Trắng đêm giúp dân vượt lũ, 2 chiến sỹ PCCC bị thương nặng
Trước đó, tối 17-8, nước sông Lam dâng cao làm cho nhiều làng mạc ở huyện Anh Sơn, Con Cuông, Tương Dương… bị nước lũ nhấn chìm. Để bảo vệ tài sản của bà con, chính quyền các địa phương cùng người dân đã phải thức trắng đêm để canh chừng mực nước lên và vận chuyển tài sản ra khỏi vùng nước ngập. Trong khi làm nhiệm vụ cứu nhân dân vượt lũ, hai chiến sỹ thuộc Phòng Cảnh sát PCCC số 4, Công an tỉnh Nghệ An đã bị thương nặng.
Trước đó, tối 17-8, lực lượng Công an trắng đêm cùng dân canh nước lũ lên |
Tại huyện Quỳ Hợp, nhiều tuyến đường, khu dân cư cũng bị nước làm ngập nặng. Trong lúc các lực lượng đang giúp dân tại xã Nghĩa Xuân di dân thì nhận được tin báo có 6 người mắc kẹt trong mưa lũ. Đây là những người đi làm về qua khu vực này gặp mưa lớn nên vào quán để trú, ai ngờ nước càng lúc càng ngập sâu và chảy xiết nên đã gọi điện cầu cứu.
Lúc này, tại địa phương 2 xã Châu Đình, Tam Hợp đã phân lực bố lượng cứu hộ, cứu nạn tới hiện trường triển khai công tác cứu hộ ban đầu. Ngay sau đó, lãnh đạo huyện Quỳ Hợp đã chỉ đạo lực lượng chức năng tiến vào khu vực nước sâu bị cô lập, giải cứu 6 nạn nhân bị mắc kẹt.
Giúp dân vượt lũ, 2 chiến sỹ Cảnh sát PCCC số 4 bị thương nặng |
Nhiều tuyến đường bị xoá sổ hoàn toàn
Một số bản làng bị ngập lụt nặng nhất là ở các xã Châu Lý, huyện Quỳ Hợp; xã Nghĩa Hưng, huyện Nghĩa Đàn; xã Thạch Ngàn, Mậu Đức, Lạng Khê, huyện Con Cuông; xã Mỹ Lý, Mường Ải, Mường Típ, Tà Cạ, huyện Kỳ Sơn…
Quốc lộ 48E đang có 9 vị trí ngập, Quốc lộ 48D có 2 vị trí bị ngập, Quốc lộ 16 có 3 vị trí sạt lở taluy; đường tỉnh 531B có 7 vị trí bị ngập, đường tỉnh 541 có 1 vị trí bị ngập và 1 vị trí bị sạt lở taluy… Tại những vị trí ngập lụt, sạt lở đất đá, taluy đang được ngành Giao thông cắm biển báo hiệu, rào chắn, trực gác không cho người, phương tiện qua lại.
CBCS Công an huyện Kỳ Sơn giúp dân dọn dẹp bùn đất |
Tại Kỳ Sơn, nước sông dâng cao, chảy xiết, đã cuốn trôi đường từ thị trấn Mường Xén vào xã Tà Cạ, huyện Kỳ Sơn; trong đó nặng nhất là từ bản Cầu Tám, bản Bình Sơn 1 và bản Cánh. Cụ thể: từ Km 0+300 đến Km 600 đường 7b bị xóa sổ hoàn toàn, người dân và các phương tiện không thể qua lại.
Công an huyện Kỳ Sơn cho biết, tranh thủ lúc mưa ngớt, lực lượng Công an huyện đã tăng cường CBCS xuống địa bàn giúp dân khắc phục hậu quả sau mưa bão. Lũ rút đã rút bớt nhưng để lại một lượng bùn đất lớn, khiến công tác dọn dẹp gặp nhiều khó khăn. CBCS đã giúp bà con nhân dân cào bùn, rửa dọn nhà cửa; giúp các thầy cô giáo Trường Mầm non và Tiểu học thị trấn Mường Xén cào vét bùn đất, vệ sinh trường học bị ngập bùn hơn 1m…
Lũ đi qua để lại lượng lớn bùn đất, có trường học bị bùn ngập tới 1m |
Văn phòng Thường trực Ban Chỉ huy phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn tỉnh Nghệ An cho biết, do ảnh hưởng bão số 4, trên địa bàn huyện Kỳ Sơn có 5 người bị tử vong do lũ cuốn trôi. Lãnh đạo chính quyền địa phương và các cấp, ngành ở huyện Kỳ Sơn đã thăm hỏi, động viên, trao hỗ trợ gia đình các nạn nhân.
