‘Làng nghề’, nơi gắn liền các cơ sở sản xuất nhỏ lẻ mang tính chất gia đình nằm xen lẫn khu dân cư. Hiện nay các làng nghề đã phát triển cả về số lượng và loại nghành nghề, tuy nhiên, chỉ tập trung vào các nghành chính như chế biến lương thực, thực phẩm, thủ công mỹ nghệ, dệt may, hàng tiêu dùng. Và có một thực tế là các nghành nghề sản xuất, kinh doanh các mặt hàng có tính chất cháy nổ cao như dệt may, mây tre đan, đồ gỗ chiếm tỉ lệ khá lớn. Hiện nay, việc quản lý nhà nước về PCCC với các cơ sở này được quy định cụ thể trong hệ thống pháp luật PCCC. Trong đó, quy định cụ thể trách nhiệm quản lý nhà nước về PCCC đối với các làng nghề trước hết thuộc về các cấp chính quyền sở tại, các Sở, ban nghành chức năng của địa phương; lực lượng cảnh sát PCCC có trách nhiệm kiểm tra đôn đốc và hướng dẫn các điều kiện, biện pháp an toàn PCCC và tổ chức chữa cháy, cứu người, cứu tài sản khi có sự cố cháy, nổ xảy ra…
Thực tế cho thấy, trong những năm qua, hiệu lực quản lý nhà nước về PCCC đối với các làng nghề đã có những chuyển biến rõ rệt, các cấp, các ngành quan tâm nhiều hơn đến công tác PCCC nói chung và làng nghề nói riêng. Tuy nhiên, công tác PCCC ở các làng nghề còn nhiều bất cập, vẫn luôn tiềm ẩn nguy cơ cháy nổ. Ý thức, kiến thức PCCC của đa số chủ cơ sở và người lao động còn chủ quan, thờ ơ, chưa hiểu rõ tác hại do cháy nổ gây ra nên việc sử dụng lửa, nguồn nhiệt, nguồn điện rất cẩu thả, tùy tiện, không biết sử dung bình chữa cháy, không có kiến thức về PCCC, nhiều cơ sở sản xuất khi xây mới hoặc cải tạo tại các làng nghề không thực hiện quy định về thẩm duyệt PCCC dẫn đến hàng loạt sai phạm như: không có lối thoát hiểm, hệ thống điện không đảm bảo an toàn phòng cháy, phòng nổ; không có hoặc có trang thiết bị PCCC tại chỗ nhưng không đảm bảo về số lượng, chất lượng; thiếu hoặc không có nguồn nước chữa cháy… Nhiều chủ cơ sở chưa quan tâm đến việc xây dựng và duy trì lực lượng PCCC tại chỗ. Nên khi có sự cố cháy, nổ xảy ra mặc dù nhỉ nhưng có khi cơ sở vẫn không tự dập tắt được dẫn đến cháy lan, cháy lớn.
Hiện nay, trên cả nước, có 50% tuyến đường vào làng nghề xe chữa cháy hoạt động không thuận tiện, đường vào các làng nghề đều chật hẹp, rất nhiều làng nghề tại nông thôn và các khu dân cư tiến hành lập barie chắn đường, cổng chào, đặt cọc bê tông giữa đường gây cản trở sự hoạt động của xe chữa cháy, khi xảy ra cháy rất kho tiếp cận được đám cháy hoặc khi đội chữa cháy chuyên nghiệp tới nơi thì cơ sở cũng đã bị thiêu rụi. Nguồn nước phục vụ chữa cháy tai các làng nghề còn rất bất cập, các hộ kinh doanh, sản xuất thường chỉ có nước phục vụ sản xuất, sinh hoạt, không có nguồn nước phục vụ công tác chữa cháy, phải lấy từ các ao, mương nước( thường phải đi xa điểm cháy hàng trăm thậm trí hàng nghìn mét), thực tế thời gian qua, tại một số địa phương đã để xảy ra cháy, gây thiệt hai nghiêm trọng về người và tài sản của nhà nước và nhân dân như:
Vụ cháy tại cơ sở sản xuất hàng mây tre đan xuất khẩu Hồng kỳ ở Phú Xuyên, Hà Nội xảy cháy hồi 0h55 phút ngày 15/9/2004, làm thiệt hại toàn bộ nhà xưởng, 10 công-te-nơ hàng,02 xe mô tô và nột số tài sản khác, tổng giá trị thiệt hại khoảng 700 triệu đồng, nguyên nhân là do sơ xuất khi sấy hàng; Vụ cháy tại công ty cổ phần giấy Thành Đạt ở làng nghề giấy Phong Khê, Bắc Ninh, xảy cháy hồi 19h00 ngày 4/5/2014 làm thiệt hại toàn bộ dãy nhà xưởng 5.000m2 gồm nhiều máy móc nguyên liệu giấy, tổng giá trị thiệt hại lên tới 100 tỷ đồng; Vụ cháy xảy ra vào khoảng 13h ngày 16/7/2015 tại xưởng gỗ ở làng nghề Liên Hà, huyện Đan Phượng, Hà Nội chứa nhiều gỗ, hóa chất, dung môi công nghiệp, khiến 3 nhà xưởng với diện tích trên 1.000m2 bị ngọn lửa thiêu rụi gần như hoàn toàn v v ….
