Trong những năm qua, đã xảy ra một số vụ cháy tại các chợ, siêu thị, trung tâm thương mại, gây thiệt hại lớn về người và tài sản. Vì vậy, các chợ, siêu thị, trung tâm thương mại trên địa bàn quận cần đặc biệt quan tâm đến công tác an toàn PCCC&CNCH trong gian trước tết Kỷ Hợi – 2019 sắp tới. Và nguyên nhân đáng chú ý gây ra các vụ cháy tại các chợ, siêu thị, trung tâm thương mại chủ yếu là do sơ suất trong sử dụng thiết bị điện, do vi phạm trong quản lý sử dụng nguồn lửa, nguồn nhiệt của các tiểu thương, người kinh doanh buôn bán trong các chợ, siêu thị, trung tâm thương mại.
Lực lượng chức năng khuyến cáo và yêu cầu các tổ chức, cơ sở và cá nhân cần tập trung một số giải pháp sau:
1. Tổ chức thực hiện nghiêm các quy định về an toàn phòng cháy và chữa cháy. Trong đó, chú trọng việc quản lý chặt chẽ các loại hàng hóa dễ cháy nổ, các dạng nguồn lửa, nguồn nhiệt, các thiết bị, dụng cụ sinh lửa, sinh nhiệt; đảm bảo điều kiện an toàn phòng cháy và chữa cháy trong quá trình hoạt động; tăng cường kiểm tra, nhắc nhở tiểu thương và nhân viên đang kinh doanh, làm việc trong chợ, siêu thị, trung tâm thương mại, đặc biệt thực hiện nghiêm các quy định sau:
– Không tàng trữ, kinh doanh trái phép các mặt hàng, các chất nguy hiểm về cháy, nổ như: xăng, dầu, gas, hóa chất dễ cháy, nổ khác;
– Ngắt tất cả các thiết bị sử dụng điện ra khỏi nguồn (tắt công tắc, cầu dao, aptomat, rút chuôi cắm ra khỏi ổ cắm điện,…) trước khi ra khỏi khu vực kinh doanh.
– Không sử dụng lửa trần như: đun nấu, đốt nhang, đèn cầy, đèn dầu, hút thuốc, đốt vàng mã… trong khu vực kinh doanh.
– Không tự ý câu mắc các thiết bị điện để chiếu sáng, sinh hoạt, trang trí, quảng cáo,… không đảm bảo an toàn về điện hoặc câu mắc quá nhiều để tránh hiện tượng quá tải gây cháy.
– Sắp xếp, trưng bày hàng hóa phải đảm bảo khoảng cách an toàn đối với các thiết bị, dụng cụ sử dụng điện, đường dây dẫn điện (khoảng cách tối thiểu là 0,5m). Lưu ý: việc sắp xếp hàng hóa phải tính đến trường hợp các chồng, đống hàng hóa khi đổ không đè lên các thiết bị điện hoặc đường dây dẫn điện.
– Bố trí các bình chữa cháy xách tay ở các vị trí dễ thấy, dễ lấy. Không sắp xếp, trưng bày hàng hóa che khuất các phương tiện, dụng cụ chữa cháy.
– Khi hết giờ kinh doanh, phải sắp xếp toàn bộ hàng hóa, vật dụng vào trong quầy, sạp và đóng kín tất cả các cửa quầy, sạp để hạn chế tốc độ lan truyền của đám cháy trong trường hợp xảy ra sự cố về cháy, nổ.
2. Thường xuyên kiểm tra, nhắc nhở tiểu thương trong thời điểm kinh doanh phải bố trí, sắp xếp hàng hóa trong quầy, sạp đúng phạm vi đã được quy định; không để hàng hóa tràn lan, lấn chiếm lối đi; phải đảm bảo khoảng cách an toàn về phòng cháy và chữa cháy và điều kiện thoát nạn trong trường hợp xảy ra sự cố cháy, nổ.
* Cụ thể (theo TCVN 6161:1996):
– Chiều rộng tối thiểu của lối đi chính trong khu vực kinh doanh (từ các cửa chợ đi vào) là 3,6m.
– Chiều rộng tối thiểu của lối đi giữa hai dãy quầy, gian hàng vải, quần áo may sẵn liền kề nhau là 1,8m.
– Chiều rộng tối thiểu của lối đi giữa hai dãy quầy, gian hàng giày, dép liền kề nhau là 1,2m.
– Chiều rộng tối thiểu của lối đi giữa hai dãy quầy, gian hàng khác bố trí song song nhau là 1,2m.