Tại huyện Tương Dương, nhiều tuyến đường đi vào các xã bị sạt lở, gây khó khăn cho việc đi lại. Trong đó các xã Tam Quang, Tam Thái, Lưu Kiền, thị trấn Tương Dương bị ảnh hưởng nặng. Nhiều điểm như Làng Nhùng, xã Tam Quang hơn 200m đường Quốc lộ 7A bị ngập lên đến hơn 2m, gây ách tắc nhiều giờ.
CBCS Công an huyện Kỳ Sơn cùng các thầy cô giáo Trường Mầm non và Tiểu học thị trấn Mường Xén dọn dẹp vệ sinh |
Nhiều tuyến đường từ thị trấn Hòa Bình lên xã Lưu Kiền và từ thị trấn vào xã Yên Na bị sạt sở nghiêm trọng, gây ách tắc, khó khăn cho người đi lại. Đặc biệt đường bờ kè sông Lam đoạn qua thị trấn bị ngập chìm hoàn toàn trong nước. Trước tình hình đó, Ban Chỉ huy phòng chống lụt bão của huyện Tương Dương đã huy động toàn bộ lực lượng và phương tiện tại chỗ ứng cứu các điểm xung yếu và những nơi bị thiệt hại do mưa lũ gây ra.
Tại Thanh Hoá:
Do mưa to kéo dài đã khiến nhiều xã, phường bị ngập lụt. Trong đó, Thiệu Dương và Thiệu Khánh là 2 xã có nhiều hộ dân sinh sống tại khu vực ngoại đê, chỉ trong đêm 17/8 đã bị nước lũ cô lập.
Để bảo vệ tính mạng và tài sản của nhân dân, công an TP.Thanh Hóa và phòng Cảnh sát Đường thủy công an tỉnh đã huy động lực lượng, phương tiện phối hợp với cấp ủy, chính quyền địa phương và lực lượng tại chỗ tổ chức sơ tán dân và di rời tài sản đến nơi an toàn. Tính đến ngày 18/8 hơn 2.800 hộ dân với gần 9.000 nhân khẩu ở 2 xã Thiệu Dương và Thiệu Khánh đã được sơ tán đến nơi an toàn.
CBCS phòng Cảnh sát đường thủy giúp gia đình anh Nguyên Xuân Giỏi di quan bà Luân lên bờ để mai táng.
|
Cũng trong ngày 18/8, trên địa bàn phường Đông Hải, TP.Thanh Hóa do bị nước lũ cô lập nên gia đình anh Nguyễn Xuân Giỏi, ở phố Xuân Lộc, phường Đông Hải, có mẹ là bà Vũ Thị Luân, sinh năm 1943 mất do tuổi già, nhưng không thể mang đi mai táng.
CBCS phòng Cảnh sát đường thủy giúp gia đình anh Nguyên Xuân Giỏi di quan bà Luân lên bờ để mai táng.
|
Chia sẻ với những khó khăn của gia đình anh Giỏi, phòng Cảnh sát đường thủy công an tỉnh đã phối hợp với chính quyền thành phố và phường Đông Hải huy động lực lượng, phương tiện ca nô để đưa thi hài bà Luân lên bờ mai táng theo phong tục địa phương. Việc làm trên của phòng Cảnh sát Đường thủy đã được chính quyền và nhân dân đồng tình ủng hộ và đánh giá cao.
Cũng do ảnh hưởng của cơn bão số 4, hiện nay trên địa bàn một số huyện miền núi Thanh Hóa như Bá Thước, Mường Lát, Quan Sơn…đã xảy ra ngập lụt khiến việc đi lại của người dân hết sức khó khăn.
Để giúp nhân dân khắc phục hậu quả mưa lũ, lực lượng công an các huyện miền núi đã tăng cường lực lượng, phương tiện xuống các địa bàn có điểm sạt lở, ngập lụt để phối hợp phân luồng, phân tuyến, hướng dẫn giao thông, không cho nhân dân đi vào khu vực nguy hiểm.
An Quỳnh