web nhà cái cá độ bóng đá uy tín blckvc,trò chơi nổi tiếng

Người giữ linh hồn “Trại hè lính cứu hỏa”

 

Với các cháu học sinh, học kỳ 8 ngày được trải nghiệm làm lính cứu hỏa là dịp được học kiến thức, kỹ năng: thoát hiểm; sinh tồn; an toàn phòng cháy; cứu nạn, cứu hộ; làm việc theo nhóm; tuân thủ kỷ luật… vô cùng hấp dẫn. Người gắn bó từ khi chương trình kỹ năng sống này ra đời đến nay và cũng là người nhận được rất nhiều tình cảm của “lính cứu hỏa nhí” chính là Đại úy Đỗ Tuấn Anh.

1. 13h15 ngày 2-7, nắng như đổ lửa trên thao trường của trường Đại học PCCC đóng tại huyện Lương Sơn, tỉnh Hòa Bình. Phụ huynh của 88 học sinh tham gia khóa 3 “Trại hè lính cứu hỏa” 2018 đứng dọc hành lang nhìn ra sân bê tông đầy nắng mà không khỏi ái ngại.

Thế nhưng, sau tiếng còi báo cháy, các tiểu đội “lính cứu hỏa nhí” nhanh chóng xuất hiện và tản đến các vị trí. Tình huống đưa ra là: cháy nhà chung cư cao tầng. Yêu cầu phải đảm bảo là: Dập lửa, cứu người mắc kẹt, cấp cứu người bị nạn…

 

 

 

Dạy trẻ cách sử dụng bình cứu hỏa.

 

Mặc dù là tình huống giả định nhưng việc diễn tập diễn ra như thật. Điểm phát ra đám cháy là tòa nhà được xây dựng theo mô hình chung cư cao tầng. Khói bốc lên và tiếng còi báo động réo vang, các chiến sỹ cảnh sát nhí chia thành các tổ, đội nhanh sử dụng vòi rồng, bình cứu hỏa dập tắt đám cháy; trèo lên các tầng để đưa người mắc kẹt xuống bằng dây thừng; khiêng người bị nạn đến xe cứu thương…

Chứng kiến các bạn nhỏ tuổi từ 8 đến 17 ai làm việc nấy, vừa nhanh chóng vừa khéo léo sử dụng vòi rồng phun nước, bình cứu hỏa dập lửa, leo lên các tầng cao, thả người mắc kẹt từ cao xuống …, hầu hết phụ huynh đều ngỡ ngàng.

Thật khó tin, chỉ trong khoảng 1 tuần vừa vui chơi, vừa học tập, các cháu đã có thể làm việc theo nhóm, có tính kỷ luật cao và vận hành rất trơn tru trong quy trình chữa cháy. Cuộc diễn tập không chỉ là một trò chơi đầy hứng thú mà là một trải nghiệm hữu ích. Bởi sẽ không có cách tuyên truyền, phổ biến kiến thức về PPCC & CNCH (cứu nạn cứu hộ) nào hiệu quả hơn khi để chính những bạn nhỏ biết cách xử lý tình huống cấp bách rất dễ gặp trong đời sống bằng việc nhập cuộc như thật này.

Chỉ trong 8 ngày hè, thay vì ở trong nhà máy lạnh để “ôm” ti vi, máy tính, điện thoại…, những đứa trẻ được học những kỹ năng sống bổ ích, vui chơi trong môi trường rất gần gũi với thiên nhiên với yêu cầu cao về tính kỷ luật. Và chúng đã thích nghi, hòa nhập, hứng thú. Tại lễ tổng kết khóa học, phụ huynh còn bất ngờ hơn nữa khi thấy các con nhanh nhẹn trong việc tập hợp đội ngũ; chào cờ theo điều lệnh của lực lượng vũ trang; đồng diễn võ thuật; múa hát dân vũ…

Dường như, cả phụ huynh lẫn các học viên nhí đều quên mất cái nắng bất thường của ngày hè tháng 7. Họ cùng say mê và hào hứng khi xem và tham gia chương trình. Để rồi khi Đại úy Đỗ Tuấn Anh tuyên bố kết thúc “Trại hè lính cứu hỏa” khóa 3, cả thầy và trò đều bịn rịn chia tay. Nhiều bạn nhỏ đã ôm những người thầy Cảnh sát PCCC & CNCH, các anh chị điều phối viên gắn bó với mình trong 8 ngày qua khóc. Còn với riêng tôi, tôi chỉ dám đứng nhìn khi thấy cậu con trai 13 tuổi cố giấu việc mình khóc bằng cách lén quệt những giọt nước mắt.

Trên đường từ Hòa Bình về Hà Nội, tôi cứ tự hỏi, điều gì khiến một cậu bé đang ở tuổi dậy thì đầy bất ổn về tâm lý lại có tình cảm đặc biệt như vậy? Điều gì khiến những đứa trẻ vốn khác nhau về tuổi, về gia đình, về trường học, về sở thích… lại quyến luyến nhau đến thế? Con cắt ngang dòng suy nghĩ của tôi khi hỏi, “Mẹ thích ở nông thôn hay thành phố”?.