3. Đối với khu vực giữ xe ở các siêu thị và trung tâm thương mại, phải sắp xếp xe ô tô, gắn máy thành các hàng, dãy đảm bảo điều kiện an toàn về đường, lối thoát nạn, khoảng cách PCCC. Niêm yết bảng cấm lửa, cấm hút thuốc, trang bị phương tiện PCCC tại chỗ theo quy định. Không sắp xếp xe gần các tủ điện, thiết bị điện, đặc biệt, không được sắp xếp xe ở các vị trí đặt các phương tiện, dụng cụ phòng cháy và chữa cháy để tránh gây cản trở trong việc sử dụng, triển khai khi xảy ra sự cố cháy, nổ.
4. Hệ thống điện trong các chợ, siêu thị, trung tâm thương mại phải được tách riêng thành 3 hệ thống riêng biệt từ tủ điện chính: hệ thống điện kinh doanh, hệ thống điện chiếu sáng, bảo vệ và hệ thống điện PCCC (hệ thống điện cho máy bơm chữa cháy, hệ thống báo cháy tự động, hệ thống đèn chiếu sáng sự cố, chỉ dẫn thoát nạn). Khi hết giờ hoạt động phải tổ chức ngắt nguồn điện của hệ thống điện kinh doanh từ tủ điện chính. Mỗi sạp hàng phải có aptomat riêng, đường dây dẫn điện trong các sạp hàng phải đi trong ống bảo vệ cách điện, bóng đèn phải có máng chụp kín bằng vật liệu không cháy; hạn chế đấu nối dây dẫn điện, khi đấu nối phải đảm bảo đúng kỹ thuật an toàn. Khi ra khỏi sạp phải ngắt aptomat đảm bảo an toàn.
5. Trong các kho chứa hàng hóa phải sắp xếp hàng hóa ngăn nắp, đảm bảo khoảng cách an toàn phòng cháy và chữa cháy và thoát nạn, chống cháy lan; đảm bảo điều kiện an toàn trong việc xuất nhập hàng hóa và trong việc sử dụng điện. Hệ thống điện trong kho phải đảm bảo kín, đường dây dẫn điện phải đi trong ống bảo vệ cách điện; bóng đèn điện phải được chụp kín bằng vật liệu không cháy; tủ điện, bảng điện phải được lắp đặt mặt ngoài tường kho bằng vật liệu không cháy. Không thắp nhang, thờ cúng, nấu nướng trong khu vực kho.
6. Thường xuyên tổ chức kiểm tra, bảo dưỡng kỹ thuật đối với hệ thống điện. Khi phát hiện có dấu hiệu hư hỏng, sự cố về hệ thống điện như các thiết bị bảo vệ aptomat, cầu dao, cầu chì,…; dây dẫn điện bị lão hóa, ải mục, đổi màu, bong tróc, đứt gẫy; các ổ cắm, mối nối, các điểm tiếp xúc, công tắc điện bị ô xy hóa, rỉ sét phải khẩn trương khắc phục, sửa chữa, thay thế để đảm bảo an toàn phòng cháy và chữa cháy.
7. Đèn chiếu sáng sự cố và đèn chỉ dẫn thoát nạn phải được lắp đặt, bố trí ở trên các cửa ra vào, hành lang, cầu thang thoát nạn, lối rẽ trên đường thoát nạn để chiếu sáng, chỉ dẫn lối đi và dễ quan sát. Vị trí lắp đặt giữa các đèn chiếu sáng sự cố, giữa các đèn chỉ dẫn thoát nạn phải đảm bảo nhìn thấy lối thoát nạn và khoảng cách không lớn hơn 30m theo quy định tại TCVN 3890:2009.
8. Đầu tư trang bị các phương tiện PCCC như hệ thống chữa cháy tự động, hệ thống họng nước chữa cháy trong nhà, hệ thống báo cháy tự động, bình chữa cháy, dụng cụ phá dỡ thông thường như búa tạ, kìm cộng lực, xà beng theo quy định. Thường xuyên tổ chức kiểm tra, bảo dưỡng đảm bảo sử dụng kịp thời có hiệu quả khi xảy ra sự cố cháy, nổ xảy ra.
9. Tổ chức tuyên truyền, huấn luyện nghiệp vụ PCCC cho lực lượng PCCC cơ sở và những người làm trong môi trường có nguy hiểm về cháy, nổ; tổ chức thực tập phương án chữa cháy, cứu nạn-cứu hộ theo quy định.
10. Phân công lực lượng phòng cháy và chữa cháy tại chỗ tăng cường tuần tra, kiểm tra, ứng trực để kịp thời ngăn chặn và xử lý hiệu quả các sự cố về cháy, nổ xảy ra.
11. Phối hợp chặt chẽ giữa Ban quản lý các chợ, siêu thị, trung tâm thương mại với chính quyền địa phương và các lực lượng chức năng trong việc đảm bảo các điều kiện cho công tác PCCC như giao thông, nguồn nước; giải tỏa các trường hợp lấn chiếm lòng lề đường, kinh doanh buôn bán, giữ xe trái phép xung quanh các chợ, siêu thị, trung tâm thương mại.
Diệp Chi