Nguyên nhân của tình trạng trên là do ở nhiều địa phương các cơ sở sản xuất tại các làng nghề phátn triển một cách tự phát, chưa được quy hoạch; thêm vào đó, sự quản lý lỏng lẻo của các cơ quan chức năng; ý thức của không ít người đứng đầu đơn vị cơ sở còn chủ quan, chưa coi trọng công tác PCCC, thậm trí coi công tác PCCC là của cảnh sát PCCC… Ở các làng nghề truyền thống, nhiều cơ sở đã xây dựng và hoạt động từ lâu nên không đảm bảo các điều kiện an toàn PCCC theo quy định . Việc quản lý về PCCC của cảnh sát PCCC một số địa phương còn lúng túng; chưa có biện pháp mạnh, quyết liệt để chấn chỉnh, đưa công tác PCCC ở những nơi này vào quy củ.
Trước tình hình trên, đòi hỏi cần phải có những biện pháp PCCC cấp thiết, để kiềm chế sự gia tăng về số vụ cháy và thiệt hại do cháy gây ra tại các cơ sở làng nghề.
Thứ nhất, đối với người đứng đầu đơn vị, cơ sở cần có biện pháp hữu hiệu để nâng cao nhận thức, kiến thức PCCC cho người lao động; trong đó, chú ý quản lý chặt chẽ nguồn lửa, nguồn nhiệt, chất dễ cháy; sử dụng an toàn hệ thống, thiết bị tiêu thụ điện, đặc biệt là các thiết bị trong dây chuyền công nghệ sản xuất; đầu tư trang bị đầy đủ phương tiện chữa cháy ban đầu phù hợp đặc điểm cơ sở; tăng cường công tác tự kiểm tra, khắc phục kịp thời sơ hở, thiếu sót dẫn đến cháy; chuẩn bị lực lượng và các điều kiện để xử lý, dập tắt kịp thời khi có cháy xảy ra.
Thứ hai, chính quyền địa phương và các sở ban, ngành tăng cường công tác kiểm tra, giám sát, tuyên truyền nâng cao nhận thức, trách nhiệm cho các chủ cơ sở, người sử dụng lao động , người lao động và nhân dân trong làng nghề; tính toán việc quy hoạch và có phương án di chuyển khẩn trương những đơn vị cơ sở sản xuất, nhất là các cơ sở có nguy cơ cháy, nổ cao ra khỏi khu dân cư.
Thứ ba, đối với cảnh sát PCCC địa phương, trước mắt, cần tổ chức rà soát, đánh giá đúng tình hình công tác PCCC của từng đơn vị cơ sở trong các làng nghề, từ đó, có hướng dẫn cụ thể về các biện pháp để khắc phục ngay những sơ hở, thiếu sót có thể dẫn đến cháy, cháy lớn và các điều kiện phục vụ chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ; kiên quyết xử lý các vi phạm về PCCC, tạm đình chỉ, đình chỉ ngay những cơ sở có nguy cơ trực tiếp dẫn đến cháy, cháy lớn…; đồng thời báo cáo thực trạng công tác PCCC tại các làng nghề để lãnh đạo UBND cấp tỉnh biết và đề xuất phương án giải quyết.
Lợi ích của làng nghề thì ai cũng thấy, nhưng vấn đề an toàn PCCC tại các làng nghề đang là vấn đề đáng quan tâm, coi trọng hơn nữa công tác PCCC. việc nâng cao ý thức PCCC không chỉ bảo vệ tính mạng, tài sản của người dân mà còn bảo đảm an toàn, an ninh, phát triển làng nghề, góp phần phát triển kinh tế – xã hội của đất nước./.
Bùi Bảo (P9)