Số phương tiện chữa cháy này thuộc dự án “Đầu tư trang bị phương tiện và nâng cao năng lực cho lực lượng Cảnh sát PCCC Việt Nam” được Thủ tướng phê duyệt từ năm 2015. Dự án sử dụng vốn vay ưu đãi từ Quỹ Hợp tác phát triển kinh tế của Hàn Quốc (EDCF) với tổng mức đầu tư 502 tỷ đồng.
Trong 81 xe này có 18 xe chữa cháy cỡ lớn, 48 xe cỡ trung bình, 2 xe thang loại vươn thẳng, 6 xe thang loại cần trục và 7 xe CNCH. Toàn bộ các phương tiện được sản xuất bởi Tập đoàn Everdigm và được Viện PCCC Hàn Quốc kiểm định chặt chẽ từ khâu thiết kế, sản xuất; nhờ vậy các thiết bị đầu tư theo dự án đều đáp ứng các tiêu chuẩn PCCC của châu Âu, Hàn Quốc và Việt Nam; tiêu chuẩn, quy chuẩn về môi trường, phù hợp với cơ sở hạ tầng của Việt Nam.
Xe chữa cháy cần vươn, một trong những loại xe chữa cháy hiện đại. |
Đến tháng 12-2018 được xuất xưởng, chuyển sang Việt Nam. Sau khi tiếp nhận xe và các thiết bị khác, Cục Cảnh sát PCCC và CNCH đã phối hợp với Tập đoàn Everdigm tiến hành tổ chức kiểm tra nghiệm thu, tập huấn, đào tạo đội ngũ cán bộ, chiến sĩ Cảnh sát PCCC và CNCH nhằm sử dụng thành thạo và khai thác có hiệu quả các trang thiết bị, phương tiện.
Thiếu tướng Đoàn Việt Mạnh, Cục trưởng Cục Cảnh sát PCCC và CNCH cho biết, thông qua dự án sẽ nâng cao năng lực cho lực lượng Cảnh sát PCCC, giảm thiểu thiệt hại về người và tài sản do cháy, nổ, tai nạn, sự cố gây ra; góp phần bảo vệ an toàn tài sản của Nhà nước, tính mạng và tài sản, giữ gìn cuộc sống bình yên, hạnh phúc của nhân dân.
Thông số kỹ thuật của các phương tiện được bàn giao rất hiện đại Trong đó, xe chữa cháy cỡ lớn có dung tích téc nước là 4.500 lít, téc bọt là 400 lít; xe chữa cháy cỡ trung bình có dung tích téc nước là 3.000 lít, téc bọt là 200 lít; xe thang chữa cháy vươn thẳng có chiều cao thang tối đa 33m, giỏ thang cứu hộ chịu được 270kg, tương đương 3 người.
Đối với xe thang chữa cháy cần trục là, một trong các loại xe mới tại Việt Nam, chiều cao làm việc tối đa của cần trục là 30m, giỏ thang trên cần trục có thể chịu tải 350kg, chữa cháy trên cao, có thể vận hành điều khiển từ xa, có trang bị camera tại giỏ thang giúp truyền hình trực tiếp tại hiện trường.
Đặc biệt trên xe có trang bị ống tụt có thể tiến hành cứu nhiều người một lúc, giúp cho việc cứu nạn cứu hộ tại các nhà cao tầng được thuận lợi.
Còn với xe CNCH được trang bị đầy đủ gần 200 loại thiết bị phục vụ tìm kiếm cứu nạn cứu hộ có xuất xứ châu Âu, Hàn Quốc, Nhật Bản và Mỹ, như: xuồng cứu hộ, phao cứu sinh, thiết bị lặn đầy đủ cùng máy banh cắt thủy lực, máy khoan, cắt, đục, cưa cầm tay… phục vụ công tác CNCH trong nhiều tình huống phức tạp như cứu nạn cứu hộ dưới nước, hang hầm, hố sâu, công trình sụp đổ…
Sau khi tiếp nhận, Bộ Công an sẽ bàn giao phương tiện cho 12 Công an các địa phương sử dụng, gồm: Bắc Ninh, Thái Nguyên, Quảng Ninh, Thanh Hóa, Nghệ An, Thừa Thiên – Huế, Bà Rịa-Vũng Tàu, Lâm Đồng, Khánh Hòa, Đắk Lắk, Bình Định và Quảng Ngãi.
Đây là lần thứ hai Bộ Công an tiếp nhận phương tiện PCCC số lượng lớn. Trước đó, cuối năm 2014, Bộ cũng phối hợp với UBND TP Hà Nội nhận bàn giao 52 xe chữa cháy cùng thiết bị hiện đại, cơ sở vật chất phục vụ sinh hoạt đi kèm cho Sở Cảnh sát PCCC Hà Nội… với tổng mức đầu tư 1.200 tỷ đồng.