Không đợi tôi trả lời, cu cậu nói tiếp: “Tối hôm kia, con trèo lên thùng xe tải khi cả trung đội đang quẩy (sinh hoạt văn hoá, văn nghệ) ở sân bê tông. Con ngắm trăng và thấy trăng ở đây rất đẹp. Ở Hà Nội, con chưa bao giờ được thấy trăng đẹp như thế…”. Tôi nghe mà ngỡ ngàng trước bộc bạch của con trai mà cách đây hai năm, khi mới bước vào cấp học THCS, vì thay đổi môi trường học tập, vì bài vở quá nhiều, vì bất ổn về tâm lý lứa tuổi đã ước có thể … cho nổ tung trường học.

Như vậy, học kỳ ngắn ngủi được ăn, ngủ, rèn luyện trong môi trường của những người lính cứu hoả không chỉ giúp trẻ có thêm những kỹ năng rất cần thiết trong cuộc sống mà còn đánh thức ở chúng những điều mà không phải cha mẹ nào cũng thấy và được chúng thổ lộ.

2. Tôi tìm đến Đại uý Đỗ Tuấn Anh trong tâm thế của một phụ huynh rất hoan hỉ vì đã chọn cho con một khoá học kỹ năng sống rất bổ ích trong ngày hè. Tôi cũng muốn tìm thêm lý do, vì sao bọn trẻ lại yêu quý anh Tụt (tên gọi thân mật của Tuấn Anh) đến thế. Tuấn Anh cho biết, “Trại hè lính cứu hoả” kỳ 3 kết thúc vào ngày 2-7 thì trước đó 1 ngày, Tuấn Anh có quyết định về Cục Cảnh sát PCCC. Ôi! Vậy anh Tụt sẽ không còn gắn bó với “Trại hè lính cứu hoả” nữa sao?

 

 

 

Đại úy Đỗ Tuấn Anh tại một buổi hướng dẫn PCCC trong “Trại hè lính cứu hỏa”.

 

Nghe thắc mắc của tôi, Tuấn Anh cười và cho biết, sẽ còn gắn bó hơn. Bởi, Tuấn Anh chuyển về Phòng tuyên truyền và xây dựng phong trào toàn dân an toàn PCCC và CNCH. “Trại hè lính cứu hoả” thực ra là một trong những nội dung thực hiện tuyên truyền và hướng dẫn an toàn phòng cháy. Về đơn vị chuyên trách, lại ở cấp bộ thì điều kiện để lan toả những chương trình như “Trại hè lính cứu hoả” sẽ bao quát hơn.

Những chương trình kiểu này sẽ được xây dựng và tổ chức thực hiện không chỉ trong mùa hè, với thời gian 8 ngày như trước mà sẽ linh hoạt về nội dung, thời lượng, thời gian… Qua đó, việc tuyên truyền và hướng dẫn học sinh, sinh viên cũng như các đối tượng khác trong xã hội về kiến thức về PCCC & CNCH sẽ đáp ứng tốt hơn.

Năm 2010, chương trình về kỹ năng an toàn cho cộng đồng được anh và những đồng nghiệp xây dựng với đối tượng là các hộ gia đình (với sự tham gia của bố, mẹ, con) với thời lượng 1 ngày. Tuy nhiên, do xã hội lúc này không mấy quan tâm nên chương trình không đạt hiệu quả cao. Đối tượng học sinh, sinh viên với đặc thù là thường tập trung đông, lại đang ở độ tuổi ham học, thích khám phá được các anh hướng tới. Năm 2015, lần đầu tiên chương trình “Trại hè lính cứu hoả” ra đời với thời lượng 3 ngày/khóa. Các năm tiếp theo, thời lượng 5 ngày/khóa, 7 ngày/khóa và năm 2018 là 8 ngày/khóa.

Việc xây dựng và tổ chức chương trình được thực hiện dựa trên những yêu cầu về cung cấp kiến thức về an toàn phòng cháy, kỹ năng sống trong điều kiện hoàn cảnh đặc biệt nhưng phải đảm bảo tính hấp dẫn, phù hợp với lứa tuổi. Vì rất coi trọng việc trang bị kỹ năng sống nên trong suốt khoá học, khâu tổ chức cho học viên theo đội nhóm (tiểu đội) rất hiệu quả. Mỗi học viên là một mắt xích trong hệ thống nên các em buộc phải phát huy tính tự giác của bản thân và trách nhiệm với tập thể.

Kiến thức được trang bị ở dạng liên hoàn, bài học hôm trước bổ trợ cho bài học hôm sau khiến cho việc áp dụng vào thực tiễn hiệu quả. Ví dụ như ngay hôm trước học cách sử dụng dây trong mang vác đồ vật ở địa hình phức tạp thì ngày hôm sau, các em đi rừng để học kiến thức sinh tồn, lúc này việc biết sử dụng dây trong việc di chuyển, làm lều bạt tránh trú là rất hữu ích…

Theo tiết lộ của Đại uý Đỗ Tuấn Anh, Cục Cảnh sát PCCC hiện đang xây dựng Trung tâm giáo dục kiến thức về PCCC và CNCH tại Cầu Bươu, Hà Nội. Việc này là cần thiết trong bối cảnh hiện nay, khi mà những bất ổn trong phòng cháy vẫn tồn tại xung quanh ta.

Với một người rất nhiệt huyết truyền tải những kiến thức, kỹ năng để mọi người, mọi nhà được sống an toàn như Tuấn Anh, đây chính là nơi để anh phát huy và đóng góp. Trung tâm này sẽ là một địa chỉ để học sinh, sinh viên và các nhà trường chọn lựa để học tập và trải nghiệm những kỹ năng cần thiết chống giặc lửa và bảo đảm an toàn cho bản thân và những người xung quanh.

Hồng Tấn