Nhạc sỹ Nguyễn Quang Vinh đến với âm nhạc rất tình cờ. Từ nhỏ, anh đã tham gia sinh hoạt Câu lạc bộ Âm nhạc Thiếu nhi của Thành phố Hồ Chí Minh. Sau này, anh học Trung cấp âm nhạc chuyên ngành Trống (1995 – 1998) và tốt nghiệp Đại học chuyên ngành Quản lý Văn hoá năm 2010 tại Trường Văn hoá Nghệ thuật TP Hồ Chí Minh. Trong quá trình hoạt động âm nhạc, anh đã dàn dựng một số chương trình biểu diễn nghệ thuật chuyên nghiệp và quần chúng, được giải thưởng như: Sắc hội quê hương tại Liên hoan Tiếng hát miền Đông Nam Bộ, Huyền thoại một đời Người tại Liên hoan tiếng hát sinh viên. Với niềm đam mê âm nhạc, anh tìm đến học nhạc và tập sáng tác, nhưng chắc có lẽ anh có duyên với nhạc phim nên gần đây các nhà sản xuất và đạo diễn thường mời anh làm nhạc phim.
Nhạc sỹ Nguyễn Quang Vinh
Tuy có những thành công nhất định trên con đường âm nhạc nhưng anh vẫn thấy mình cần cố gắng hơn nữa để nâng cao trình độ chuyên môn nghiệp vụ trong lĩnh vực này. Vì vậy, anh tiếp tục hoàn thành chương trình Đại học âm nhạc tại Nhạc viện TP Hồ Chí Minh. Quan điểm của anh khi viết ca khúc ngoài những giai điệu đẹp thì ca từ cũng phải đẹp và nghiêm túc.
Chia sẻ về “duyên nợ” để có sự ra đời của “đứa con tinh thần” – “Hát về người chiến sỹ 114”, Nhạc sỹ Nguyễn Quang Vinh cho biết: Năm 2011, nhân dịp kỷ niệm 50 năm ngày Chủ tịch Hồ Chí Minh ký Lệnh ban hành Pháp lệnh quy định việc quản lý nhà nước về công tác PCCC, Sở Cảnh sát PC&CC TP Hồ Chí Minh (nay là Cảnh sát PCCC&CNCH – Công an TP Hồ Chí Minh) phối hợp với Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch và Hội Âm nhạc TP Hồ Chí Minh tổ chức Cuộc Vận động sáng tác những ca khúc về người lính PCCC. Anh là một trong những thành viên được mời tham gia trong đoàn nhạc sỹ sáng tác về đề tài này. Trong cuộc vận động sáng tác về người lính PCCC, đa số ý kiến cho rằng, đây là lĩnh vực khá “khô khan” rất khó viết và khó đi…thực tế. Được sự quan tâm đặc biệt của Thành ủy, UBND Thành phố, đặc biệt là sự chỉ đạo sát sao của Ban Giám đốc Sở Cảnh sát PC&CC TP Hồ Chí Minh khi đó, các nhạc sỹ đã được tổ chức tham quan, thực tế, gặp gỡ, tiếp xúc với những chiến sỹ 114. Tuy thời gian không nhiều nhưng cũng đã cho anh cùng các anh em trong đoàn hiểu được phần nào sự hy sinh thầm lặng của người chiến sỹ 114.
Khi viết ca khúc “Hát về người chiến sỹ 114” anh gặp không ít khó khăn. Sau chuyến tham quan thực tế, anh nghĩ phải “chào thua” vì đề tài này quá khó, nếu viết không khéo sẽ thành “cổ động, hô khẩu hiệu…”. Trong lúc chưa có ý tưởng mà thời gian nộp bài đã đến thì tình cờ anh chứng kiến một vụ cháy xảy ra, các chiến sỹ 114 làm nhiệm vụ, trong hoàn cảnh khó khăn nhưng họ vẫn hết lòng, hết sức cố “tìm lại cái còn trong cái đã mất” để mang lại niềm vui, niềm an ủi cho mọi người, các anh không chỉ làm nhiệm vụ chữa cháy mà còn cứu nạn, cứu hộ…Những người chiến sỹ thầm lặng ấy đáng cho chúng ta khâm phục và trân trọng hát lên những giai điệu đẹp vì nghĩa cử cao cả ấy. Vì vậy, anh viết: “Dòng sông hát về anh, rừng núi hát về anh, hát về người chiến sỹ thầm lặng…”!
Ấn tượng của anh là những vụ cháy và vụ cứu nạn, cứu hộ mà anh đã tình cờ gặp được. Trong những tình huống “ngàn cân treo sợi tóc”, ranh giới giữa sự sống và cái chết rất mong manh, những người lính 114 đã quên mình băng qua biển lửa để cứu người dân, cứu tài sản, “cứu cái còn trong cái mất”…Ấn tượng của anh về người chiến sỹ 114 là sự hy sinh thầm lặng của họ.
Ca khúc “Hát về người chiến sỹ 114”
Trong 16 ca khúc của Hội Âm nhạc TP Hồ Chí Minh trong cuộc vận động sáng tác về lực lượng PCCC năm ấy, “Hát về người chiến sỹ 114” có chất giọng rất riêng, ca từ mượt mà và sâu lắng, có sức lan tỏa mãnh liệt. Nhạc sỹ Nguyễn Quang Vinh đã đặt hết tình cảm của mình để thể hiện sự biết ơn và trân trọng đối với các chiến sỹ PCCC. Anh chọn chất giọng mượt mà, sâu lắng có thêm chút trữ tình vì anh muốn mượn đó để thay lời cảm ơn và trân trọng của các gia đình mà những chiến sỹ 114 đã từng cứu giúp nhưng rồi chưa kịp nói lời cảm ơn vì không biết các anh là ai, tên gì. Chỉ biết, các anh là những người làm nên những chiến công và luôn sống trong thầm lặng…
“Hát về người chiến sỹ 114” có sức lan tỏa mãnh liệt không chỉ với riêng lực lượng Cảnh sát PCCC&CNCH mà còn đối với tất cả những người yêu âm nhạc và dành những tình cảm yêu mến đặc biệt cho lực lượng Cảnh sát PCCC&CNCH. Sau lần gặp gỡ, tiếp xúc với lực lượng 114 và “Hát về người chiến sỹ 114” ra đời, mặc dù được công chúng đón nhận và đánh giá cao nhưng Nhạc sỹ Nguyễn Quang Vinh cùng các anh em trong đoàn nhạc sỹ ở cuộc vận động sáng tác này vẫn thấy mình còn mắc nợ những người lính 114 điều gì đó. Anh và các nhạc sỹ trong Hội Âm nhạc TP Hồ Chí Minh vẫn luôn dõi theo và dành tình cảm yêu mến đặc biệt đối với lực lượng Cảnh sát PCCC&CNCH để thai nghén và ấp ủ những đứa con tinh thần mới dành cho lực lượng 114./.
THIÊN HƯƠNG