm chế tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp liên quan đến lao động; nhận thức của các cấp, các ngành, người sử dụng lao động và người lao động về công tác an toàn, vệ sinh lao động đã từng bước chuyển biến tích cực; người sử dụng lao động, người lao động cũng có ý thức hơn trong việc chấp hành pháp luật về an toàn vệ sinh lao động.
Thứ trưởng Lê Tấn Dũng, Phó trưởng Ban chỉ đạo Tháng ATVSLĐ Trung ương phát biểu
Phát biểu tại buổi họp báo, ông Hà Tất Thắng – Cục trưởng Cục An toàn lao động cho biết, Tháng hành động về ATVSLĐ lần thứ 2 sẽ diễn ra từ ngày 01 đến ngày 31/5/ 2018. Lễ phát động quốc gia được tổ chức tại Hội trường Thành phố, Số 111 Bà Huyện Thanh Quan, Quận 3, Thành phố Hồ Chí Minh vào sáng ngày 06/5/2018 với chủ đề “Chủ động phòng ngừa và kiểm soát các yếu tố nguy hiểm, có hại tại nơi làm việc để hạn chế tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp” với tinh thần đổi mới, tiết kiệm, hiệu quả hướng về doanh nghiệp, cơ sở. Theo đó Tháng hành động về ATVSLĐ n ăm 2018 cần được tổ chức với tinh thần đổi mới, tiết kiệm, hiệu quả hướng về doanh nghiệp, cơ sở. Ban Chỉ đạo Tháng hành động về ATVSLĐ Trung ương yêu cầu tổ chức Tháng hành động về ATVSLĐ năm 2018 hướng về doanh nghiệp, cơ sở sản xuất kinh doanh, người lao động cả trong khu vực có quan hệ lao động và không có quan hệ lao động, đảm bảo thiết thực, hiệu quả, tránh hình thức, lãng phí và thu hút được sự tham gia, phối hợp của các cấp, các ngành, các tổ chức, cơ quan truyền thông, doanh nghiệp và người lao động.
Ttình hình an toàn vệ sinh lao động năm 2017, Cục An toàn lao động cho biết: năm 2017, trên phạm vi toàn quốc đã xảy ra 8.956 vụ tai nạn lao động (TNLĐ) làm 9.173 người bị nạn (bao gồm cả khu vực có quan hệ lao động và khu vực người lao động làm việc không theo hợp đồng lao động) người bị nạn, trong đó số vụ TNLĐ chết người: 898 vụ, số vụ TNLĐ có hai người bị nạn trở lên: 101 vụ, số người chết: 928 người, số người bị thương nặng: 1.915 người, nạn nhân là lao động nữ: 2.727 người. Thành phố Hồ Chí Minh là địa phương thống kê số người chết vì TNLĐ nhiều nhất; Bắc Ninh có số người chết vì TNLĐ tăng cao so với năm 2016.
Những lĩnh vực sản xuất kinh doanh xảy ra nhiều tai nạn lao động chết người trong khu vực có quan hệ lao động gồm: Lĩnh vực xây dựng chiếm 20,8% tổng số vụ tai nạn và 19,7 % tổng số người chết; Lĩnh vực sản xuất vật liệu xây dựng chiếm 9,2 % tổng số vụ và 8,8 % tổng số người chết; Còn lại là các lĩnh vực khác như: Lĩnh vực cơ khí, luyện kim, lĩnh vực nông, lâm nghiệp, lĩnh vực dịch vụ…
Các nguyên nhân chủ yếu để xảy ra tai nạn lao động chết người do phía người sử dụng lao động chiếm 45,41%, do phía người lao động chiếm 20 %, còn lại 34,59 % là những vụ tai nạn lao động xảy ra do các nguyên nhân khác như: Khách quan khó tránh, nguyên nhân chưa kể đến, tai nạn giao thông, nguyên nhân tai nạn lao động do người khác.
Về sức khỏe lao động, bệnh nghề nghiệp và quan trắc môi trường lao động, tổng số người lao động tiếp xúc với yếu tố có hại được thực hiện khám phát hiện bệnh nghề nghiệp là hơn 295.443 trường hợp. So sánh với cùng kỳ năm 2016, số trường hợp được khám phát hiện bệnh nghề nghiệp từ 150.000 tới 281.409. Trong số khám đã phát hiện được hơn 3.802 trường hợp mắc bệnh nghề nghiệp, trong đó cao nhất là điếc nghề nghiệp do tiếng ồn (hơn 2.766 trường hợp) còn lại là các bệnh khác.
Trong khuôn khổ Tháng hành động về ATVSLĐ lần thứ 2 sẽ có rất nhiều hoạt động, đó là: Trưng bày, triển lãm tranh về công tác an toàn, vệ sinh lao động trên tuyến đường đi bộ Nguyễn Huệ trong vòng 1 tuần từ 5/5 – 12/5/2018; các hoạt động truyền thông, cụ thể là phối hợp xây dựng các chương trình, chuyên mục về ATVSLĐ trên các báo, tạp chí, các đài phát thanh, truyền hình nhằm cổ động, truyền thông nâng cao nhận thức về ATVSLĐ. Các hoạt động thanh tra, kiểm tra về ATVSLĐ, cụ thể ngay trong tháng 4, 5, 6 và 7, Bộ LĐTBXH tổ chức 6 đoàn thanh tra tại 97 doanh nghiệp và 1 số công trình xây dựng về ATVSLĐ.
Cùng với đó, các bộ, ngành như Công thương, Quốc phòng, Công an, Giao thông vận tải, Y tế, Tổng Liên đoàn LĐVN đều tăng cường tổ chức các đoàn thanh tra, kiểm tra và tự kiểm tra tại một số doanh nghiệp, cơ sở sản xuất kinh doanh có nguy cơ rủi ro cao về TNLĐ, BNN. Về phía TP Hồ Chí Minh: tổ chức các đoàn thanh tra, kiểm tra liên ngành về công tác ATVSLĐ đối với 100 doanh nghiệp, BCĐ các quận huyện trên địa bàn. Bên cạnh đó, là các hoạt thăm doanh nghiệp và gia đình nạn nhân bị TNLĐ; tổ chức các hội nghị, hội thảo, đối thoại chuyên đề về ATVSLĐ; tập huấn, khám sức khỏe, bệnh nghề nghiệp; các cuộc thi, hội nghị, hội thảo, tập huấn, tư vấn về ATVSLĐ; tổ chức thăm các doanh nghiệp điển hình về ATVSLĐ.
Tạ Chí Công (P6) - Theo Cục ATLĐ