web nhà cái cá độ bóng đá uy tín blckvc,trò chơi nổi tiếng

Những nhà giáo dục nổi tiếng nhất thế giới

 

Friedrich Froebel (1782 – 1852)

Nếu nói về những đóng góp vĩ đại trong ngành giáo dục, không thể không nhắc đến Friedrich Froebel. Ông là nhà giáo dục nổi tiếng người Đức, người thành lập nhà trẻ đầu tiên trên thế giới tại Đức vào năm 1837. Thuật ngữ “Trường mẫu giáo” cũng là do ông đặt ra. Ông đã sử dụng các phương pháp trò chơi, bài hát, những câu chuyện và hình thức khen thưởng để dạy dỗ trẻ em. Froebel khẳng định rằng mỗi đứa trẻ sinh ra đều có một bản chất tinh thần nội tại – một động lực sống luôn tìm cách để được thoát ra ngoài thông qua tự hoạt động. Froebel tin rằng trường mầm non nên tập trung vào hoạt động vui chơi vì vui chơi tạo điều kiện cho quá trình tóm lược văn hóa, sự bắt chước những hành động nghề nghiệp của người lớn và sự xã hội hóa của trẻ. Tầm nhìn của ông bắt nguồn từ niềm tin Kitô giáo mãnh liệt về mọi sự vật đều có bản chất giống nhau. Ông phát hiện giai đoạn quan trọng nhất để phát triển bộ não con người là từ khi sinh ra cho đến lúc 3 tuổi. Cho tới thế kỷ thứ 21, các giáo viên mầm non vẫn đang tiếp tục đề cao quan điểm của Froebel. Ông trở thành một trong những nhà cải cách giáo dục mạnh mẽ nhất của thế kỷ 19 nhờ nhấn mạnh vào tầm quan trọng của giáo dục mầm non.

John Amos Comenius (1590 – 1672)

Ông là nhà lý luận giáo dục nổi tiếng thế giới. Ông sinh ra tại Séc và là người đầu tiên khai sinh ra sách giáo khoa có hình minh họa. Ông còn là một nhà triết học vĩ đại, một nhà lý luận giáo dục xuất sắc với câu nói nổi tiếng “Nếu như thế giới là trường học của nhân loại, thì cuộc đời của mỗi người là trường học từ khi sinh ra cho đến lúc chết”. Ông quan niệm, mọi giới hạn giáo dục đều là trở ngại chính cho sự tiến bộ của nhân loại. Ông loại bỏ những trở ngại này bằng cách soạn thảo một số sách giáo khoa xuất sắc và trở thành người làm thay đổi cách thức giáo dục trong trường lớp phổ thông. John Comenius cũng là người đưa ra những phương pháp giảng dạy bằng biểu đồ, đồ thị, hình ảnh và các phương tiện trực quan. Trong cuốn sách nổi tiếng mang tên “Didactica Magna” (Nền giáo dục tuyệt vời), ông đã chỉ ra một hệ thống giáo dục lý tưởng mà ngày nay hầu hết các nước trên thế giới đều áp dụng. Đó là sự phân cấp bậc học với trường Mầm non, Tiểu học, Trung học, trường Cao đẳng dạy nghề và Đại học. John Comenius được xem là “cha đẻ của giáo dục hiện đại”.

Maria Montessori (1870 – 1952)

Bà là nhà trị liệu đồng thời là nhà giáo dục nổi tiếng người Ý. Bà đã phát minh ra phương pháp giáo dục mang tên mình Montessori – phương pháp dạy học với nhiều ưu việt mà ngày nay được sử dụng phổ biến trên toàn thế giới.

Maria Montessori là một phụ nữ có tính cách rất mạnh mẽ. Sinh thời, bà đã quyết tâm theo đuổi các ngành học vốn chỉ dành cho nam giới như: Kỹ thuật, Y dược. Vượt qua những rào cản xã hội và khó khăn trong suốt quá trình học, bà liên tục nhận được học bổng và là người phụ nữ đầu tiên tại Ý tốt nghiệp ngành Y năm 1896. Năm 1907 bà bắt đầu sự nghiệp là nhà giáo dục khi bà được mời tổ chức 1 trường trong khu tái định cư ổ chuột khu vực San Lorenzo ở Ý. Trong giai đoạn này bà đã quan sát thấy rằng trẻ em hoàn toàn bị cuốn hút bởi các vật dụng và chất liệu được thiết kế để trợ giúp sự cảm nhận của giác quan. Vì vậy bà đã xây dựng một phương pháp giáo dục đặc biệt với tiến trình giáo dục dựa vào việc học qua cảm giác. Phương pháp Montessori chấp nhận sự duy nhất của mỗi trẻ và cho phép trẻ phát triển tuỳ theo những khả năng riêng của mình và thời gian riêng của mình. Phương pháp giáo dục của bà đến nay vẫn được áp dụng rộng rãi trên thế giới và trở thành một phương pháp có ảnh hưởng lớn đến nền giáo dục nhân loại hiện đại.

Anne Sullivan (1866 – 1936)

Bà là nhà giáo nổi tiếng người Mỹ. Năm 5 tuổi, bà gần như mất hết thị lực do di chứng một trận sốt. Tuổi thơ của bà đã trải qua nhiều khốn khó trong sự ghẻ lạnh của người cha và bị nuôi dưỡng trong trại tế bần. Bà cũng phải trải qua nhiều cuộc phẫu thuật mắt mới lấy lại được một phần thị lực. Năm 1887, sau khi hoàn thành việc học, bà tình cờ trở thành gia sư và sau này là người bạn quan trọng trong cuộc đời của Helen Keller – người mù, điếc đầu tiên đạt được học vị Cử nhân nghệ thuật trên thế giới. Nhờ có sự nhiệt huyết, tận tình dìu dắt của bà, Helen Keller đã gặt hái nhiều thành công trên con đường học vấn và sự nghiệp, trở thành người khuyết tật nổi tiếng của nước Mỹ. Do đó, Anne Sullivan đã trở thành biểu tượng của thế giới trong giáo dục trẻ em khuyết tật.

William McGuffey (1800-1873)

William Holmes McGuffey là giáo viên người Mỹ dành cả cuộc đời để phát triển lý thuyết về giáo dục trẻ em. Sinh thời, ông là học sinh xuất sắc, bắt đầu dạy học từ khi mới 14 tuổi. Ông đã thiết lập một khuôn mẫu sách giáo khoa, khuyến khích trình bày nội dung sống động, dạy bảng chữ cái và phát âm bằng các câu chuyện đơn giản, đặt từ vựng trong bối cảnh, yêu cầu học sinh đọc lớn và tương tác với những gì được học. Bộ sách giáo khoa mà ông đã viết có tên là McGuffey Readers, dành cho học sinh tiểu học, có tác động rất lớn đối với giáo dục trẻ em ở Mỹ và sự hoàn thiện của tài liệu giáo dục hiện đại. Ước tính có ít nhất 122 triệu bản McGuffey Readers được bán ra từ năm 1836 tới năm 1960, nâng doanh thu của nó đứng cùng hạng với Kinh Thánh và từ điển Webster. Từ năm 1961, McGuffey Readers tiếp tục được bán khoảng 30.000 bản/ năm. Ngày nay, bộ sách của ông vẫn phổ biến với những gia đình cho con học tại nhà và ở một số trường dành cho người theo đạo Tin lành.

John Dewey (1859 – 1952)

John Dewey là nhà triết học, tâm lý học người Mỹ khai sinh ra giáo dục thực nghiệm. Ông là người ủng hộ cải cách giáo dục suốt cuộc đời mình, quan điểm giáo dục của John Dewey bắt nguồn từ triết học thực nghiệm. Ông đã từng tham gia giảng dạy ở nhiều trường Đại học của Mỹ. Dewey tin rằng học tập cần thiết thực và việc đến trường không cần thiết phải dài lâu và bị hạn chế. Ý tưởng của ông là trẻ con tới trường để thực hành và sống trong một cộng đồng mang lại cho chúng những trải nghiệm thực, được hướng dẫn, tập trung vào khả năng đóng góp cho xã hội. Với Dewey, suy nghĩ là phương tiện mà thông qua đó, con người sẽ hiểu và kết nối với thế giới xung quanh mình. John Dewey là người đề xướng mạnh mẽ phong trào cải cách giáo dục tiến bộ. Ông tin rằng giáo dục nên được dựa trên nguyên tắc học tập thông qua thực hành. Trong suốt những năm 1920, Dewey đã giảng dạy về cải cách giáo dục ở các trường học trên toàn thế giới. Những năm 1930, sau khi nghỉ dạy, ông trở thành một thành viên tích cực của nhiều tổ chức giáo dục trong đó có Hiệp hội giáo viên New York và Liên đoàn tự do học thuật quốc tế. 

Khổng Tử (551– 479 trước Công nguyên)

Khổng Tử là nhà tư tưởng vĩ đại không chỉ của Trung Hoa mà của cả nhân loại.  Ông là nhà hiền triết, nhà chính trị và là nhà khoa học có tầm khai sáng, có ảnh hưởng sâu rộng tới nền văn hóa, giáo dục ở Châu Á trong đó có Việt Nam. Những tư tưởng giáo dục của Khổng Tử không chỉ có giá trị ở thời đại ông sống mà các thời đại về sau, cho đến hiện nay người ta vẫn tìm thấy những hạt nhân đúng đắn khoa học, có thể áp dụng một cách tích cực, hiệu quả vào sự nghiệp trồng người. Tư tưởng giáo dục của Khổng Tử đề cao đạo đức. Mục đích giáo dục theo ông là đào tạo nên những con người có đức, có tài, có nhân, có lễ, nhằm duy trì đạo đức kỷ cương và phục vụ lợi ích toàn thể xã hội. Mẫu người mà khổng tử hướng tới là người quân tử vừa trị đạo vừa phải biết hành đạo. Ông cũng chủ trương giáo dục dành cho tất cả mọi người không phân biệt đẳng cấp giàu nghèo, chủng tộc. Ông có nhiều phương pháp giáo dục khá phong phú, đa dạng và sâu sắc như: phương pháp nêu gương, phương pháp học đi đôi với hành, phương pháp kết hợp giữa thầy và trò. Bản thân cuộc đời và sự nghiệp Khổng Tử cũng là tấm gương sáng về một người thầy mẫu mực. Ông là một trong mười nhà giáo dục lớn của thế giới, được người đời phong tặng là “Tố vương, vạn thế sư biểu” – (Ông vua thanh bạch, là một bậc thầy của muôn đời)./.

Hồng Hạnh (Tổng hợp)